1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Miền Trung náo nức đón chờ ngày hội bầu cử

(Dân trí) - Hôm nay 17/5, nhân dân 24 xã miền núi và hải đảo tỉnh Quảng Nam đã đi bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII, sớm hơn 3 ngày so với ngày qui định chung. Tại các tỉnh thành khác ở miền Trung, không khí đón chờ ngày bầu cử cũng đang “nóng” lên từng giờ.

Từ sáng sớm, bà con vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc tại các huyện miền núi đã thu gác công việc đến các điểm tập trung tổ chức bầu cử.

 

Già làng Hồ Văn Duấn, người dân tộc Cadong sinh sống ở xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, Quảng Nam hồ hởi: “Người Cadong mình tin tưởng vào Đảng và Bác Hồ, quyết tâm đi bỏ phiếu bầu cử đông đủ, vì đó là quyền lợi và nghĩa vụ của mình mà.

 

Đồng bào mình sẽ lựa chọn những người biết quan tâm giúp đồng bào, hiểu bụng đồng bào, giúp đồng bào mình biết trồng cây gì, nuôi con gì để có cơm ăn áo mặc, để có cái chữ. Người Cadong tự hào vì danh sách ứng cử viên đại biểu quốc hội lần này có cả ông Đinh Mươk (hiện là Trưởng ban Dân tộc tỉnh) là con em Cadong mình đây”.

 

Cử tri Trần Thị Phương (18 tuổi) thôn Bãi Hương, xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) rất hân hoan vì cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khoá XII này cũng là lần đầu tiên em được cầm lá phiếu đi bầu biết “mình là công dân trưởng thành rồi” và “kỳ vọng của mình là đại biểu Quốc hội lần này sẽ trình với quốc hội mong muốn của người dân nơi đây là sớm có được lưới điện quốc gia để cải thiện đời sống nhiều hơn”.

 

Vào lúc 9h30 sáng nay, cử tri 24 xã đảo và miền núi Quảng Nam đã bỏ xong lá phiếu bầu cử của mình

 

Để chuẩn bị cho ngày bầu cử hôm nay ngoài công tác tuyên truyền, tiếp xúc cử tri thực hiện từ đầu tháng 4, các xã đảo và miền núi cũng chuẩn bị chu đáo các khâu tổ chức. Tại xã đảo Tân Hiệp, Hội An, ngoài hệ thống điện được phát từ 18-22h đêm như ngày thường, xã đã tăng cường máy nổ phát điện suốt đêm 16/5 đến hết ngày 17/5 để phục vụ bầu cử.

 

Nhiều nơi, bản làng đã tổ chức thành một ngày hội lớn thực sự như bản dân tộc Tàriềng ở Ladêê (huyện Nam Giang), nhà rông đã trang hoàng khung ảnh chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh và cờ Tổ quốc, thôn nữ đã tập múa ca từ mấy ngày trước… Tại Bưu điện văn hoá xã Ladêê được bố trí trưng bày sách báo, ấn phẩm, tiểu sử ứng cử viên và tài liệu liên quan đến bầu cử.

 

Tại các các huyện, thị còn lại của tỉnh Quảng Nam và các tỉnh thành khác ở miền Trung, không khí đón chờ ngày bầu cử đại biểu quốc hội khoá XII cũng đang náo nức từng ngày.

 

Tại Đà Nẵng: Đến hết ngày 15/5, thành phố Đà Nẵng đã có 18 cuộc tiếp xúc cử tri của 10 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá XII tại thành phố Đà Nẵng do Uỷ ban MTTQ thành phố tổ chức theo chương trình tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử.

 

Miền Trung náo nức đón chờ ngày hội bầu cử - 1
Panô cổ động cho ngày hội bầu cử được treo khắp các địa phương miền Trung. 

 

Mỗi cuộc gặp gỡ vận động bầu cử đã thu hút từ 100 đến 500, có nơi đến 2.000 cử tri tham dự, có nhiều ý kiến của cử tri phát biểu và đóng góp trực tiếp cho chương trình hành động của các ứng cử viên.

 

Yêu cầu chung của nhiều cử tri đối với các ứng cử viên khi trúng cử là tăng cường sâu sát cơ sở, sâu sát với dân, nói đi đôi với làm trong việc thực hiện chương trình hành động của mình, các cuộc tiếp xúc đã cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của cử tri đến cuộc bầu cử.

