Một “hướng đi” cho tài xế xe tự chế
(Dân trí) - “Từ ngày 1/1/2008, đình chỉ lưu hành xe tự chế 3, 4 bánh”. Chỉ ít ngày nữa là quy định này của Nghị quyết 32/2007/NQ-CP có hiệu lực. Tương lai làm gì?... là nỗi lo canh cánh của khoảng 60.000 bác tài xe 3, 4 bánh tự chế tại TPHCM.
Làm cái gì ăn đây?
Khi nghe chúng tôi nói về quy định này, các bác tài xích lô, ba gác máy đều thẩn thờ hỏi mà như than: “Làm cái gì ăn đây?” Chú Trần Văn Tân, chạy xe ba gác máy ở đường Thích Quảng Đức (Q.Phú Nhuận) bức xúc: “Không làm nghề này thì biết làm gì vì tui có trình độ, chuyên môn gì đâu”.
Còn bác Nguyễn Minh Ngọc, dù đã 50 tuổi vẫn phải chạy xe ba gác kiếm cơm hàng ngày trên đường Phan Huy Ích. Cách đây 6 năm, vợ bác bị tai nạn gãy chân khiến bác Ngọc trở thành lao động duy nhất trong nhà.
Không thể phủ nhận tình trạng chở hàng hóa cồng kềnh, thiếu an toàn của các loại xe 3, 4 bánh tự chế là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn, ách tắt giao thông trong thành phố. Thế nhưng, đó cũng là do “cái khó của cái nghề khổ” tạo nên.
Nay cấm xe 3, 4 bánh tự chế để tạo nên sự an toàn giao thông, văn minh đô thị… là một chủ trương đúng đắn nhưng cũng nên có một lộ trình để thực hiện việc này. Và cũng cần những biện pháp hỗ trợ cho các bác tài nghèo thay đổi công việc mưu sinh.
Một hướng đi
Thực tế là đa số các bác tài hiện chưa xác định được là mình có thể chuyển sang là nghề gì. Nhiều bác tài vẫn muốn làm nghề cũ là vận chuyển nhỏ và thực sự thì vận chuyển nhỏ vẫn có nhu cầu.
Do đó, cần có một biện pháp vừa đảm bảo các bác tài có việc làm vừa chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và đảm bảo nhu cầu vận chuyển nhỏ của nhân dân.
Bác Tâm, tài xế ba gác máy ở chợ Bà Chiểu, cho biết: “Nghe nói ở Đồng Nai có nhập loại xe môtô ba bánh. Không biết xe đó có được phép chạy không? Nếu được thì rất mong Nhà nước nhập nhiều và trợ vốn cho chúng tôi mua chạy kiếm sống”.
Theo như tìm hiểu của Dân trí thì loại xe này là xe nhập khẩu nguyên chiếc nên được phép lưu hành. Hiện Công an Đồng Nai đã cho phép đăng ký loại xe này. Và Sở Giao thông Công chính Đồng Nai đang tổ chức cho các bác tài học để thi bằng lái.
Tuy nhiên với giá từ 32 đến 40 triệu đồng/chiếc, đây không phải là giải pháp mà bất cứ bác tài nào cũng chấp nhận được. Trong khi đó, một xe ba gác máy mới chỉ có giá năm bảy triệu đồng. Chú Tân cho biết: nếu xe môtô ba bánh có giá khoảng 20 triệu đồng thì có thể sẽ vay mượn để mua.
Đây có lẽ sẽ là một hướng đi cho các bác tài xe tự chế. Khi các cơ quan chức năng thì hỗ trợ cho họ vay vốn, các doanh nghiệp thì nghiên cứu hạ giá thành xe… Nhờ đó, các bác tài vẫn có thể làm tiếp công việc mà mình đã quen thuộc mà vẫn không vi phạm pháp luật.
Tùng Nguyên - Kim Hường