1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Mỗi người cần học cách tự bảo vệ khi động đất”

(Dân trí) - “Hệ thống cảnh báo động đất, sóng thần của Việt Nam đã kết nối với quốc tế, nhưng việc cảnh báo trước chính xác động đất xảy ra ở khu vực nào là điều khoa học chưa thể đạt được. Người dân phải học cách tự bảo vệ mình khi có động đất xảy ra”.

Trao đổi với Dân trí sau khi trận động đất mạnh 7 độ richter xảy ra lúc 20h55 ngày 24/3 tại khu vực biên giới Myanmar - Lào - Thái Lan, gây chấn động cấp 5 tại Hà Nội (theo thang MSK-64), TS Lê Huy Minh - Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Giám đốc Trung tâm Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - cho biết, sau khi trận động đất xảy ra, Myanmar còn diễn ra những dư chấn 4-5 độ richter nữa. Tuy nhiên, ở mức như vậy Hà Nội không còn cảm nhận rung chấn như trước đó.

Trước hiện tượng khi Hà Nội xảy ra chấn động, có khu vực cảm nhận rất rõ ràng, có nơi lại hầu như không cảm nhận được, ông Minh lý giải: “Cảm nhận về cơn chấn động của động đất còn phụ thuộc vào sự cộng hưởng nhiều hay ít từ nền đất ở mỗi khu vực. Ở những nơi nền đất ít cộng hưởng rung chấn thì hầu như người dân chỉ thấy choáng nhẹ rất nhanh. Tuy nhiên, với chấn động diễn ra ở Hà Nội tối qua, rất nhiều gia đình sống ở chung cư cao tầng sẽ cảm nhận rõ. Bởi theo nguyên tắc, càng ở tầng cao cảm nhận về sự rung lắc càng rõ ràng hơn”.

“Mỗi người cần học cách tự bảo vệ khi động đất” - 1
Các vùng nguồn động đất gây sóng thần có thể ảnh hưởng tới vùng bờ biển và hải đảo Việt Nam. (Nguồn: TTCBĐ &ST)

Ông Minh cũng cho biết hiện Việt Nam đã có hệ thống ghi và cảnh báo động đất kết nối với thế giới nhưng trên thực tế, việc cảnh báo trước là điều rất khó, không chỉ ở nước ta mà tại những quốc gia có nền khoa học tiến tiến bậc nhất trên thế giới cũng chưa thể thực hiện được. “Cho tới nay, tất cả các trận động đất xảy ra tại các quốc gia đều không được cảnh báo chính xác trước. Hệ thống máy móc của Trung tâm đã được kết nối với thế giới sẽ chuyển thông tin về sau 3-5 phút về độ mạnh, thời gian, khu vực... diễn một trận động đất ở bất cứ nơi đâu. Ngay khi nhận tin, các chuyên gia sẽ tính toán về độ ảnh hưởng đến Việt Nam, nếu thấy độ lớn hơn 3,5 độ richter lập tức sẽ báo cho 3 đơn vị quan trọng nhất là: Uỷ ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia, Ủy ban phòng chống lụt bão và Truyền hình. Điều quan trọng các cơ quan được báo phản ứng nhanh hay chậm khi có biến cố xảy ra” - ông Minh cho biết.

Trước những cảnh báo về nguy cơ động đất mạnh có thể xảy ra tại Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Báo Tin động đất và sóng thần - cho biết: Chính phủ đang nỗ lực đầu tư cho công tác cảnh báo thiên tai, thảm họa. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại mới có 1/3 số trạm của mạng lưới hệ thống đài trạm địa chấn Việt Nam được xây dựng theo dự kiến.

Ông Phương đưa ra lời khuyên, người dân phải học cách tự bảo vệ mình khi có động đất xảy ra. Khi có hiện tượng đất rung, những người ở nhà thấp tầng nên chạy ra ngoài tránh việc nhà cửa (các công trình do con người xây dựng nên) bị đổ.

Tuy nhiên, với hiện thực các khu nhà chung cư, văn phòng đang mọc ở thành phố ngày càng dày đặc thì người dân cũng cần thực hiện biện pháp bảo vệ khả thi hơn là phản xạ hốt hoảng chạy nhào từ tầng cao xuống mặt đất. Bởi trên thực tế, khi thực sự có động đất mạnh xảy ra thì thời gian để người dân chạy từ tầng 10 xuống tầng 1 là quá dài và nguy hiểm, hơn cả phương án trú ẩn tại chỗ.

Tại các nước xảy ra nhiều động đất mạnh như Nhật Bản, Đài Loan, người dân đều được khuyến cáo, khi động đất xảy ra, việc đầu tiên là nên chui xuống gầm bàn (nếu có), dùng hai tay ôm đầu. Ở khu vực không có bàn thì chọn vị trí tương đối chắc chắn, gần nhất trong khu nhà mình ở (tuỳ thuộc vào thiết kế nhà và tuỳ thuộc vào đánh giá của mỗi cá nhân). Ví dụ nơi cửa toa-lét (WC) của các căn hộ thường là những nơi chắc chắn vì có các cột, dầm có khẩu độ ngắn, tính chịu lực cao (không nên đi hẳn vào trong WC).
 

Động đất là sự giải thoát đột ngột một lượng năng lượng lớn, tích tụ trong một thể tích nào đó bên trong trái đất. Nó thường thoát ra tại những vùng đất bị nứt, gãy hoặc có nền địa chất yếu, mỏng. Dư chấn là các động đất xảy ra sau động đất chính, nhằm cân bằng lại trạng thái ứng suất sau khi động đất chính đã xảy ra. Dư chấn thường xảy ra ở lân cận cả về không gian lẫn thời gian với động đất chính.

Thang MSK-64 được áp dụng gồm 12 cấp
 
Cấp 1: Động đất không cảm thấy, chỉ có máy mới ghi nhận được.

Cấp 2: Động đất ít cảm thấy (rất nhẹ). Trong những trường hợp riêng lẻ, chỉ có người nào đang ở trạng thái yên tĩnh mới cảm thấy được.

Cấp 3: Động đất yếu. Ít người nhận biết được động đất. Chấn động y như tạo ra bởi một ôtô vận tải nhẹ chạy qua.

Cấp 4: Động đất nhận thấy rõ. Nhiều người nhận biết động đất, cửa kính có thể kêu lạch cạch.

Cấp 5: Thức tỉnh. Nhiều người ngủ bị tỉnh giấc, đồ vật treo đu đưa.

Cấp 6: Đa số người cảm thấy động đất, nhà cửa bị rung nhẹ, lớp vữa bị rạn.

Cấp 7: Hư hại nhà cửa. Đa số người sợ hãi, nhiều người khó đứng vững, nứt lớp vữa, tường bị rạn nứt.

Cấp 8: Phá hoại nhà cửa; Tường nhà bị nứt lớn, mái hiên và ống khói bị rơi.

Cấp 9: Hư hại hoàn toàn nhà cửa; nền đất có thể bị nứt rộng 10 cm.

Cấp 10: Phá hoại hoàn toàn nhà cửa. Nhiều nhà bị sụp đổ, nền đất có thể bị nứt rộng đến 1 mét.

Cấp 11: Động đất gây thảm họa. Nhà, cầu, đập nước và đường sắt bị hư hại nặng, mặt đất bị biến dạng, vết nứt rộng, sụp đổ lớn ở núi.

Cấp 12: Thay đổi địa hình. Phá huỷ mọi công trình ở trên và dưới mặt đất.

P. Thanh