“Mổ xẻ” chuyện hồ thủy điện gây lũ
(Dân trí) - Sau những cơn lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung, dư luận cho rằng, việc hồ thủy điện xả lũ góp phần gây nên những trận lũ lịch sử. Vấn đề này được “mổ xẻ” tại hội thảo công tác vận hành các hồ chứa thủy điện ngày 13/11.
Ông Mai Văn Biểu, đại diện nhà máy thủy điện Hòa Bình cho rằng, hồ thủy điện Hòa bình lớn nhất VN, sau 22 năm, mục tiêu điều tiết lũ được thực hiện rất tốt, ông Biểu chia sẻ với các đồng nghiệp miền Trung: “Nếu lưu lượng xả về hạ lưu không lớn hơn lượng nước lũ tự nhiên đổ về hồ thì không thể nói hồ thủy điện gây ra lũ. Nếu lưu lượng lũ đổ về hồ lớn, vượt quá mức chịu đựng thì việc xả lũ là không thể tránh khỏi”, ông Biểu nói.
Ông Nguyễn Trâm, đại diện thủy điện A Vương, nhà máy từng bị “điểm mặt” góp phần gây nên lũ nặng năm 2009 cũng khẳng định, hồ thủy điện không gây ra lũ mà chính thời tiết thất thường, rừng bị phá mới là nguyên nhân chính. “Lượng nước xả bao giờ cũng chỉ bằng hoặc nhỏ hơn lượng lũ tự nhiên đổ về hồ, vì thế chúng tôi không gây ra lũ”, ông Trâm trần tình.
Theo ông Trâm, hiện nhà máy đã thành lập Ban giám sát việc xả lũ, mời đại diện dân tham gia ban để đảm bảo sự đồng thuận từ phía địa phương.
Đại diện cho tiếng nói ở địa phương, ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Phú Yên hài hước cho biết, “không có cổ phần trong bất cứ nhà máy thủy điện nào, nên tôi nói hết sức khách quan”.
Theo ông Can, khi chưa có thủy điện, nhiều địa phương trong tỉnh vẫn bị lụt thường xuyên. Trên địa bàn tỉnh, có 3 hồ thủy điện nhưng dung tích chứa nước chống lũ chỉ khoảng 300 triệu m3, trong khi lượng nước lũ đổ về lên đến cả tỉ m3, vì thế, hồ thủy điện rất khó cắt lũ.
“Tôi mong muốn có sự tìm hiểu, giải thích minh bạch, rõ ràng về vai trò phòng lũ của thủy điện ở Phú Yên nói riêng và miền Trung nói chung”, ông Can đề nghị.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn TƯ cũng cho rằng, một số hồ thủy điện mới vận hành vài năm nay nhưng lũ nhiều năm trước đã rất lớn, ngập lụt khắp nơi, như năm 1999 hoặc 2003. “Tôi không bào chữa cho các hồ nhưng khi chưa có thẩm tra, tính toán một cách cụ thể mà cứ đổ lỗi lũ lớn do hồ thủy điện thì không thuyết phục”, ông Tăng nói.
“Điểm mặt” phá rừng và giao thông
Ông Võ Văn Trí, thủy điện Ba Hạ cũng nêu một lý do nữa dẫn đến việc khó tận dụng tối đa khả năng điều tiết lũ của các hồ thủy điện, đó là công tác dự báo yếu. “Chúng tôi rất khó đưa hồ về mực nước chống lũ vì rất khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin. Để giảm lũ cho hạ du hiệu quả, cần nhất vẫn là bản tin dự báo lũ. Thường bản tin dự báo lũ không cho mô hình lũ, đỉnh cao bao nhiêu, xuất hiện thời gian nào, mà chỉ chung chung nên rất khó cho các chủ hồ lập kế hoạch điều tiết hiệu quả”, ông Trí nói.
Phản bác lại, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn TƯ cho rằng, hồ chứa ở miền trung lưu vực hồ chứa chỉ vài trăm km2, dung tích chứa nhỏ, thời gian truyền lũ chỉ vài ba tiếng. Ngoài ra, ở miền Trung, Tây Nguyên trên thượng nguồn rất ít trạm quan trắc, không đủ nắm bắt thông tin mưa và tình hình các con suối nên rất khó có thông tin giúp các hồ thủy điện chủ động. Theo ông Tăng, cần có quan trắc tự động, cập nhật thông tin theo phút, chứ không thể dài đến 2-3h, thậm chí đến 6h/lần như hiện nay.
Ông Đỗ Đức Quân, vụ phó vụ năng lượng, Bộ Công thương chỉ ra một nguyên nhân nữa liên quan đến lũ, đó là giao thông. Các con đường mới được xây dựng, nền cao dẫn đến khó thoát lũ, hạ du ngập sâu hơn, lâu hơn. Vì thế, cần có việc quản lý tổng thể, có nhìn khách quan để tìm ra hướng giải quyết triệt để và hiệu quả
Thứ trưởng Bộ công thương Hoàng Quốc Vượng đề nghị, có thể các hồ không hoàn toàn cắt được lũ nhưng rõ ràng nếu tận dụng triệt để khả năng của các hồ, qui trình vận hành liên hồ khoa học và thực hiện nghiêm thì việc hỗ trợ giảm lũ sẽ hiệu quả hơn.
“Quan trọng là nhìn nhận đúng nguyên nhân dẫn đến lũ lụt, nếu không chúng ta sẽ không thể có phương án giải quyết triệt để, không trúng vấn đề”, thứ trưởng nhận định. Ông cũng cho rằng, một số nhà máy thủy điện nhỏ, hiệu quả thấp thì cần rà soát, qui hoạch lại. Những dự án nào không khả thi cũng cần phải loại bỏ.
Thứ trưởng Bộ công thương Hoàng Quốc Vượng:Các hồ thủy điện thực hiện nghiêm qui trình vận hành Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện qui trình vận hành các hồ thủy điện hiện nay? Các nhà máy thủy điện thực hiện khá nghiêm qui trình vận hành hồ chứa, Vừa qua thủy điện sông Ba Hạ có sai sót là không thông báo cho địa phương biết khi xả lũ. Việc xả hay không xả hoàn toàn độc lập, chỉ tuân thủ qui định vận hành hồ chứa, lỗi của họ là không thông báo cho địa phương chứ họ vẫn vận hành đúng qui trình. Nhưng có ý kiến cho rằng, các hồ chứa do tích nước để phát điện nên trước khi lũ về không chịu xả nước dẫn đến dung tích hồ để cắt lũ không đảm bảo, ảnh hưởng đến việc hỗ trợ cắt lũ? Cái này được qui định rất rõ trong qui trình vận hành hồ chứa, trong mùa lũ thì phải duy trì mực nước bao nhiêu để cắt lũ. Đơn vị nào không tuân thủ, bị phát hiện đều bị xử lý nghiêm. Qui trình này có chuẩn không thưa ông? Qui trình xả lũ rất chuẩn, xây dựng từ hàng chục năm nay rồi, được phê duyệt, thẩm định rất chặt chẽ. Mỗi hồ phải đảm bảo 3 mục tiêu: an toàn của đập; cắt, chống lũ và phát điện. Xin cảm ơn ông. |