Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID

Hoài Thu

(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu triển khai mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc, góp phần xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số.

Chiều 2/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc.

Hội nghị đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, triển khai các dịch vụ thiết yếu cho người dân, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Ông nhấn mạnh mục đích cuối cùng trong xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phát triển kinh tế số là phục vụ nhân dân.

Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Đoàn Bắc).

Cho biết Chính phủ chỉ đạo triển khai Đề án 06 và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, triển khai tích cực, mang lại hiệu quả cho người dân, Thủ tướng dẫn chứng 2 địa phương là Hà Nội và Thừa Thiên Huế đã thực hiện thí điểm 2 tiện ích về sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua Đây là 2 dịch vụ liên quan nhiều, liên quan trực tiếp tới người dân.

Với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi, vướng mắc phải tháo gỡ, thách thức phải vượt qua, Thủ tướng yêu cầu triển khai mở rộng thí điểm 2 tiện ích nói trên trên phạm vi toàn quốc, góp phần xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những mục tiêu được Thủ tướng đề cập là tới năm 2030, kinh tế số đóng góp 30% cho nền kinh tế.

Báo cáo về kết quả triển khai sổ sức khỏe điện tử cho thấy đến nay đã có hơn 32 triệu dữ liệu sổ sức khỏe điện tử cho người dân được tạo lập, trong đó có hơn 14,6 triệu công dân đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.

Hơn 911.000 giấy chuyển tuyến, hẹn tái khám cũng đã được tạo lập. Bộ Công an phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế tích hợp trên VNeID, sẵn sàng công bố trên toàn quốc để người dân sử dụng.

Những cải cách này, theo tính toán, giúp tiết kiệm khoảng 1.150 tỷ đồng/năm tiền mua sổ y bạ cho 230 triệu lượt người khám bệnh; tạo thuận lợi cho người dân trong việc chủ động theo dõi hồ sơ sức khỏe của bản thân và có thể cung cấp hồ sơ bệnh án của bản thân cho đội ngũ y bác sĩ ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào.

Ngoài ra, khi dữ liệu được liên thông giữa các bệnh viện (dữ liệu xét nghiệm, chuẩn đoán...) sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí (giảm thiểu thời gian tiếp đón bệnh nhân, không phải nhập lại các dữ liệu thông tin đã có sẵn trên hệ thống) cũng như giúp phục vụ chuẩn đoán chính xác và hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh, tránh lãng phí.

Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID - 2

Các đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: Đoàn Bắc).

Về triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp, sau hơn 4 tháng triển khai thí điểm tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, Hà Nội tiếp nhận hơn 45.000, Thừa Thiên Huế tiếp nhận hơn 5.000 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của 2 tỉnh.

Ước tính mỗi hồ sơ tiết kiệm khoảng 10.000 đồng tiền xăng xe, đi lại và công sức chờ đợi; 150.000 đồng tiền công trung bình nửa ngày công của người dân, với nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp ở Hà Nội.

Với nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp hàng năm khoảng 2,6 triệu yêu cầu cả nước, khi người dân thực hiện đăng ký giúp tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm cho người dân và xã hội.