1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Miền Trung sau cơn bão dữ

(Dân trí) - Sau nhiều giờ đồng hồ càn quấy ở Đà Nẵng, Quảng Nam, trận “cuồng phong” Xangsane dịu đi trong nỗi lo nghẹt thở của người dân miền Trung. Gió giật trên cấp 12 cộng với mưa lớn khiến sức tàn phá của bão thật khủng khiếp: Hàng chục nghìn ngôi nhà bị giật đổ, hàng trăm người bị thương và ít nhất đã có 4 người chết…

* Bão Xangsane suy yếu và đổ sang Lào.

 

Lúc 18 giờ chiều 1/10, Quảng Nam xác định thêm 94 người bị thương và 1 người bị chết do bị nhà sập là chị Đỗ Thị Tú, 40 tuổi, ở xã Điện Minh, huyện Điện Bàn.

 

Theo báo cáo sơ bộ từ các huyện thị của tỉnh Quảng Nam, bão số 6 đã khiến hàng chục ngàn ngôi nhà bị sập hoặc tốc mái, hàng chục ngàn m3 đất đá của đê điều, đường sá, ao hồ nuôi tôm bị lút sụt, sạt lỡ nghiêm trọng, hàng trăm ha nuôi tôm của tỉnh Quảng Nam bị thiệt hại nặng nề. Ước tính thiệt hại do bão số 6 gây ra cho tỉnh Quảng Nam có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.

 

Theo báo cáo sơ bộ của BCH PCLB tỉnh Quảng Nam, thị  xã Hội An có hơn 10.000 ngôi nhà bị sụp hoặc tốc mái, thiệt hại 110 ha nuôi tôm khoảng 6 tỷ đồng, hoa cây cảnh rau màu 12 tỷ đồng, 1 người bị thường nặng. Thiệt hại về cơ sở vật chất chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế du lịch của Hội An.

 

Tại huyện Duy Xuyên, chỉ tính riêng hai xã ven biển Duy Hải và Duy Nghĩa đã có hơn 1.100 nhà bị sập, 24 phòng học, 2 phòng y tế, sụp đổ 80 nhà dân. Báo cáo sơ bộ cho thấy, huyện Duy Xuyên có tới hơn 50% số nhà lợp bằng tôn bị tốc mái.

 

Tại Núi Thành đã có 216 ha lúa bị ngập úng, 150ha rau màu mất trắng, 2.500m3 kênh mương và 2000m3 đê ngăn mặn, 50 km giao thông nông thôn, hơn 500m3 đường bê tông, cấp phối bị sạt lỡ, hư hỏng nghiêm trọng. Toàn huyện có 18 tàu thuyền bị chìm và hư hỏng. Bão cũng đã làm ngành thủy sản của huyện thiệt hại nặng nề với khối lượng lượng ao nuôi tôm, cá sạt lỡ 800m3, 160 tấn tôm cua thất thoát, ước tính thiệt hại của ngành thuỷ sản lên đến 5,1 tỷ đồng. 

 

Miền Trung sau cơn bão dữ - 1
 Quảng Nam trong mịt mù mưa gió. (Ảnh: TTXVN)

 

Tại các huyện Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang,  Hiệp Đức… có 119 cái số nhà bị sập, 1457 nhà bị tốc mái. Hiện, thông tin liên lạc với huyện miền núi Phước Sơn không thể liên lạc được do cột ăng ten cao 90m bị gãy.

 

Ngoài ra, toàn tỉnh có 22 cơ quan nhà nước bị tốc mái, 6 xã phía tây huyện Quế Sơn cũng không thể liên lạc được.

 

Theo tổng kết của BCH PCLB Quảng Nam tính đến thời điểm trưa 1/10, toàn tỉnh có một người chết. Nạn nhân tên Dương, sinh năm 1981, quê ở Hà Tĩnh - nhân viên của Trạm viễn Thông huyện Núi Thành. Nguyên nhân chết được xác định là do điện giật. 6 người bị thương, trong số đó có một chiến sỹ công an của huyện Thăng Bình.

