Mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước
(Dân trí) - Tỉ lệ trẻ em đuối nước mỗi năm giảm 3-5%, tuy nhiên số lượng trẻ em bị đuối nước ở nước ta vẫn còn cao, khoảng 2.000 em/năm.
Ngày 23/7, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) tổ chức tọa đàm trực tuyến hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống đuối nước 25/7 với chủ đề "Ai cũng có nguy cơ bị đuối nước, nhưng hoàn toàn có thể phòng, chống".
Tham dự buổi tọa đàm có bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH); ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục - Đào tạo; TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam; Bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc quốc gia Tổ chức Vận động Chính sách Y tế toàn cầu (GHAI); Nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú - Anh Chánh văn, Báo Hoa học trò.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả và khách mời trao đổi các thông tin nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn nạn đuối nước cũng như các thành tựu và thách thức của hoạt động phòng chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết: "Phòng, chống đuối nước trẻ em luôn là vấn đề quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành đoàn thể nhằm đảm bảo quyền sống còn của trẻ em, thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em, các mục tiêu thuộc Chương trình nghị sự về phát triển bền vững. Mới đây, ngày 19/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu giảm 20% số trẻ tử vong do đuối nước".
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, nhiều giải pháp đang được triển khai để phòng, chống đuối nước trẻ em. Thứ nhất là rà soát các khuôn khổ pháp lý về phòng, chống đuối nước trẻ em. Thứ hai là tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng, chống đuối nước trẻ em cho các cấp, các ngành, cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Thứ ba là chủ động ban hành hướng dẫn và các tiêu chí về Ngôi nhà an toàn, trường học an toàn và cộng đồng an toàn. Thứ tư là nhân rộng mô hình và triển khai dạy bơi an toàn và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em trên toàn quốc. Thứ năm là phối hợp các các bộ, ngành liên quan thực hiện thanh tra, giám sát về nguy cơ dẫn đến đuối nước trẻ em. Thứ sáu là nâng cao năng lực về phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp.
Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết: "Chúng tôi nhận thức rõ giáo dục kiến thức, kỹ năng trong nhà trường đặc biệt là kỹ năng chống đuối nước là hết sức quan trọng. Trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT chủ động phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH để rà soát, ban hành hệ thống chỉ đạo về quy định về phòng chống đuối nước và tiêu chí về trường học an toàn ở cấp phổ thông. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có những hướng dẫn cho các cơ sở đào tạo tại khắp các tỉnh thành trên cả nước để giáo dục cho học sinh những kiến thức về an toàn, phòng chống đuối nước".
Để đánh dấu kỷ niệm Ngày thế giới Phòng, chống đuối nước lần đầu tiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu cùng nhấn mạnh hậu quả nghiêm trọng và sâu sắc của đuối nước đối với gia đình và cộng đồng, từ đó kêu gọi sự phối hợp đa ngành cho các giải pháp cứu sống sinh mạng.
Trong thập kỉ vừa qua, đuối nước cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người trên toàn cầu. Theo ước tính, mỗi năm đã có 236.000 người tử vong do đuối nước và đuối nước là một trong mười nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến14 tuổi. Hơn 90% các tai nạn đuối nước xảy ra tại các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Những con số nghiêm trọng này còn chưa bao gồm số tử vong do thảm họa, thiên tai và tai nạn giao thông đường thủy.
Tại Việt Nam, mặc dù kết quả ban đầu đáng khích lệ với việc giảm trung bình 100 trường hợp trẻ em đuối nước mỗi năm nhưng đuối nước vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.
Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về phòng, chống đuối nước không chỉ nhấn mạnh ảnh hưởng to lớn của đuối nước đến sự an toàn và sinh mạng của người dân mà còn tác động lớn đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
"Mất một đứa trẻ do đuối nước là một bi kịch mà gia đình phải gánh chịu, và không cha mẹ nào nên trải qua nỗi đau đó, không ai phải trải qua cả. Chính phủ và các đối tác đã có những giải pháp giảm tử vong do đuối nước, tuy nhiên ở cấp độ cộng đồng, chúng ta cũng cần nâng cao nhận thức của mỗi gia đình để bảo vệ con em mình khỏi đuối nước", Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết.
Bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, Hoa Kỳ, cho biết: "Chúng tôi tự hào đồng hành triển khai một chương trình vô cùng ý nghĩa để góp phần đảm bảo sự sống còn của trẻ em khỏi tai nạn đuối nước. Chúng tôi mong muốn sẽ chuyển giao những kinh nghiệm của chương trình để áp dụng trên toàn quốc. Điều này rất cần sự đầu tư của chính quyền địa phương và chung tay của mỗi gia đình, cộng đồng".
Mỗi gia đình tại Việt Nam đều có thể góp phần thiết thực để phòng, chống đuối nước bằng cách giám sát trẻ an toàn, dạy trẻ biết bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước, tạo môi trường an toàn cho trẻ em tránh xa nguồn nước.
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị đuối nước, nhưng hoàn toàn có thể phòng, chống và mọi người đều có vai trò trách nhiệm trong việc phòng, chống đuối nước.