1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. Cháy nhà trọ 14 người chết

Một cử nhân viết thư xin được... vào tù

Lê Hồng Lĩnh - người viết lá thư “Tôi xin được đi tù”, đã gần 40 tuổi, gương mặt sạm đen, hiền khô, chẳng hề có dấu hiệu của sự “không bình thường”. Đằng sau bức thư là một cuộc đời “tiến thoái lưỡng nan, đi về lận đận”...

Những dòng chữ trong lá đơn “Tôi xin được đi tù” do một cử nhân lịch sử viết ra không phải để gây “sốc”, chơi trội hay bông phèng mà là những ý nghĩ nghiêm túc. Bức thư kỳ lạ ấy đã thúc giục tôi phải tìm gặp ngay tác giả. Gặp và giật mình...

Lê Hồng Lĩnh đang sống cùng vợ con ở thị xã Hà Tĩnh. Anh cười mà như mếu, kể cho tôi nghe nguồn cơn vì sao lại thảo bức thư có một không hai ấy.

Giọng Lĩnh trầm hẳn xuống khi kể về “tuổi thơ dữ dội” của mình: “Tôi sinh năm 1968, sống với mẹ ở Hà Tĩnh  cho đến năm 1977. Sau đó, tôi vào miền Nam với bố - lúc ấy đang làm trưởng phòng giáo dục huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Tôi đã trải qua những năm tháng sống trong sự thiếu thốn tình cảm của người mẹ và điều này càng khủng khiếp hơn khi tôi phát hiện ra bố tôi có vợ mới.

Một lần tôi vô tình thấy giấy đăng ký kết hôn của bố với một người đàn bà khác. Lúc đó trong tôi có một cái gì đó thiêng liêng lắm bỗng vụt tan vỡ. Tôi hụt hẫng, chán chường, thường bỏ học đi lang thang, đôi khi khóc một mình. Năm 1981 tôi trở về Hà Tĩnh và học trường Lý Tự Trọng. Tốt nghiệp PTTH xong tôi cũng không thi đại học. Hồi đó, vẫn có tâm lý đo sự thành đạt bằng xe công nông, xe máy... chứ không phải là tấm bằng Đại học. Tôi cũng tự thấy những năm tháng chán chường, bỏ bê học hành khiến cho mình không đủ tự tin để đi thi”.

Lê Hồng Lĩnh xin đi bộ đội, đơn vị đóng quân tại Thanh Hóa. Năm 1990 Lĩnh ra quân, trở về quê hương, chưa biết sẽ làm gì. Nhưng chẳng mất thời gian để buồn, Lĩnh lao vào làm đủ mọi việc để kiếm sống như đóng gạch, chữa xe đạp, buôn trứng...

Trong những ngày tất tả ngược xuôi đó, giấc mơ đại học bỗng nhiên lại trỗi dậy trong Lĩnh. Tuy nhiên anh vẫn thấy cổng trường đại học cao vời vợi mà một gã buôn trứng, đóng gạch khó với tới được. Một lần, người em họ đi thi Đại học về, cho Lĩnh xem đề thi. Lĩnh ngờ ngợ nhận ra: Nếu đề thi thế này thì mình cũng làm được.

Thế là bỏ hết công việc làm ăn để tập trung vào việc đèn sách. Ôn thi cực kỳ vất vả, như một cuộc “đánh vật” với con chữ  vì chương trình học ngày trước khác, bây giờ khác. Thế rồi những đêm thức trắng đã đem đến cho Lĩnh một kết quả tưởng chỉ có trong mơ: Trúng tuyển hệ chính quy Đại học Huế. Năm đó Lĩnh tròn 31 tuổi.

Vào lớp, về tuổi, Lĩnh hơn hầu hết các bạn đồng khóa tới 1 giáp. Dĩ nhiên, việc học của anh khó khăn gấp bội lần so với những sinh viên mới độ tuổi mười tám đôi mươi. Lĩnh cố gắng hết sức mình để không thua bạn kém bè. Anh từ chối cả tình yêu của một cô giáo người Huế thua mình 3 tuổi để tập trung vào học tập.