 

Ông Trần Ngãn, chủ tịch UBMTTQ quận Thanh Khê cho PV báo Dân trí biết đến trưa hôm nay, công tác tuyên truyền cho bầu cử đã được triển khai một cách toàn diện. Quận đã thực hiện 720 khẩu hiệu, 120 panô, dựng 5 cụm panô lớn ở nơi công cộng và đã phân phối 2500 khẩu hiệu bướm, tranh cổ động. Xe cổ động của quận đã hoạt động liên tục từ ngày 10/05 và xe cổ động của phường sẽ tập trung tuyên truyền vào ngày 19 và 20/05.

 

Quận cũng đã tổ chức 3 đợt tập huấn cho các phường, tổ chức 2 buôi tiếp xúc cử tri (1 buổi 5 phường). Toàn quận có gần 112 ngàn cử tri đi bầu tại 81 tổ bầu cử, trong đó có 3 tổ độc lập gồm có 2 tổ của 2 đơn vị quân đội đóng trên địa bàn và 1 tổ của trường Cao đẳng TDTT TW và Cao đẳng Thương Mại. Quận Thanh Khê cũng là một quận triển khai công tác bầu cử sớm hơn các quận khác.

 

Tại Quảng Ngãi: Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 12, đến ngày hôm nay (16/5), các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá 12 tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành công tác tiếp xúc cử tri vận động bầu cử ở 56 điểm thuộc 14 huyện, thành phố, thu hút hàng nghìn lượt cử tri tham gia.

 

Qua các buổi tiếp xúc, cử tri Quảng Ngãi thẳng thắn bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình với các ứng cử viên. Đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập gần 1.100 tổ bầu cử với  tổng số gần 808.250 người.

 

Ngoài việc các địa phương tuyên truyền trực quan bằng panô, áp phích, băng rôn, Đài truyền thanh cơ sở liên tục đưa tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên trên sóng phát thanh. Đặc biệt đối với các vùng miền núi nơi có đồng bào dân tộc thiểu số tuyên truyền bằng tiếng Cor và tiếng Hrê. Riêng ở các xã ven biển, địa phương dùng máy I-com để tuyên truyền nội dung bầu cử Quốc hội khoá 12 cho ngư dân đánh bắt xa bờ.

 

Tại Quảng Trị: Đến nay, tỉnh Quảng Trị cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 12, nhiều hình thức tuyên truyền  về bầu cử cũng được tăng cường với nhiều hình thức phong phú đến tận vùng sâu, vùng xa.

 

Các địa phương trong tỉnh Quảng Trị đang tăng cường tuyên truyền  bầu cử bằng nhiều hình thức phong phú đến tận tổ dân cư, bản làng xa xôi, đâu đâu cũng tràn ngập cờ, panô, khẩu hiệu  chào mừng ngày bầu cử.

 

Một số nơi như ở Khóm Thống nhất, Thị trấn Hồ xá, huyện Vĩnh Linh, 160 hộ gia đình  tự nguyện đóng góp mỗi nhà 50 ngàn đồng để lắp đặt 4 cụm loa truyền thanh để bà con tiện theo dõi những thông tin liên quan đến  bầu cử.

 

Ở các xã miền núi, Phòng văn hóa và Đài truyền thanh các huyện dịp này cũng phát hành một số cuốn băng  giới thiệu về Luật bầu cử, tiểu sử ứng cử viên, dùng xe lưu động tuyên truyền đến tận những bản làng xa xôi. Việc niêm yết danh sách cử trị, ảnh và tiểu sử ứng cử viên cũng như chọn địa điểm thuận lợi hay một số cơ sở vật chất như hòm phiếu, thẻ cử tri... cũng đã cơ bản hoàn tất.

 

Miền Trung náo nức đón chờ ngày hội bầu cử - 2
 Cử tri tìm hiểu thông tin về các ứng cử viên ĐBQH để "chọn mặt gửi vàng".

 

Tại Bình Định: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 12 ở tỉnh Bình Định được triển khai đúng tiến độ, đạt yêu cầu đề ra. Các bước hiệp thương giới thiệu nhân sự đều đảm bảo đúng quy trình, dân chủ, công khai, đúng luật. Tỉnh cũng đã tăng cường tuyên truyền Luật bầu cử đến từng khu dân cư, tổ dân phố, vùng sâu, vùng xa, ven biển…

 

Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh đã xây dựng kịch bản “Ngày hội non sông”, các cụm pa-nô lớn tại trung tâm thành phố Quy Nhơn và các trung tâm huyện, lỵ; tổ chức dạ hội chào mừng ngày bầu cử.

