1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mối nguy tiềm ẩn trong các điểm trông giữ trẻ gia đình

(Dân trí) - Vụ cháu bé bị cô giáo dán băng keo vào miệng dẫn đến tử vong vừa diễn ra chưa lâu, một vụ bạo hành trẻ mầm non đau lòng khác lại bị phanh phui. Câu hỏi lớn được đặt ra: Có bao nhiêu người chọn nghề trông trẻ vì tình yêu con trẻ?

Chứng kiến những hình ảnh đau lòng được quay tại một điểm trông giữ trẻ tư nhân ở Đồng Nai, các nhà tâm lý học, luật sư và giáo dục đã lên tiếng về những mối nguy hiểm tiềm ẩn đã được báo trước trong các cơ sở trông trẻ kiểu nhóm trẻ gia đình này.

 

Luật sư Trần Nguyên Hạnh, Văn phòng Luật sư Nam Á: Mức án dành cho kẻ hành hạ trẻ em đang quá nhẹ!

 

Hành hạ, ngược đãi trẻ em, nhất là những em ở lứa tuổi nhà trẻ, mầm non là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm vì đây là đối tượng có khả năng tự vệ kém. Nhưng tại sao hành vi này vẫn lăp lại? Theo tôi, luật pháp của ta chưa đủ răn đe và mặc dù đã có luật nhưng chúng ta chưa thi hành nghiêm. Mặt khác, với những hành vi phạm pháp thuộc lĩnh vực giáo dục thì càng phải nghiêm hơn.

 

Ví dụ điều 110 Bộ luật Hình sự về tội hành hạ người khác có quy định người nào đối xử tàn ác với đối tượng là trẻ em lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ từ một năm đến ba năm. Đây là mức án quá nhẹ. Trong khi các vụ hành hạ trẻ em thường lặp đi lặp lại trong một thời gian dài khiến trẻ không những bị ảnh hưởng về thể xác mà tinh thần cũng ảnh hưởng rất nặng, có khi những ám ảnh đó theo các em suốt đời.

 

Khoản 2 của điều 17 Nghị định 114/2006/NĐ-CP đã có quy định phạt tiền từ hai triệu đồng đến năm triệu đồng đối với hành vi đánh đập hoặc bạo lực xâm phạm thân thể trẻ em, làm cho đau đớn về thể xác và tinh thần.

 

Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) Trương Đình Mậu: 50% trẻ em đang học tại các trường mầm non tư thục.

 

Mặc dù nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân nhưng mầm non lại là bậc học không bắt buộc. Theo thống kê, hiện có gần 6 triệu trẻ trong độ tuổi mầm non nhưng mới chỉ có hơn 3 triệu cháu được tới trường. Hơn 50% trong số này học tại các trường mầm non tư thục.

 

Nhu cầu và áp lực xã hội rất lớn trong khi điều kiện hiện không đáp ứng nổi. Tốc độ di dân vào các thành phố lớn đã thực sự gây quá tải từ nhu cầu sinh hoạt đến gửi con. Chính thực tế đó khiến các dịch vụ giữ trẻ tư nhân “phình” ra mà địa phương không kiểm soát được. Người dân cứ mang trẻ đến gửi mà không biết cơ sở đó có đủ điều kiện chăm sóc trẻ hay không.

 

Đối với bậc học mầm non, theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, chỉ cơ sở đáp ứng được yêu cầu chăm sóc và đảm bảo an toàn cho trẻ mới được cấp phép và hoạt động; nơi nào chưa đảm bảo các điều kiện an toàn đề nghị không cấp phép hoặc thu hồi giấy phép. Khi bổ sung đầy đủ yêu cầu đảm bảo an toàn cho trẻ mới cho phép hoạt động tiếp.

 

Vụ phó Vụ Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Nam: Nguy cơ trong các nhóm trẻ gia đình - Địa phương nào cũng có!

 

Sự việc xảy ra vừa rồi khiến chúng ta cần phải xem xét lại vấn đề quản lý tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là đối với những cơ sở ngoài công lập. Điều đáng buồn là đối với cơ sở trông trẻ tư nhân này, mặc dù phòng giáo dục của địa phương đã đi kiểm tra, thấy không đủ điều kiện nên không cho cấp giấy phép, nhưng lại vẫn cho tồn tại.

 

Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có quy định cụ thể nào yêu cầu chủ cơ sở nuôi dạy trẻ phải là người qua đào tạo, được cấp chứng chỉ về đào tạo, trong đó có kiến thức về quyền trẻ em

 

Bởi vậy, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT là phải ban hành các quy chuẩn về đào tạo. Về phía Bộ Lao động Thương binh và xã hội thì chúng tôi cũng sẽ cố gắng đưa ra những chính sách nhằm nâng cao công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em tại các cơ sở nuôi dạy trẻ. Trong đó, chủ cơ sở mở lớp nuôi dạy trẻ phải được trợ giúp về kiến thức phòng chống xâm hại trẻ em, phải qua đào tạo.

 

Cách đây 1-2 năm, tại TPHCM cũng đã xảy ra một số sự việc tương tự tại một số nhóm trẻ gia đình, và thành phố đã bắt những cơ sở này buộc phải đóng cửa vì không đủ điều kiện.

 

Chúng ta cần phải thấy đây là một vấn đề không phải chỉ xảy ra ở một địa phương mà các địa phương khác không có. Bởi vậy, tăng cường kiểm tra giám sát là việc làm cần thiết và phải thực hiện thường xuyên. Xử lý các trường hợp vi phạm là tốt những cũng cần phải chú ý đến tính phòng ngừa.