Lĩnh ra trường với tấm bằng cử nhân lịch sử. Tấm bằng đó sẽ là chìa khóa mở cửa vào tương lai. Một tương lai màu hồng - 35 tuổi, Lĩnh vẫn còn đủ lãng mạn để nghĩ như vậy. Anh cầm hồ sơ đi xin việc nhiều nơi. Nơi này người ta nhận hồ sơ rồi... quên, nơi kia hứa suông, nơi nọ lần lữa... Lĩnh bắt đầu vỡ mộng, anh chợt “ngộ” ra một điều “giản dị”:  Có bằng cử nhân mà thất nghiệp còn tệ hơn cả việc đi buôn trứng, chữa xe đạp trước đây. 

Chẳng biết nên buồn hay nên vui khi Lĩnh tới nhiều cơ quan xin việc, người ta cứ tưởng anh... đến công tác. Tuổi tác của Lĩnh tạo cho họ cảm giác đó. Mấy ai ngờ, một người trên 35 tuổi, đã tốt nghiệp Đại học mà vẫn còn “không chốn nương thân”.

Cũng vào thời điểm đó, Lĩnh cưới vợ. Mặc dù chưa có việc làm nhưng anh cũng không thể để người con gái mình yêu chờ đợi thêm nữa. Và 3 năm sau Lĩnh đã day dứt từng ngày vì quyết định đó. Vì 3 năm sau Lĩnh vẫn chưa xin được việc làm. Gánh nặng cơm áo đè lên đôi vai gầy của vợ.

Hai vợ chồng vẫn phải ở trong một ngôi nhà thuê chật chội, bây giờ có thêm một đứa con trai cần được chăm lo. Vợ Lĩnh làm ở cơ quan nhà nước, lương tháng khoảng 1 triệu đồng, từng ấy trang trải cho sinh hoạt của 3 người giữa thị xã Hà Tĩnh, đành phải giật gấu vá vai. 

Lĩnh không thể bình tĩnh được nữa, anh cuống lên, lại vác hồ sơ đi khắp nơi xin việc, chấp nhận cả lên miền núi. Nhưng xem ra tấm bằng cử nhân sử học mà anh có trong tay chưa phải là chìa khóa mở cửa vào tương lai. Thế rồi, được một tay cò dắt mối, Lĩnh “liều” chấp nhận vay 15 triệu đồng để “chạy” vào một cơ quan nhà nước. Ông giám đốc lúc đầu đã nhận lời nhưng sau đó lại từ chối khi biết bố Lĩnh là bạn mình nên không dám “ăn” tiền.

Chẳng thể nào khoanh tay sống nhờ vợ, anh chàng cử nhân sử học lại trở về với nghề buôn trứng, vá xe đạp, đóng gạch... như ngày mới đi bộ đội về. Nhưng một trí thức mà phải đi vá xe, đóng gạch giữa thời buổi này khiến Lĩnh day dứt đến mức khôn nguôi.

Nhiều lúc đang đóng gạch thuê hay lái xe ôm, nước mắt Lĩnh chảy dài trên mặt lúc nào không biết. Thà rằng, đừng học Đại học, cứ như trước đây, Lĩnh làm mọi việc băng băng mà chẳng ngẫm ngợi gì cho mệt.

Trong một nỗ lực nhằm thoát khỏi tình cảnh này, Lĩnh đã vào Vinh xin làm công nhân cho một xí nghiệp in. Trong đơn xin việc anh khai mình “mù chữ”. Lĩnh cười buồn, giải thích: “Tôi nghĩ mù chữ mà làm việc tốt còn được đánh giá cao hơn khi người ta biết mình là cử nhân lịch sử” .