 

Ngay trưa hôm nay, khi mưa ngớt, sức gió giảm, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương triển khai điều xe để đưa bà con về nhà bắt dầu từ 2h30 chiều nay. Tại huyện Núi Thành trước mắt, tỉnh điều 30 chiếc xe ô tô về huyện để giúp dân trở về nhà ổn định cuộc sống. 

 

Khoảng 3 giờ chiều nay, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ có cuộc họp đánh giá sơ bộ về mức độ thiệt hại do cơn bão số 6 gây ra.

Miền Trung sau cơn bão dữ - 2

Bão số 6 đang bắt đầu tràn vào Đà Nẵng. Ảnh chụp lúc 23h50 đêm 30/9 trên đường Bạch Đằng. (Thanh Niên)

Tại Đà Nẵng, thống kê sơ bộ, cơn bão số 6 đã cướp đi 2 sinh mạng và làm gần 90 người bị thương. Hầu hết các ngôi nhà mái tôn trên địa bàn thành phố đã bị tốc mái, tôn lợp bay rất nhiều trên đường phố; nhiều toà nhà cao tầng bị gó giật vỡ hệ thống cửa kính.  

Trên các tuyến đường chính như của thành phố Đà Nẵng như Trần Phú, Lê Duẩn, Quang Trung, Phan Chu Trinh, cây cối gãy, đổ ngổn ngang, giao thông nhiều tuyến đường bị tê liệt. Một số cây cổ thụ đã bị gió thổi bật tung rễ làm hư hại các công trình dân sinh. Hàng loạt cột điện, trạm biến áp ngã, giây điện đứt rơi ngang đường. 

Gió bão lớn đã gián đoạn hệ thống thông tin liên lạc của thành phố. Điện thoại di động các mạng VinaPhone, MobiFone, Vietel và điện thoại cố định luôn bị nghẽn mạch hoặc không thể kết nối. 

Trên sông Hàn, bão kèm theo nước sông dâng cao, làm một số tàu đánh cá của ngư dân bị đứt neo. 

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Đà Nẵng, bão làm cây đổ, tôn lợp nhà bay, khiến hàng chục người trên địa bàn thành phố bị thương phải cấp cứu tại chỗ và một số được Trung tâm cấp cứu thành phố tiến hành đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.  

Hiện nay, nước trên các sông Cổ Cò, Cẩm Lệ, Hoà Xuân đang dâng cao nguy cơ gây lũ lụt ở một số nơi. Nước từ nhiều nguồn ra biển cộng thêm triều dâng, nên nước sông Hàn dâng cao và sóng lớn tràn lên đường Bạch Đằng, thành phố Đà Nẵng.  

Mưa lớn vẫn tiếp tục có thể gây ra lũ quét tại một số xã miền núi của huyện Hoà Vang như Hoà Bắc, Hoà Phú, Hoà Sơn, Hoà Liên... Các lực lượng chức năng đã đựoc tăng cường đến những địa điểm có khả năng thiệt hại nặng để giúp đỡ người dân, ngoài lực lượng ứng cứu tại chỗ. Đà Nẵng đang tận dụng tổng lực để ứng phó với cơn bão số 6.

Tại Quảng Ngãi, huyện đảo Lý Sơn với 20.000 cư dân là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, hàng trăm cây xanh bị ngã đổ làm ách tắc giao thông. Lúc 9 giờ sáng nay, theo số liệu từ cơ quan chức năng, khu vực này đã có hơn 900 căn nhà bị đổ sập hoàn toàn, 6 tàu thuyền bị chìm và mất tích; 2 phòng học và 1 phòng giáo viên bị tốc mái; sóng đánh làm sạt lở nhiều khu vực bờ kè bảo vệ khu dân cư. Thông tin liên lạc hoàn toàn bị mất và cũng không có phương tiện để ra đảo.

Tại xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ đã ghi nhận có một căn nhà bị sập, đó là nhà của bà Bùi Thị Tô. Mưa làm sạt 2.000m đê bảo vệ đồng muối, làm ngập hoàn toàn các cánh đồng muối Sa Huỳnh.

