1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Miền Trung những ngày mưa lũ

(Dân trí) - Những ngày qua, mưa lũ kéo dài ở miền Trung đã gây thiệt hại lớn về người và của. Nghiêm trọng nhất là tỉnh Phú Yên, có đến 20 người thiệt mạng. Đặc biệt, dù lũ rút nhưng hàng chục ngàn hộ dân ở các địa phương vẫn ngập lụt, nhiều nơi bị cô lập do sạt lở và ngập nước.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nhắc nhở các địa phương nhanh chóng triển khai cứu trợ và đối phó với tình hình dịch bệnh có thể xảy ra, đồng thời khẩn trương phòng chống cơn bão số 6 ở các tỉnh có nguy cơ cơn bão đổ bộ.

 

Tại Khánh Hòa những ngày qua liên tục xảy ra sạt lở, gây ách tắc giao thông trên nhiều tuyến đường. Hàng ngàn nhà dân, trường học, công sở bị ngập sâu trong nước lũ. Cơn lũ này được coi là lớn nhất ở Khánh Hòa trong nhiều năm trở lại đây.

 

Tại Phú Yên, 20 người đã thiệt mạng trong lũ. Thiệt hại về vật chất ước tính 100 tỷ đồng. Tỉnh Phú Yên đã hỗ trợ thân nhân mỗi gia đình có người thiệt mạng 3 triệu đồng, nhà sập được 5 triệu đồng. Ngành Y tế tỉnh đã cử cán bộ xuống từng địa phương xử lý vệ sinh môi trường, giếng nước, kiểm tra lại tình hình thực tế từng khu dân cư nhằm có biện pháp cứu trợ kịp thời. Cùng với tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, các địa phương tỉnh Phú Yên chủ động tiếp tục các biện pháp ứng phó với bão số 6.

 

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên đã huy động gần 800 cán bộ chiến sĩ cùng hàng chục phương tiện như ca nô, xuồng máy, xe tải kịp thời sơ tán hơn 3 ngàn hộ dân vùng ngập lụt; khẩn trương triển khai phương án phòng tránh cơn bão số 6.

 

Đến chiều 6/11, Bình Định còn 910 tàu thuyền với trên 8.000 lao động đang hoạt động trên biển. Đồn Biên phòng 308 huyện Hoài Nhơn huy động 25 cán bộ chiên sĩ cùng phương tiện di dời 41 hộ dân 2 xã Tam Quan Bắc và Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn khỏi vùng ngập lũ. UBND tỉnh Bình Định vừa đề nghị trung ương hỗ trợ khẩn cấp hơn 52 tỷ đồng, 3.000 tấn gạo, 200.000 liều vắc xin lở mồm long móng…

 

Tỉnh Quảng Ngãi, đến chiều tối 6/11, lũ lụt đã làm 12 người chết, trong đó 2 công nhân ngành bưu điện vẫn chưa tìm thấy xác. Trên địa bàn tỉnh, nước lũ rút rất chậm, nhiều nơi vẫn còn bị cô lập, mất điện, mất thông tin liên lạc. Ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Đội cấp cứu đóng tại huyện Tây Trà để cấp cứu nạn nhân và chữa bệnh cho người dân vùng lũ.

 

Nước lũ ngâm dài ngày cũng gây thiệt hại lớn về người và tài sản ở Quảng Nam. Nhiều nơi vẫn còn ngổn ngang xác súc vật lẫn với bèo rác và lớp bùn dày đặc bồi lắng, gây ô nhiễm môi trường; gây nguy cơ thiếu đói, thiếu nước sạch và dịch bệnh.

 

Một số khu vực thuộc các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, thị xã Hội An vẫn còn ngập lũ khiến hàng nghìn héc-ta lúa vụ đông bị hư hại, mất trắng. Hơn 10.000 dân tại xã Cẩm Kim, thị xã Hội An, 10 ngày qua vẫn bị cô lập chưa thể đi lại được.

 

Quảng Bình đã rút nước nhưng một số xã ở huyện Lệ Thuỷ vẫn gặp khó khăn, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng, nhiều tuyến đường giao thông liên xã, trong thôn xóm, cầu cống hư hỏng chưa khắc phục xong. Hàng trăm gia đình thiếu lương thực. Hội Chữ thập đỏ tỉnh liên tục tổ chức cứu trợ tại những địa phương bị lũ lụt nặng. Đến thời điểm này, hàng ngàn thùng mỳ tôm, nước uống, hàng hoá tổng trị giá hơn 3,5 tỷ đồng được chuyển tới người dân.

 

Từ trưa qua 7/11, ở miền Trung đã tạnh mưa, chính quyền và nhân dân các tỉnh đang khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt, đồng thời triển khai ngay các phương án sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 6 đang đến gần.

 

Bình Minh