1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Miền Bắc và Trung Bộ tiếp tục hứng chịu 2-3 đợt nắng nóng gay gắt

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Vừa trải qua đợt nắng nóng gay gắt kéo dài khoảng 7 ngày, miền Bắc và khu vực Trung Bộ được dự báo sẽ tiếp tục hứng chịu 2-3 đợt nắng nóng gay gắt trong thời gian tới.

Sáng nay (4/6), tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, trong bối cảnh cả nước bắt đầu vào mùa mưa bão khi Biển Đông đón cơn bão đầu tiên (bão số 1) trong năm 2021 với tên quốc tế Choi-wan.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị.

Hứng chịu 2-3 đợt nắng nóng gay gắt

Tại điểm cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong các ngày từ 28/5 - 3/6, các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ, từ Thanh Hóa đến Phú Yên vừa trải qua đợt nắng nóng gay gắt, đặc biệt gay gắt trên diện rộng. Nhiệt độ nắng nóng trong ngày được ghi nhận từ 37 - 40 độ C.

Trong đó, một số nơi có nhiệt độ nắng nóng cao hơn như Lạc Sơn (Hòa Bình) trên 40,5 độ C; tại Chí Linh (Hải Dương) là 41 độ C. Hà Nội có nắng nóng 40,5 độ C; tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) nắng nóng 41,9 độ C.

Miền Bắc và Trung Bộ tiếp tục hứng chịu 2-3 đợt nắng nóng gay gắt - 1

Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn.

Ông Thái đánh giá đây là một trong những đợt nắng nóng gay gắt nhất trong năm 2021.

Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết thêm, trong thời gian tới, các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ sẽ còn xuất hiện 2 - 3 đợt nắng nóng gay gắt. Cụ thể, nắng nóng gay gắt ở Bắc Bộ sẽ tập trung vào tháng 6 - 7, Trung Bộ từ tháng 6 - 8. Cường độ nắng nóng không gay gắt và kéo dài như năm 2020, nhưng khả năng nhiều khu vực sẽ xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất là 41 - 42 độ C.

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong tháng 5/2020, tại Hà Nội, nhiệt độ lên tới 40,9 độ C. Đợt nắng nóng này kéo dài nhất xảy ra ở các tỉnh ven biển Trung Bộ tới 37 ngày, bắt đầu từ ngày 18/6 và kết thúc vào ngày 30/7.

Nhận định mùa bão năm 2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, trong ngày 3/6, cơn bão Choi-wan đã vượt qua phía nam đảo Luzon (Philippines) đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 1 trong năm nay. Tuy nhiên, bão số 1 sẽ không ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam. Thông thường trong mùa bão hàng năm, cơn bão đầu tiên xuất hiện trên Biển Đông vào khoảng giữa tháng 5, như vậy mùa bão năm nay xuất hiện muộn hơn nửa tháng so với trung bình nhiều năm.

Ông Trần Hồng Thái thông tin, dự báo, mùa mưa bão năm nay sẽ có khoảng 12 - 14 cơn bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông nhưng chỉ có khoảng 5 - 7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.

Nửa đầu mùa, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ, nửa cuối mùa sẽ ảnh hưởng từ các tỉnh Trung Bộ cho đến các tỉnh phía Nam.

Nhận định về mưa, ông Trần Hồng Thái cho biết, mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam bộ đến sớm và kết thúc tương đương so với trung bình nhiều năm, cụ thể là tháng 10, đầu tháng 11. Trong 6 tháng cuối năm, lượng mưa có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc.

Đặc biệt mưa nhiều hơn so với trung bình nhiều năm ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ vào tháng 7 - 9 và tháng 10 - 12. Mưa lớn khả năng tập trung nhiều trong các tháng 10 - 11 ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt là khu vực Trung và Nam Trung Bộ, đây là thông tin các địa phương cần phải lưu ý.

Miền Bắc và Trung Bộ tiếp tục hứng chịu 2-3 đợt nắng nóng gay gắt - 2

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ NN&PTNT.

Thiên tai gây thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng

Cũng tại hội nghị, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thiên tai trên thế giới và khu vực đã diễn biến hết sức phức tạp, dị thường với tổng số gần 500 đợt quy mô quốc gia và khu vực; số lượng bão hoạt động trên Đại Tây Dương trong năm vượt mức kỷ lục với 30 cơn; mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Mặc dù các quốc gia đã rất nỗ lực phòng, chống song thiên tai đã làm 8.200 người chết, mất tích; tổng thiệt hại về kinh tế trên 210 tỷ USD.

Ở trong nước, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước; đã xảy ra 16/22 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới; 265 trận giông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển.

Trong năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế trên 39.962 tỷ đồng.

Theo ông Trần Quang Hoài, mặc dù thiên tai năm qua diễn ra hết sức nghiêm trọng cùng với diễn biến dịch Covid-19 hết sức phức tạp, song công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã được Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, kịp thời và hiệu quả cùng với sự chủ động của người dân, các tổ chức chính trị xã hội và nhiều tổ chức quốc tế, nhờ đó đã giảm thiểu được thiệt hại, đồng thời sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng.

Ông Trần Quang Hoài cho biết, thiệt hại do thiên tai tuy đã giảm thiểu, song vẫn còn lớn kể cả người và tài sản, nhất là thiệt hại về người do sạt lở đất, lũ quét.

Công tác ứng phó thiên tai là nhóm nhiệm vụ được quan tâm chỉ đạo sát sao và hiệu quả, song cũng còn bộc lộ một số tồn tại như thông tin dự báo, cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất còn rất khó khăn; công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó, chỉ huy cứu nạn từ trung ương đến các địa phương còn thiếu cơ sở dữ liệu, thiếu trang thiết bị chuyên dùng…

Do hậu quả của thiên tai trong năm để lại rất nặng nề, nhất là khu vực miền Trung, bên cạnh những nỗ lực của toàn xã hội nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất và phục hồi tái thiết sau thiên tai song bộc lộ nhiều tồn tại như tốc độ triển khai chậm, hoạt động quyên góp cứu trợ tự phát gây dư luận trái chiều, sự quan tâm giải quyết các vấn đề sau thiên tai còn hạn chế.