Mỗi ngày các dòng sông Hà Nội nhận 600.000 m3 nước thải
(Dân trí) - Theo Dữ liệu tổng hợp của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về nước thải của Hà Nội, mỗi ngày các con sông như Tô Lịch, Sét, Lừ, Kim Ngưu, Nhuệ phải nhận tới 600.000 m3 nước thải và trở thành nguồn ô nhiễm lộ thiên nguy hiểm.
Sông Tô Lịch là một dòng sông chảy qua nhiều quận nội thành của Thủ đô Hà Nội. Ngày nay, sự phát triển công nghiệp, đô thị và sự bùng nổ dân số đang làm cho con sông này ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng. Nước thải của gần 7 triệu người dân, các bệnh viện, nhà máy, khu công nghiệp… ở Hà Nội thải ra 5 con sông chính là sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ và Nhuệ.
Theo Dữ liệu tổng hợp của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về nước thải của Hà Nội, mỗi ngày các con sông như Tô Lịch, Sét, Lừ, Kim Ngưu, Nhuệ phải nhận tới 600.000 m3 nước thải và trở thành nguồn ô nhiễm lộ thiên nguy hiểm.
Đặc biệt, mới chỉ có 22% lượng nước thải được xử lý, còn lại vẫn chưa qua xử lý và xả trực tiếp ra các sông, hồ trên địa bàn thành phố. Lượng bùn tích tụ, lắng đọng lâu ngày gây ra mùi hôi thối nồng nặc. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng vứt, xả rác xuống dòng sông gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị, khiến cho tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Ô nhiễm nguồn nước ở sông Tô Lịch ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt của người dân sống ở khu vực dọc 2 bên sông trong nhiều năm qua và tác động xấu tới hệ sinh thái thủy sinh, làm giảm khả năng phục hồi đa dạng sinh học.
Không chỉ có sông Tô Lịch, tại các sông khác của Hà Nội như sông Lừ, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu... tình trạng ô nhiễm cũng đang ở mức báo động. Ở nhiều đoạn, lòng sông chẳng khác gì ao tù, nước đen đặc, nổi váng, bốc mùi xú uế nồng nặc, ruồi nhặng bu kín...
Hàng chục năm qua người dân sinh sống dọc hai bên bờ của những dòng sông trên vẫn tìm cách sống chung với cảnh ô nhiễm.
Bà Nguyễn Thị Hương (ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết: Đoạn sông Tô Lịch chảy qua địa bàn phường Yên Hòa đang ngày một cạn kiệt và cứ sau mỗi trận mưa, trời nắng lên hoặc nổi gió thường xuất hiện hơi độc từ dưới sông bốc lên rất khó chịu.
"Các hộ kinh doanh hàng quán dọc bờ sông luôn bị nhức đầu, hắt hơi, sổ mũi... Không ít gia đình sống tại đây vì không chịu nổi không khí ô nhiễm, đành phải cho thuê lại nhà, chuyển tới nơi khác sinh sống. Có thể thấy ngần ấy năm trôi qua, dòng sông Tô Lịch này vẫn nguyên chỉ là một màu đen kịt, mức độ ô nhiễm ở đây thì đủ loại, đặc biệt phải kể tới mùi hôi thối đặc trưng của nước con sông, mùi xú uế bốc lên từ xác động vật trôi nổi... Nên dù có thể giờ đây dòng sông đen hơn, nặng mùi hơn người dân cũng không còn sức kêu than nữa" - bà Hương chia sẻ.
Sông Tô Lịch ô nhiễm, bốc mùi hôi thối khó chịu.
Cũng giống như bà Hương, bà Vũ Thị Hoàn (ở đường Tam Trinh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sống gần sông Kim Ngưu chia sẻ: “Sông bẩn lắm, ai cũng tiện tay là vứt rác xuống. Khổ nhất là những hôm trời nắng nóng, mùi bốc lên không chịu được. Tôi trước kia hay đi tập thể dục dọc đoạn sông này, nay phải bỏ vì mùi thối cứ xộc vào mũi, gây bệnh tật!”.
Công nhân môi trường nạo vét bùn ở sông Kim Ngưu.
"Khi nào trời mưa là mùi hôi thối bốc lên dữ lắm. Trước đây, sông Lừ mới làm sạch lắm, các cô rửa rau, tắm giặt ở đây mà, còn bây giờ có ai dùng nữa đâu. Các bà ở đây cũng trách nhiệm lắm, nhìn thấy ai vứt rác xuống sông là cũng nhắc, và cũng thường xuyên vệ sinh nhưng mình làm sao mà chủ động được vì không biết rác ở đâu chảy về đây” - Bà Nguyễn Thị Năm (phố Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) nói.
Rác, rong rêu ô nhiễm phủ một lớp dày trên mặt sông Lừ.
Khi trao đổi với phóng viên, những người dân sinh sống tại sông Sét, Nhuệ cũng chia sẻ tương tự các hộ dân sống ở gần các con sông nói trên.
Theo một chuyên gia về lĩnh vực môi trường, sự ô nhiễm của các dòng sông nói trên chính là nơi sản sinh ra các các vi khuẩn có hại như Coliform, E.coli gây bệnh tật cho con người.
Sông Nhuệ nước đen kịt, bốc mùi hôi thối.
Nhiều năm qua, thành phố Hà Nội cũng đã có nhiều cố gắng, quan tâm đến vấn đề xử lý sông Tô Lịch và các sông, hồ bị ô nhiễm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa giải quyết được triệt để vấn đề này. Trong khi đó, người dân, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ hàng ngày sống cạnh các dòng sông chết, bốc mùi ô nhiễm nồng nặc không biết kêu ai.
Chính vì vậy, người dân Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là những hộ dân sinh sống dọc các con sông ô nhiễm nói trên mong muốn chính quyền Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý vấn đề này.
Nguyễn Dương