1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Mở rộng Hà Nội để bảo tồn"

(Dân trí) - "Để mở rộng được phải có cơ chế quản lý vùng. Đừng lo Hà Nội đang yếu, phải đặt nó trong cơ chế quản lý của vùng và cơ chế nhà nước cho phép", ông Đào Ngọc Nghiêm - Chủ tịch hội Quy hoạch và kiến trúc Hà Nội cho biết.

Trao đổi với báo giới, ông Nghiêm khẳng định:

Nhiều người bảo bây giờ mới làm quy hoạch mở rộng Hà Nội là không phải. Vì sau quy hoạch năm 1998, tôi đã có 7 lần xin thủ tướng điều chỉnh Hà Nội trong đó có quy hoạch khu vực Sóc Sơn, phố Cổ, mở rộng huyện Đông Anh...

Rõ ràng là sau một giai đoạn phát triển, Hà Nội đã bước sang mô hình mới, xuất hiện nhiều nhân tố mới, đặc biệt lúc này đã xuất hiện khái niệm phát triển vùng đô thị (trước kia là chiến lược phát triển đô thị, chưa đặt vấn đề vùng).

Phía Bắc có vùng thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm lấy Hà Nội làm trung tâm. Xem xét yếu tố phát triển vùng thì thấy rằng, Hà Nội phát triển ngày càng cao nhưng quy mô hành chính, ranh giới không phù hợp.

Từ năm 1954 tới nay, Hà Nội ít nhất có ba lần mở rộng Hà Nội và rất nhiều lần nhỏ khác.

 

Năm 1954, Hà Nội có 152 km2, tổng cộng 54 vạn dân.

 

Năm 1961, lần đầu tiên Hà Nội được mở rộng lên 864 km2 với gần 1 triệu dân.

 

Năm 1968, Hà Nội lại được thu hẹp chỉ với 586km2 và giảm dân số.

 

Năm 1975 thống nhất đất nước. Năm 1976, Quốc hội họp và khẳng định Hà Nội là thủ đô của Việt Nam. Và với diện tích trên thì không xứng tầm với đất nước có hơn 300.000 km2.

 

Do vậy, đến năm 1978, Hà Nội quyết định mở rộng ra là 2.156 km2, bao gồm Hà Nội cũ và 7 huyện thị của Hà Tây và cả Hà Đông, nhưng Hà Đông nhập chậm nên không nhập vào Hà Nội.

 

Từ đó chúng ta có quy hoạch phát triển thủ đô với quy mô dân số là 1,5-1,8 triệu dân và dự phòng lên tới 2 triệu dân.

 

Nhưng với cách điều hành lúc bấy giờ, trong thời kỳ bao cấp đô thị do nhà nước quản lý với tầm nhìn của thời bao cấp, như vậy thì không thể quản về nông nghiệp, sinh thái, công nghiệp, nông dân...

 

Năm 1979, sau khi chiến tranh biên giới nổ ra, vấn đề an ninh quốc phòng và phòng tuyến bảo vệ đã được đặt ra. Hà Nội phải đảm đương nhiều nhiệm vụ, và đến năm 1991 trả lại 7 huyện xã của Hà Tây và co lại như hiện nay 921km2.

 

Ông Nguyễn Sỹ Nghiêm

Cho nên vấn đề lần này đặt ra mở rộng Hà Nội không phải là cái gì đột biến mà là kết quả của cả một quá trình. Năm 2000-2001, chính phủ đã đặt ra vấn đề phải mở rộng Hà Nội ra ít nhất là 2000km2. Và để có được tờ trình của bộ Xây dựng ngày hôm qua là đã có sự chuẩn bị từ năm 2004.

Theo ông, Hà Nội có thực sự cần mở rộng không khi còn nhiều vùng của Hà Nội chưa phát triển được?

Cần khẳng định một hiện nay chúng ta đang ở thời điểm phát triển kinh tế, đang có thời cơ để phát triển. Và nếu chúng ta không làm sau này, khi nhiều vấn đề tồn tại, bất cập phát sinh thì chúng ta cũng khó lòng làm được. Vì nếu mình phát triển được thì mới bảo tồn được di sản.