Theo một nguồn tin chưa xác định của báo Thanh Niên, sáng 1/10 tại khu vực cảng Dung Quất có 2 tàu ngư dân bị sóng đánh chìm.

Thừa Thiên Huế: Sau bão lo lũ dữ!

Miền Trung sau cơn bão dữ - 3
 Mực nước sông Hương đã mấp mé cầu Phú Xuân. Theo dự báo của BCH PCLB tỉnh Thừa Thiên Huế thì cơn lũ do bão số 6 gây ra có thể sẽ có nguy cơ như cơn lũ lịch sử năm 1999.

 

Thống kê sơ bộ trên toàn tỉnh đến 14 giờ chiều 1/10, hiện Thừa Thiên Huế chưa có thương vong nào, có 23 người bị thương, hơn 4.500 nhà bị sập, tốc mái (trong đó huyện Nam Đông có 3.000 nhà tốc mái; Phú Lộc với gần 600 nhà bị hư hỏng, riêng TP Huế cũng có 287 ngôi nhà bị sập và tốc mái…)

 

Huyện miền núi Nam Đông là địa phương phải chịu sức tàn phá nặng nhất tỉnh Thừa Thiên Huế. Tất cả như một bãi chiến trường khi cơn bão số 6 đi qua. Hiện tại, ở Nam Đông có hơn 3.000 ngôi nhà bị tốc mái, 500/700ha cây cao su gãy đổ. Khoảng 8.000 - 9.000 người dân đang di dời đến các công trình công cộng để tránh bão. 5 người bị thương, rất may không có thiệt hại về người.

 

Quốc lộ 49 từ Phong Hòa đi Phong Bình đã bị tắc nghẽn do ngập nước. Tuyến tỉnh lộ 49B cũng bị tăc đường nhiều nơi do bị sạt lở và ngập nặng.

 

Tính đến 11 giờ trưa 1/10, mực nước trên sông Hương đã ở mức 3,54 mét, trên mức báo động 3 là 0,54 mét. Mực nước đo được tại trạm Phú Ốc trên sông Bồ là 4,28 mét, xấp xỉ mức báo động 3.

 

Theo dự báo, sau khi bão đổ bộ đất liền, rất nhiều khả năng Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục chịu nhiều trận mưa lớn liên tiếp. Nguy cơ lớn nhất đang đe dọa tỉnh này là lũ lụt vì lượng mưa vẫn tiếp tục tăng.

 

Dưới đây là những hình ảnh cố đô Huế đương đầu với bão Xangsane do PV Việt Hưng ghi lại:

 

Miền Trung sau cơn bão dữ - 4

Người dân mua mì ăn liền về tích trữ trước bão.

 

Miền Trung sau cơn bão dữ - 5

Gió quá lớn buộc một người dân phải dắt bộ xe máy qua cầu Trường Tiền chứ không thể đi được.

Miền Trung sau cơn bão dữ - 6

Các công trình tu bổ trong điện Thái Hòa bị gió đánh tơi tả.

Miền Trung sau cơn bão dữ - 7

Bão số 6 đang hoành hành từng giờ

Miền Trung sau cơn bão dữ - 8

Cây đổ ngay trong Đại Nội. 
 
Miền Trung sau cơn bão dữ - 9
Giao thông trong Đại Nội gặp rất nhiều khó khăn. 

Miền Trung sau cơn bão dữ - 10

Nguy cơ đổ tường trong thành nội ngày càng rõ.

Miền Trung sau cơn bão dữ - 11

Chợ Đông Ba bị bão phong tỏa.

 

Miền Trung sau cơn bão dữ - 12

Một người dân Huế ra đường trong lúc bão đang hoành hành.

Miền Trung sau cơn bão dữ - 13

Dân vạn đò chống chọi với bão.

 

Miền Trung sau cơn bão dữ - 14

  Trường tiểu học Thuận Hóa trong thành nội cũng bị thiệt hại. 

 

 

Nhóm Phóng viên

Dòng sự kiện: bão số 6 - 2006