 

Công tác an ninh, trật tự, an toàn xã hội phục vụ bầu cử được quan tâm đặc biệt. Công an tỉnh Bình Định đã mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trước, trong và sau cuộc bầu cử. Các điều kiện vật chất phục vụ cho ngày bầu cử cũng đã được chuẩn bị chu đáo, tài liệu phục vụ bầu cử đã được in ấn và chuyển đến các Ban bầu cử, Tổ bầu cử theo quy định.

 

Tại Khánh Hoà: Đến nay, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Khánh Hòa in và phát hành hàng ngàn khẩu hiệu, áp phích phục vụ tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 12. Tại thành phố Nha Trang, gần 200 băng rôn và panô lớn nhỏ được bố trí tại các ngả đường, tuyến phố. Đội Văn hoá thông tin lưu động tỉnh và các huyện thị xã xây dựng chương trình, biểu diễn cổ động, tuyên truyền về bầu cử.

 

Tại Phú Yên: Để ngày bầu cử Quốc hội khoá 12 thực sự là ngày hội toàn dân, hơn 2 tháng qua tỉnh Phú Yên tập trung triển khai công tác chuẩn bị bầu cử đảm bảo tiến độ, đúng qui trình luật định, công khai dân chủ. Qua 3 lần hiệp thương, Phú Yên chọn ra những người đủ trình độ năng lực, phẩm chất chính trị ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII.

 

Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên đã chính thức chốt danh sách và bàn giao hồ sơ 8 ứng cử viên địa phương cùng 2 ứng cử viên Trung ương giới thiệu để bầu 6 đại biểu QH khóa XII. Uỷ ban Ban chỉ đạo Bầu cử đại biểu Quốc hội Phú Yên thành lập 2 Đơn vị bầu cử và 2 Ban Bầu cử đại biểu Quốc hội.

 

Đơn vị bầu cử số 1 gồm các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa và huyện Sông Hinh; Đơn vị bầu cử số 2 gồm thành phố Tuy Hòa, huyện Tuy An, Sông Cầu và Đồng Xuân. Các Tiểu ban chỉ đạo công tác Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; Giải quyết khiếu nại tố cáo; Tuyên truyền phục vụ bầu cử hình thành và triển khai hoạt động.

 

Công tác tuyên truyền bầu cử ĐBQH khóa XII được UBBC tỉnh Phú Yên chỉ đạo triển khai kịp thời, đồng bộ, vừa cụ thể, vừa đa dạng phong phú. Các cơ quan thông tin đại chúng địa phương xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tăng số lượng, thời lượng phát sóng, phát hành 60 băng catset và đĩa CD nội dung về cuộc bầu cử Quốc hội. Ngành chức năng cung cấp đủ tài liệu hỏi đáp công tác bầu cử, xây dựng trang web “Bầu cử đại biểu QH khóa XII tỉnh Phú Yên”.

 

Ứng cử viên đại biểu QH khóa XII tỉnh Phú Yên tiến hành gặp gỡ,  tiếp xúc cử tri vận động tranh cử. Các điểm tiếp xúc tổ chức trang nghiêm, sinh động tạo sự thân thiện, gần gủi giữa ứng cử viên và cử tri. Ứng cử viên trình bày những chương trình hành động của cá nhân gắn với lĩnh vực công tác đang phụ trách.

 

Các vấn đề cử tri quan tâm nhất vẫn là làm thế nào để sớm đưa tỉnh thoát khỏi nghèo nàn, rút ngắn khoản cách giàu nghèo giữa các vùng miền, vấn đề chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng phải thật mạnh mẽ để dân an tâm.

 

Theo kế hoạch, từ nay đến ngày bầu cử toàn tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, bảo đảm an ninh trật tự, ổn định đời sống tinh thần cho mọi người dân. Không khí chuẩn bị bầu cử tại  tỉnh Phú Yên đang được triển khai khẩn trương, đồng bộ, đảm bảo tỉnh dân chủ, tạo niềm phấn khởi tin tưởng vào thắng lợi cuộc bầu cử Quốc hội khóa 12 của cả nước.

 

Tại Thừa Thiên - Huế: UBND tỉnh vừa phối hợp cùng UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức buổi gặp gỡ, tiếp xúc giữa 13 ứng cử viên ĐBQH khóa XII tỉnh với gần 100 cử tri là cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và các huyện, thành phố Huế.

 

Miền Trung náo nức đón chờ ngày hội bầu cử - 3
Huế tràn ngập cờ. 

 

Theo đó, ứng cử viên Quốc hội khoá 12 tỉnh sẽ có 65 điểm gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri ở các xã, phường, thị trấn thuộc 3 đơn vị bầu cử trong tỉnh. Tại các buổi tiếp xúc, từng ứng cử viên sẽ trình bày dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH, cử tri có thể nêu ý kiến và đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử.

