Minh bạch tối đa để chống tham nhũng
(Dân trí) - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào cho biết, nhiều quy định mới trong Luật Phòng chống tham nhũng sẽ buộc công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị; minh bạch trong quản lý DNNN; minh bạch tài sản thu nhập của cán bộ…
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống tham nhũng được thực hiện theo hướng củng cố, nâng cao hiệu quả các quy định về phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng. Luật mới đã bỏ quy định Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng thuộc cơ quan hành pháp (điều 73). Tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo TƯ sẽ quy định trong văn kiện của Đảng.
Về vấn đề công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, Luật quy định, người đứng đầu phải lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai bắt buộc như niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh nội dung công khai, minh bạch trong quản lý DNNN. Theo đó, các DNNN có trách nhiệm công khai vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, vốn và tài sản của DN đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, ngoài ngành nghề kinh doanh, vốn vay ưu đãi, báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán, việc lập và sử dụng quỹ, việc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý nhiệm vụ, lương và các khoản thu nhập khác của lãnh đạo DN… Định kỳ hàng năm, DNNN có trách nhiệm báo cáo về nội dung công khai với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập, luật quy định việc kê khai tài sản phải được công khai tại nơi thường xuyên làm việc của người có nghĩa vụ kê khai. Trong bản kê khai phải giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm bên cạnh làm rõ mọi biến động về tài sản của mình có trong thời kỳ kê khai.
Ông Hào chỉ rõ, luật không quy định cụ thể về mức giá trị tài sản tăng thêm phải kê khai mà giao Chính phủ hướng dẫn. Việc xác định giá trị tài sản tăng thêm, thẩm quyền yêu cầu giải trình, trách nhiệm của người giải trình và trình tự, thủ tục giải trình Thanh tra Chính phủ sẽ sớm hoàn thành Nghị định hướng dẫn thực hiện.
Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, luật bổ sung thêm quy định về trách nhiệm người có thẩm quyền quản lý cán bộ trong việc tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với những cán bộ mà có căn cứ cho rằng những người đó có hành vi vi phạm liên quan đến tham nhũng nếu xét thấy người đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/2/2013.
Lấy phiếu tín nhiệm lần đầu lãnh đạo cấp cao
Đại diện Văn phòng Quốc hội tham gia buổi họp báo công bố luật trình bày, Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn quy định đối tượng lấy phiếu tín nhiệm gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa an nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.
Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ hàng năm. Nhưng để đảm bảo thời gian cần thiết cho việc thể hiện năng lực lãnh đạo, quản lý của người giữ chức vụ, đánh giá một cách toàn diện kết quả công tác, trong mỗi nhiệm kỳ, việc lấy phiếu được tiến hành từ năm thứ 2. Riêng nhiệm kỳ 2011- 2016, việc lấy phiếu lần đầu tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013 (tháng 5 tới).
Nghị quyết cũng quy định về mức độ tín nhiệm là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm là kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ.
Việc ban hành Nghị quyết được đánh giá là sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hieuejq ủa hoạt động giám sát của QH, HĐND; giúp người được lấy phiếu, bỏ phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ; cụ thể hóa quy trình bỏ phiếu đã được Hiến pháp quy định.
Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định rõ, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải tổ chức thảo luận với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia sửa đổi hiến pháp năm 1992. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bắt đầu từ ngày 2/1/2013 và kết thúc ngày 31/3/2013
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực quy định ưu tiên phát triển điện lực phục vụ nông thôn, miền núi, biên giới hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Luật cũng quy định giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực; Nhà nước hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế xã hội từng thời kỳ. Về giá bán lẻ điện thì đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với các cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
P.Thảo