Đồng Nai:
Mỏ đá bỏ hoang trở thành bãi rác thải nguy hại giữa lòng thành phố
(Dân trí) - Khu hầm mỏ rộng hàng chục hecta, sâu hàng chục mét đã ngưng khai thác đá ở xã Hóa An, TP Biên Hòa (Đồng Nai) đang trở thành nơi đổ trộm rác thải nguy hại. Hàng trăm tấn rác thải công nghiệp bị đổ trộm xuống đây khiến cho khu mỏ đá này ô nhiễm nghiêm trọng.
Sau khai thác, mỏ đá Hóa An rộng hàng chục hecta và sâu hàng chục mét bị bỏ hoang. Chính vì vậy, nơi đây trở thành “địa chỉ hấp dẫn” đối với các đối tượng đổ trộm rác thải.
Ông Trần Văn T. - một người dân sống gần khu mỏ đá Hóa An, cho hay: “Tình trạng đổ trộm rác thải xuất hiện khoảng 5 năm trở lại đây. Khi đơn vị khai thác đá dừng khai thác thì khu vực này rất ít người qua lại. Do đó, các đối tượng đổ trộm rác thải cũng hoạt động rầm rộ. Rác chủ yếu được chở bằng xe tải và đổ vào khu hầm đá vào ban đêm”.
Nguy hiểm hơn, để phi tang và lấy mặt bằng để tiếp tục đổ trộm, rác thải công nghiệp đổ ở đây thường xuyên bị các đối tượng đổ trộm đốt. Các loại rác thải nguy hại như: thùng, chai lọ chứa hóa chất, vải lau các dầu nhớt của các công ty, đế cao su, da giày có lẫn hóa chất… bị đốt cháy, bốc khói khét lẹt ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sức khỏe của người dân sống xung quanh khu vực này.
Bà Nguyễn Thị Ng. (ngụ ấp Bình Hóa, xã Hóa An) cho biết nhà bà cách xa khu đổ rác hơn 1km nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi mùi rác cháy có lẫn hóa chất bốc lên nồng nặc.
“Mỗi lần họ đốt rác là khu mỏ đá như ngọn núi lửa, khói bụi mù mịt. Mùi hôi từ rác đốt bay lên, ngửi thấy là xay xẩm cả mặt mày”, bà Ng. cho hay.
Được biết, khu vực mỏ đá Hóa An sau khi đóng cửa khai thác được UBND tỉnh Đồng Nai bàn giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất Đồng Nai quản lý.
Ông Nguyễn An Minh, Trưởng Phòng Quản lý và sử dụng đất, Trung tâm phát triển quỹ đất Đồng Nai cho hay, sau khi tiếp nhận đơn vị cũng đã triển khai nhiều biện pháp để quản lý như xây dựng hàng rào, thuê bảo vệ chuyên nghiệp tuần tra xung quanh khu vực mỏ để ngăn chặn tình trạng đổ trộm rác. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng đổ trộm rác thải vẫn diễn ra rất phức tạp.
“Trước đây, chúng tôi cũng đã cho đổ đá phong hóa loại lớn xung quanh mỏ đá nhằm ngăn chặn xe tải chở rác vào đổ trộm. Thế nhưng sau đó, các đối tượng này lại sử dụng xe ủi, ủi đá đi để tiếp tục đổ rác trộm”, ông Minh cho hay.
Theo ông Minh, khu vực mỏ đá Hóa An nằm ráp gianh với tỉnh Bình Dương, trong khu vực này vừa có cả phần đất do Trung tâm quản lý, vừa có đất do xã Hóa An quản lý lại có cả khu vực đất của người dân nên việc chống đổ trộm rác gặp rất nhiều khó khăn.
“Rác chủ yếu được vận chuyển từ Bình Dương qua đổ trộm. Các đối tượng thường đổ ở khu vực đất của dân hay đất do xã quản lý. Sau đó, lựa thời cơ sẽ dùng xe ủi, ủi xuống khu vực mỏ đá. Trong khi đó, việc tuần tra, mật phục để bắt quả tang cũng rất khó do mỗi khi cơ quan chức năng đi tuần các đối tượng đều biết và nghỉ làm. Sau khi cơ quan chức năng rút về thì lại tiếp tục đổ trộm”, ông Minh cho biết.
Trước mắt, theo ông Minh, để đối phó với tình trạng đổ trộm rác thải, Trung tâm phát triển quỹ đất cũng đã kiến nghị lên UBND tỉnh cho xây dựng khoảng 200m tường rào bê tông kiên cố tại khu vực mỏ giáp với đường giao thông.
Vĩnh Thủy