Chúng ta phải xác định Hà Nội có chức năng gì. Chẳng có thủ đô nào có 4 chức năng như Hà Nội, vừa là trung tâm chính trị quốc gia, trái tim của cả nước, vừa là trung tâm văn hoá-giáo dục-khoa học kỹ thuật, lại vừa là trung tâm kinh tế lớn và là trung tâm giao lưu quốc tế. Và với một không gian Hà Nội như hiện nay thì không thể thực hiện được cả 4 chức năng trên.

Bởi vậy, để làm được vai trò của thủ đô thì việc mở rộng Hà Nội là cần thiết, là tất yếu. Nhưng lưu ý thời điểm này cần phải có lộ trình thích hợp.

Theo ông, lý do vì sao Bộ Xây dựng lựa chọn phương án mở rộng lấy cả Hà Tây, một phần Hoà Bình và Vĩnh phúc?

Hà Nội phải là động lực để cho phát triển cả vùng. Hà Nội cũng phải tạo điều kiện để các tỉnh xung quanh khai thác lợi thế của Hà Nội để phát triển. Nếu phát triển về hướng Bắc có Sóc Sơn; hướng Đông có Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, xa nữa có Hưng Yên, Phố Nối. Nếu ta "ôm" lấy họ thì họ phát triển thế nào.

Đối với khu vực phía Nam hướng Hà Tây - Vạn Phúc; Tây Nam là Hà Đông, phía Tây nữa là Hoà Bình, Tây Bắc hướng lên Mê Linh... những nơi đó hướng đất còn rộng rãi để chúng ta phát triển và tạo điều kiện cho các tỉnh phát triển chính là hướng Tây.

Những hướng này có hạ tầng kỹ thuật, có đường Láng hoà Lạc, có vùng sinh thái, có hệ thống nước, có đất đai dự trữ rộng rãi, có hệ thống các di tích (Đường Lâm), phố Sơn Tây, Đại Lải...

Nếu tiếp cận Hà Tây thì Hà Nội sẽ gắn với đường Hồ Chí Minh, gắn với hành lang kinh tế phía Bắc, có đường hướng ra biển. Một đô thị phát triển rất cần những yếu tố này.

Hiện nay diện tích Hà Nội là 920 km2. Nếu chúng ta mở rộng ra hơn 2.000 km2 thì rõ ràng tự nhiên mật độ dân sẽ giãn ra. Xét cả về văn hoá, dân cư thì hướng mở rộng như thế là hợp lý.

Cũng có nhiều người nói tại sao không phát triển vùng ven sông Hồng nhưng phải nhìn thực tế. Sông hồng dài hơn 1.500 km, qua Hà Nội chỉ có 40 km, cả Việt Nam là 500 km. Thượng nguồn không biết thì không thể làm liều được.

Như ông nói, mở rộng để bảo tồn. Vậy với việc mở rộng lần này, liệu Hà Nội có thực hiện được điều đó?

Với vị trí chúng ta đang có, nếu có một cơ chế thì chúng ta có thể phát triển Hà Nội với quy mô lớn được. Chúng ta sẽ có các khu phố cổ, khu hoàng thành với 100km2. Để bảo tồn được, Hà Nội phải mở rộng. Có mở rộng mới quản lý và bảo tồn di tích. Mở rộng để bảo tồn là xu thế của thế giới.

Hiện nay chúng ta hoàn toàn chưa bàn đến mối quan hệ giữa quản lý của một đô thị với quản lý của vùng. Nhưng để mở rộng được phải có cơ chế quản lý vùng. Đừng lo Hà Nội đang yếu phải đặt nó trong cơ chế quản lý của vùng và cơ chế nhà nước cho phép.

Trước đây mở rộng Hà Nội chỉ giao cho Hà Nội tự làm thôi, các tỉnh không làm. Bây giờ, giao cho Hà Nội mở rộng để quản thì phải giao cho Hà Nội cả cơ chế.

Xin cảm ơn ông!

Lan Hương