Mở lại dịch vụ không thiết yếu, máy bay, tàu xe hoạt động bình thường?
(Dân trí) - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đề xuất, các dịch vụ không thiết yếu được mở lại; bỏ giới hạn về số chỗ trên máy bay, tàu xe; tổ chức lại hoạt động thể thao, sự kiện đông người…
Sáng 6/5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo.
Báo cáo về tình hình dịch bệnh trong nước, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, qua theo dõi trong cộng đồng và xét nghiệm cho thấy kết quả khả quan (không thấy nổi lên các ca bệnh mới). Nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng rất thấp. Cả nước có thể nới lỏng một số biện pháp can thiệp, hạ từ mức bắt buộc sang khuyến cáo.
Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định, đến thời điểm này, Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, phải quay lại cuộc sống, sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt trong một trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên diễn biến dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, căng thẳng, mỗi ngày xuất hiện hàng chục nghìn ca nhiễm mới, hàng nghìn người chết. Vì vậy, có thể ví von, Việt Nam như ở trong “cánh đồng trũng, ở bên ngoài nước thì nước cao, sóng lớn”.
Do đó, Ban chỉ đạo cho rằng, trước tiên cần phải “bao đê cho chặt”, giữ đê cho chắc, nghĩa là phải tiếp tục chính sách quản lý chặt chẽ người nhập cảnh để bảo đảm an toàn, mới có thể nới lỏng được ở bên trong để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội.
Ban Chỉ đạo cho rằng, cần tiếp tục thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh vào Việt Nam qua các cửa khẩu, cách ly bắt buộc 14 ngày với các hình thức phù hợp đối với người nhập cảnh mang hộ chiếu ngoại giao, chuyên gia, thương gia, gắn với trách nhiệm cụ thể của địa phương… Chưa cho nhập cảnh khách du lịch quốc tế. Quản lý chặt chẽ hoạt động đón người Việt Nam từ nước ngoài về.
Ở trong nước, Ban Chỉ đạo yêu cầu toàn bộ cơ chế liên ngành (quân đội, công an, y tế) tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, không được nơi lỏng. Tiếp tục củng cố tất cả các cơ chế, các công cụ, nhất là các công cụ công nghệ thông tin, để luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng nếu có một ca nhiễm nào đó trong cộng đồng thì lập tức phát hiện được ngay, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.
Thực hiện chặt chẽ 2 điều kiện trên, Việt Nam có thể nới lỏng hơn nữa các biện pháp đã giới hạn từ trước đến nay một cách có khoa học. Nghĩa là, việc nới lỏng phải dựa trên cơ chế lây lan của virus và dựa trên các tính toán về xác suất là mầm bệnh hiện nay trong cộng đồng. Theo tính toán của các chuyên gia, đến lúc này, vẫn chưa thể nói tuyệt đối trong cộng đồng không còn mầm bệnh nhưng xác suất còn mầm bệnh là rất thấp.
Nhấn mạnh tinh thần, phải học tập, sản xuất, sinh hoạt an toàn, Ban Chỉ đạo khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện biện pháp đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, nơi công cộng, bên ngoài các trường học, các trụ sở, công sở. Tại địa điểm công cộng, người dân tránh tiếp xúc trực tiếp vào cơ thể người khác, tránh tiếp xúc vào những bề mặt không chắc chắn là không có mầm bệnh và nếu có tiếp xúc thì phải rửa tay ngay.
Các cơ quan, công sở, nhà máy, siêu thị, bệnh viện, chợ dân sinh, phương tiện giao thông công cộng, hàng quán,… tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm các điều kiện vệ sinh dịch tễ, phòng, chống dịch bệnh.
Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, Ban Chỉ đạo thống nhất đề xuất, đến thời điểm này có thể cho phép các dịch vụ không thiết yếu được mở cửa trở lại bình thường (trừ vũ trường, quán karaoke) với điều kiện phải giữ khoảng cách tối thiểu 1 m; bỏ giới hạn về số chỗ trên các phương tiện giao thông công cộng (máy bay, xe buýt, xe lửa…) nhưng hành khách bắt buộc phải đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.
Một số hoạt động thể thao, sự kiện tập trung đông người… được tổ chức nhưng phải bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch bệnh.
Thông tin về các ca tái dương tính, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sau khi nuôi cấy, theo dõi, tất cả các ca tái dương tính tại Việt Nam đều chưa thấy dấu hiệu lây cho người khác, không gây nguy hiểm cho cộng đồng, tuy nhiên, Bộ Y tế theo dõi chặt chẽ các trường hợp này.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, đây không phải là tình trạng riêng của Việt Nam nhưng hiện trên thế giới cũng chưa ghi nhận các trường hợp lây nhiễm Covid-19 từ những người dương tính lại.
Thái Anh