Làm được một thời gian, Lĩnh lại phải khăn gói về quê vì lương quá thấp, 800 nghìn một tháng, còn phải thuê nhà trọ, rồi tiền ăn và tiền đi lại... mang tiếng đi làm mà chẳng mấy khi đưa cho vợ con được đồng nào. Thêm nữa, dù “đội lốt” mù chữ, nhưng anh cũng không thể quen được môi trường làm việc sử dụng nhiều cơ bắp, ít cần đến chất xám. Nhiều lúc, muốn viết một cái gì đó cũng phải đóng kín cửa... viết trộm.

Từ Vinh trở về, Lĩnh rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Mọi cánh cửa dường như đã khép lại đối với anh? Một lần Lĩnh ngồi xem ti vi. Xem xong Lĩnh vội viết bài “Tôi xin được đi tù”, gửi báo Tiền Phong: “Ngày trước tôi quyết tâm thi Đại học để “đổi đời”, có một chỗ đứng trong xã hội nhưng nay tình hình ngược lại hoàn toàn.

Tôi đang phải sống cuộc sống vô cùng bế tắc của một người có tri thức. Bao nhiêu hy vọng của vợ tôi về tôi đều tiêu tan. Từ đó cuộc sống vợ chồng sứt mẻ. Tôi thương vợ và cầu cho tôi đừng bất lực trước cuộc đời. Nay tôi đang rất đủ tỉnh táo để nghĩ ra cách có việc làm là xin được đi tù. Vì tôi xem ti vi thấy những người lầm lỡ trở về thường được chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ công ăn việc làm ổn định, cho vay vốn làm ăn, nâng đỡ những lúc khó khăn.

Chính vì vậy tôi đã nói với vợ rằng: Hãy để cho anh xin được đi tù, sau ra sẽ dễ tìm việc hơn. Mọi người đừng nghĩ tôi bi quan, tiêu cực, không tự vươn lên. Tôi tha thiết muốn ý nguyện của mình được đáp ứng”. “Nếu nguyện vọng của anh không được đáp ứng thì liệu anh có vi phạm pháp luật để được vào tù không?”.

Lĩnh gỡ cặp kính trắng, anh lại cười buồn: “Từ trước đến nay tôi chưa có bất cứ một sai phạm nào để phải xấu hổ với lương tâm. Nhưng tôi sợ tình trạng này kéo dài, mình sẽ không còn lương thiện nữa. Cuộc sống có thể thúc ép tôi nhập vào đội quân cò mồi, môi giới việc làm mà tôi đã từng là nạn nhân chẳng hạn. Sống mà không có việc làm khác gì đi tù, anh nhỉ?”.

Nhưng trong lá thư Lĩnh không chỉ bày tỏ nguyện vọng xin được vào tù mà còn hai nội dung nữa khiến tôi tin anh vẫn đang hoàn toàn tỉnh táo.

Thư viết: “Từ trường hợp của mình, tôi kiến nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo nên quy định lại tuổi thi vào Đại học, để những ai hiếu học ra trường còn có cơ hội xin được việc làm, dù vẫn biết “học không bao giờ muộn”. Nhưng học muộn, ra trường xin việc sẽ vô cùng khó khăn. Qua đây, tôi muốn góp ý với các bạn trẻ, con đường vào Đại học không phải là con đường tiến thân duy nhất. Hãy tự cho mình một đường đi đúng, đừng như tôi dễ bất lực trước cuộc đời”.

Cuối thư, Lê Hồng Lĩnh một lần nữa nhắc lại: “Nếu có cơ quan tuyển dụng nào nhận người lao động ở độ tuổi 38, Tòa soạn biết, mong hãy giúp đỡ tôi. Nếu không hãy tạo điều kiện liên hệ giúp tôi được... đi tù”.

Đọc hết lá thư, tôi bần thần và bất giác nở một nụ cười buồn giống Lĩnh. Chẳng biết giúp Lĩnh như thế nào đây?

Theo Phùng Nguyên
Tiền Phong