 

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng: Cần “nhận diện” người giữ trẻ!

 

Có bao nhiêu người đã chọn nghề trông trẻ vì tình yêu con trẻ? Có khi một câu hỏi khá hệ trọng như vậy nhưng chúng ta lại chưa trả lời được.

 

Trẻ thơ khóc vì chúng chưa nói được. Nếu các cô bảo mẫu không hiểu được điều đó thì họ đang thiếu hụt những kiến thức cơ bản nhất để hành nghề. Tuy nhiên, cái thiếu lớn hơn thì vẫn là thiếu tình thương yêu con trẻ. Sự thiếu hụt này sẽ biến nhà trường thành nơi các cháu học sinh chán ghét, ghê sợ nhiều hơn là thích thú. Mà như vậy thì môi trường để giáo dục nhân cách cho con người đã bị ảnh hưởng ngay từ đầu.

 

Chúng ta chỉ đang nói nhiều về giáo đức, nhưng lại chưa có được giải pháp cụ thể để nhận diện ngay từ đầu những người không thích hợp với nghề cần nhất tình yêu thương con trẻ.

 

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt NamNguyễn Ngọc Phú: Các cháu nhỏ có thể tâm thần vì bị đánh đập!

 

Con người vốn có một đời sống tinh thần ổn định. Nhưng nếu có một yếu tố nào đó trong cuộc sống bị xáo trộn, con người sẽ mất thăng bằng và rơi vào trạng thái không kiểm soát nổi, nhất là đối với những đứa trẻ với tâm hồn trắng trong và dễ tổn thương

 

Trên thế giới hiện có khoảng 37% trẻ em bị bệnh tâm thần. Ở Việt Nam, con số này cũng tương tự. Sở dĩ tình trạng bạo lực như vậy một phần do ảnh hưởng của văn hoá bạo lực. Khi các cháu nhỏ bị đánh như vậy, khả năng phát triển trí tuệ của trẻ bị ảnh hưởng, thậm chí các cháu có thể bị tâm thần.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Quốc hội Đào Trọng Thi: Quá lỏng lẻo trong quản lý khu vực giáo dục tư nhân

 

Hiện, một số giáo viên được tuyển vào các cơ sở giáo dục nhưng chưa đạt tiêu chuẩn quy định của Nhà nước. Đặc biệt, ở khu vực tư nhân, việc kiểm soát giáo viên được tuyển có đạt tiêu chuẩn không lại càng lỏng lẻo. Cũng ở các khu vực giáo dục tư nhân, công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý lỏng lẻo hơn so với các trường công lập. Đây là điểm cần phải khẩn trương khắc phục.

 

Việc đánh hoặc đối xử thô bạo với các cháu nhỏ là không thể chấp nhận được trong xã hội hiện nay. Theo tôi, trường hợp cố ý bạo hành như vậy thì đương nhiên phải xử lý theo pháp luật!

 

Nguyễn Thị Bảy, Cán bộ quản lý trường mầm non tư thục Vành Khuyên (Thanh Xuân - Hà Nội): Phụ huynh phải nhìn mặt bảo mẫu trước khi gửi trẻ!

 

Xem xong những hình ảnh ấy, tôi thực sự cảm thấy ghê sợ. Chỉ cần nhìn mặt của người trông trẻ ấy cũng đủ thấy họ không có khả năng dạy dỗ trẻ. Đã làm nghề trông trẻ thì phải yêu thương chúng, nếu không sẽ không làm được nghề này.

 

Các bậc phụ huynh khi gửi con đi học cũng phải lưu ý gửi tại những cơ sở có trường, có lớp đàng hoàng, và người trông phải có trình độ sư phạm. Tại trường tôi, nếu như giáo viên có hành vi cư xử với trẻ không đúng mực hoặc đe doạ các cháu thì sẽ cho nghỉ việc ngay lập tức.

 

Đau xót nhưng không thể quản nổi!

 

Bộ GD-ĐT đã từng có một số công văn với nội dung như nghiêm cấm các cá nhân có những hành vi dọa nạt, quát mắng trẻ, thiếu trách nhiệm trong chăm sóc giáo dục trẻ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc chăm sóc sức khoẻ và đảm bảo an toàn cho trẻ...

 

Trong một công văn mới nhất gửi các Sở GD-ĐT về tình hình giáo dục tại các trường mầm non, Bộ có yêu cầu phải “kịp thời phát hiện, bổ sung các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ. Có kế hoạch kiểm tra, rà soát đối với các cơ sở GDMN tư thục để đảm bảo yêu cầu: Đội ngũ giáo viên và bảo mẫu phải được đào tạo hoặc qua lớp tập huấn có chứng chỉ về GDMN; cơ sở vật chất, các trang thiết bị phải đảm bảo an toàn trong chăm sóc giáo dục trẻ.

 

Những cơ sở đáp ứng được yêu cầu chăm sóc và đảm bảo an toàn cho trẻ mới được cấp phép và hoạt động. Nơi nào chưa đảm bảo các điều kiện an toàn đề nghị không cấp phép hoặc thu hồi giấy phép. Khi bổ sung đầy đủ yêu cầu đảm bảo an toàn cho trẻ mới cho phép hoạt động tiếp”.

Tuy nhiên, các nhóm giữ trẻ gia đình kiểu này rõ ràng đang nằm “ngoài vòng kiểm soát” của ngành giáo dục. Để chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở này, rất cần sự “bắt tay” của nhiều tổ chức xã hội.

 

Mai Minh - Lan Hương

(thực hiện)