1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Một kiểu khám chữa bệnh kỳ lạ

"Khám bệnh cấp thuốc thế nào là quyền của tôi, cho uống hay không là việc của các người(!?)" - Đây là kiểu khám chữa bệnh kỳ quặc ở phòng khám tư nhân 101-C5 Giảng Võ - phố Trần Huy Liệu, Hà Nội.

Đơn thuốc bí hiểm

 

Với chiêu thức theo dõi điều trị cho bệnh nhân hàng ngày, phòng khám này không ghi đơn thuốc. Đặc biệt là mỗi bệnh nhân có một phiếu theo dõi điều trị với ký hiệu khó hiểu.

 

"Cháu nội tôi 28 tháng bị ho, gia đình đưa cháu đến phòng khám bệnh tư nhân ở 101-C5 phố Trần Huy Liệu (do BS Nguyễn Đỗ Chương phụ trách). Một BS không đeo phù hiệu khám qua họng cho cháu và kết luận là VA (viêm amygdal). Sau khi chấm một dung dịch màu vàng nâu bôi vào họng cháu bé, nghe qua tim, phổi... ông bác sĩ giao một tờ giấy nhỏ cho cô trợ lý. Cô gái này hí húi cắt các viên thuốc cho vào 3 túi giấy rồi ghi chữ "sáng", "tối".

 

Khi gia đình yêu cầu cho đơn thuốc thì ông bác sĩ này từ chối và nói "cứ uống thuốc đã đưa, hôm sau tuỳ tình hình mà điều chỉnh thuốc".

 

Tôi thắc mắc về 3 túi thuốc không có tên thuốc và cách uống thì ông bác sĩ này nói: "Ai cũng đòi hỏi vậy thì chúng tôi lấy đâu ra thời gian". Tôi nói là nếu không biết thuốc gì thì không thể yên tâm cho cháu uống thuốc, lập tức ông bác sĩ xẵng giọng: "Khám bệnh cấp thuốc thế nào là quyền của tôi, cho uống hay không là việc của các người(!?)".

 

Sau khi trả tiền công khám bệnh và tiền thuốc là 42.000đ, ông bác sĩ này trao chúng tôi một tấm các ghi phiếu theo dõi điều trị trên đó là những ký hiệu rất khó hiểu...".

 

Đó là những bức xúc của bà Cao Bích Lộc - phường Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội trong bức thư trên tới chúng tôi, phản ánh về cách khám chữa bệnh kỳ lạ của phòng khám do BS Nguyễn Đỗ Chương phụ trách.

 

Có lừa bệnh nhân?

 

Để tìm hiểu sự thật về phòng khám 101-C5 Giảng Võ, Trần Huy Liệu, chúng tôi đã đến phòng khám và được chứng kiến kiểu khám chữa bệnh khác thường này.

 

Đã 11 giờ trưa nhưng phòng khám vẫn có 5-6 bệnh nhân chờ khám. Ông bác sĩ mặc áo trắng không có phù hiệu tên bận rộn khám cho bệnh nhân. Một cô y tá đứng bên chiếc bàn cạnh đó luôn tay cắt thuốc từ vỉ rồi gói thuốc vào từng túi giấy màu trắng nhỏ và ghi các phiếu theo dõi bệnh nhân.

 

Bệnh nhân sau khi bác sĩ khám xong được cô y tá này thông báo tiền thuốc, tiền khám bệnh và nhận 3 túi thuốc nhỏ màu trắng. Người bệnh nào cũng được dặn "Nhớ ngày mai đến lấy thuốc nhé".

 

Một phụ nữ khác cầm tấm phiếu theo dõi điều trị đưa cho cô y tá và nhận một túi thuốc sau khi đã trả 50.000đ. Khi được hỏi về những viên thuốc trong túi giấy màu trắng mà bà Lộc gửi cho chúng tôi, cô y tá này nói: "Thuốc trong vỉ là kháng sinh, còn hai viên thuốc rời là thuốc chống viêm".

 

Vì sao bác sĩ không kê đơn thuốc cho bệnh nhân, bán thuốc lại không còn nguyên vỉ và chỉ bán theo từng ngày mà không phải cả đợt...? Cô y tá sau một lúc lúng túng nói: "Người bệnh yêu cầu thì bác sĩ sẽ viết, chúng tôi bán thuốc theo từng ngày để tiện theo dõi cho người bệnh. Nếu cho bệnh nhân cả đợt 7 ngày thì khó theo dõi...(!?)".

 

Như vậy là trong khi ngành y tế đã có những quy định rất rõ ràng về việc bác sĩ bắt buộc phải kê đơn, ghi rõ tên thuốc, cách sử dụng cho bệnh nhân thì phòng khám này lại có một kiểu riêng. Cố tình giấu tên thuốc điều trị để bắt bệnh nhân phải mua thuốc với giá "cắt cổ" của phòng khám.

 

Với chiêu thức theo dõi quá trình điều trị hàng ngày của bệnh nhân, phòng khám này đã và sẽ lừa được nhiều bệnh nhân. Điều đáng nói là các cơ quan chức năng đã không hay biết có một phòng khám bệnh hành nghề khác thường như vậy.  

 

Theo Ngọc Phương

Lao Động