1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Mía chất khô vì hơn 200 xe chở mía lãn công

(Dân trí) - Mía chất khô trên đồng ruộng, nông dân điêu đứng vì không tiêu thụ được mía trong khi nhà máy không có nguyên liệu sản xuất. Thực trạng đó đã diễn ra hơn 2 ngày đêm (từ ngày 3-5/1) do hàng trăm chiếc xe chở mía đồng loạt ngừng hoạt động.

Mía chất khô vì hơn 200 xe chở mía lãn công - 1

Hàng trăm xe tải đồng loạt ngừng hoạt động, đậu trước cổng nhà máy
 
Từ ngày 3/1 đến trưa ngày 5/1/2011, hơn 200 chiếc xe tải chuyên chở mía cho Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (có nhà máy đường đặt tại thị trấn Củng Sơn, Sơn Hoà, Phú Yên) đã dừng hoạt động, xếp hàng dài gần 1km trước cổng nhà máy đường KCP hoặc đỗ rải rác trên các đường làng, để phản đối nhà máy đường KCP trong việc phân giờ nhập mía không hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà xe.

 

Các chủ xe bức xúc vì cho rằng nhà máy ưu tiên nhập mía các xe chở mía từ hai xã Xuân Lãnh và Đa Lộc (Đồng Xuân) trong khi hàng trăm xe khác chở mía từ các nơi về nhà máy nằm chờ nhiều giờ trước nhưng không được nhập.

 

Nhiều chủ xe cũng cho rằng mỗi vụ mía nhà xe đều mất một nguồn thu rất lớn do nhà máy trừ tạp chất, không trả chi phí vận chuyển. Thực tế này diễn ra suốt 9 năm nay.

 

Theo tính toán của các chủ xe, một xe tải bình quân chở từ 15-20 tấn mía cây, khi cân xong nhà máy trừ từ 3,5-4% tạp chất; tức là mỗi xe bị trừ từ 600kg đến 1 tấn tạp chất, không được tính tiền vận chuyển.

 

Việc hàng trăm xe chở mía ngừng hoạt động khiến mía của người nông dân phải chất khô trên đồng ruộng, làm giảm trữ lượng đường và năng suất.

 

Bà Lê Mai ở thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, cho hay: “Tôi đã nhận phiếu đốn và thu hoạch 6 sào mía và chỉ mới vận chuyển được 2 xe, còn tồn đọng 1 xe mía bỏ khô trong 7 ngày, gây thiệt hại kinh tế”.

 

Theo phản ánh của phía nông dân trồng mía, việc 1 xe được điều động chở cho 2-3 chủ mía/ngày khiến số lượng mía thu hoạch không được vận chuyển hết. Hiện số lượng mía đã chặt còn tồn đọng trên đồng ruộng từ 3 - 7 ngày nay là rất lớn. Ngoài ra, việc nhà máy KCP trừ lượng mía tạp chất của nông dân quá cao khiến nông dân cũng mất đi một khoản thu nhập.

 

Giải thích về vấn đề trên, Tổng giám đốc KCP VIL - ông R. Subbaiah - cho biết: “KCP đã áp dụng không tính cước tạp chất 9 năm nay. Chúng tôi sẽ tìm hiểu chính sách này tại các nhà máy khác ở khu vực miền Trung để áp dụng cho phù hợp. Hiện chúng tôi đã làm việc với 10 đại diện chủ xe và hứa sẽ giải quyết những tồn tại, đồng thời vận động họ tiếp tục vận chuyển mía”. 

 

Nguyên Nguyên