 

 

Kom Tum: Tích cực, khẩn trương cho ngày bầu cử

 

Trong những ngày qua, trên địa bàn Kon Tum liên tục diễn ra các buổi gặp gỡ tiếp xúc giữa các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá XII với cử tri trong tỉnh được Uỷ ban MTTQVN các cấp tổ chức tại các huyện, thị xã. Điều dễ nhận thấy tại các buổi tiếp xúc là tinh thần thẳng thắn, cởi mở, chân thành.

 

Kon Tum là tỉnh nghèo, điểm xuất phát thấp, đời sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum sau 32 năm giải phóng vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao… do đó rất nhiều cử tri của huyện Đăk Hà đã đề nghị các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá XII phải có trách nhiệm đóng góp tiếng nói của mình với Quốc hội, với Đảng, Nhà nước, có biện pháp giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.

 

Cử tri tại đây cũng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cần dành nhiều thời gian đến với dân hơn; và nhất thiết là nói phải đi đôi với làm (ý kiến của cử tri Phạm Xuân Thoan - thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà). Huyện đã trưng tập 82 cán bộ, công chức làm công tác bầu cử, với 75 tổ bầu cử, 32.000 cử tri.

 

Tại huyện Kon Plông - huyện cực đông của tỉnh, nơi có 5 xã vùng Đông Trường Sơn bầu cử sớm vào ngày 19/5 (gồm: Đăk Tăng, Măng Buk, Đăk Ring, Ngọc Tem và Đăk Nên), đến thời điểm hiện nay tất cả các khâu trong qui trình chuẩn bị bầu cử đã hoàn tất. Việc khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến công tác bầu cử và các ứng cử viên không có… Toàn huyện sẽ có 70 tổ bầu cử thuộc địa bàn 9 xã với hơn 10.750 cử tri.

 

 

Miền Trung náo nức đón chờ ngày hội bầu cử - 4
 Panô, biểu ngữ tuyên truyền trên đường Bà Triệu, Thị xã Kon Tum.

 

Để người dân hiểu rõ hơn về ngày bầu cử, huyện Ngọc Hồi (huyện phía bắc của tỉnh) đã tổ chức tuyên truyền bằng loa trên xe lưu động đến từng thôn, làng của 7/7 xã của huyện, gắn với những đêm biểu diễn văn nghệ để lồng ghép tuyên truyền. Huyện đã thành lập 63 tổ bầu cử, trong đó có 7 tổ bầu cử thuộc lực lượng vũ trang, với 21.347 cử tri được lập danh sách. Xã Bờ Y, nơi có Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, một không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử khẩn trương, sôi nổi. Bờ Y có 9 tổ bầu cử/8thôn làng, trong đó có 01 tổ bầu cử tại Ban quản lý cửa khẩu, với 2.633 cử tri. Xã Bờ Y được phép phát thẻ cử tri sớm hơn Luật định.

 

Huyện Đăk Tô, địa phương vừa tổ chức thành công kỷ niệm 35 năm Chiến thắng lịch sử Đăk Tô-Tân Cảnh không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử diễn ra khẩn trương, nghiêm túc. Đến nay, Đak Tô đã sẵn sàng cho ngày bầu cử với 55 tổ bầu cử và 21.604 cử tri.

 

Do đặc thù của lực lượng vũ trang, nên việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum sẽ được chia thành 02 tổ bầu cử. Tổ 1 bao gồm Cơ quan 4 phòng, Trường Quân sự địa phương và các đại đội trực thuộc đóng chân trên địa bàn thị xã Kon Tum; Tổ 2 bao gồm D04, E90 đóng chân tại địa bàn huyện Đăk Tô.

 

Toàn tỉnh Kon Tum chia làm 2 Đơn vị bầu cử, với 638 tổ bầu cử. Trong đó, Đơn vị bầu cử số 1 gồm: Thị xã Kon tum và các huyện Kon Plông, Kon Rẫy, Sa Thầy với 315 tổ bầu cử (trong đó có 22 tổ bầu cử thuộc lực lượng vũ trang); Đơn vị bầu cử số 2 gồm các huyện: Đăk Hà, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi, Đăk Glei với 323 tổ bầu cử (trong đó có 16 tổ bầu cử thuộc lực lượng vũ trang). Do điều kiện giao thông đi lại khó khăn, Kon Tum được bầu cử sớm vào ngày 19.5.2007 tại 2 Đơn vị bầu cử với 102 tổ bầu cử (trong đó có 16 tổ bầu cử thuộc lực lượng vũ trang).

Nhóm P.V Miền Trung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm