“Méo mó” nhà cổ Hội An
(Dân trí) - Sức hút của đồng tiền và sự đô thị hóa đã và đang “bóp méo” những ngôi nhà cổ Hội An. Những người làm công tác bảo tồn di tích ở Hội An chưa tìm ra cách nào để giữ lại phần “hồn”, phần “xác” của những ngôi nhà ấy.
“Méo” phần “xác”
Khu phổ cổ Hội An với những ngôi nhà được xây dựng từ thế kỷ 18, 19, được biết đến là một di sản văn hóa thế giới, giờ như đang “lột xác”. Rất nhiều ngôi nhà cổ được xây mới theo lối kiến trúc hiện đại. Chủ của chúng thường là những đại gia ở TPHCM, Hà Nội hay Việt kiều, bỏ từ vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng để sở hữu một căn nhà với lý do “yêu Hội An, trân trọng những giá trị cổ truyền của dân tộc,…”.
Trên thực tế, hầu hết các chủ nhân mới sẽ dần sửa chữa, khai thác tối đa giá trị của nhà cổ vào việc kinh doanh, kiếm tiền. Hậu quả là nhà cổ chẳng còn cổ chút nào…
Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Hội An - rất lo lắng trước thực tế này. Ông cho biết, cứ đà này không ít những ngôi nhà cổ sẽ rơi vào tay những người làm kinh doanh. Phố cổ Hội An sẽ chẳng mấy mà mất đi toàn bộ vẻ đẹp hiếm thấy của mình.
“Hồn” phố cổ cũng đang mai một
Hiếm có địa phương nào lại coi di sản văn hóa là động lực để phát triển kinh tế như Hội An. Trên thực tế, ngành du lịch chiếm khoảng 60% GDP của Hội An. Khách du lịch đến với khu phố cổ Hội An không chỉ để ngắm nhìn những ngôi nhà cổ, mà quan trọng hơn là tìm hiểu lối sống, phong tục tập quán của những gia đình sống trong ngôi nhà đó.
Theo những người làm công tác bảo tồn di tích Hội An, phần “hồn” đó mới chính là nét đặc sắc nhất của Hội An. Việc những ngôi nhà cổ rơi vào tay những người ở nơi khác đến sẽ không chỉ làm mất đi phần “xác” nhà mà còn làm mai một cả “hồn” phố cổ.
Ông Trần Kỳ Trung hiện kinh doanh hàng lưu niệm và sống ở ngôi nhà cổ của mình ở 23 Trần Phú. Bao lâu nay, 3 thế hệ gia đình ông vẫn sống vẫn chung một mái nhà, vẫn giữ nguyên phong tục tập quán của một gia đình truyền thống ở Hội An.
Ông Trung cho biết đã nhận được nhiều lời đề nghị của khách du lịch cho họ ăn, ở cùng với gia đình một ngày để tìm hiểu phong tục tập quán của gia đình. Tuy nhiên, ông Trung cũng đang đau đáu nỗi niềm phải chịu sức ép về kinh tế để bán nhà. Ông Trung khẳng định, nếu những ngôi nhà cổ này không được bảo quản, duy trì thì chỉ nay mai thôi, khách du lịch sẽ quay lưng lại với Hội An.
Những ngôi nhà cổ nếu xuống cấp có thể tu bổ; nhưng nếu những giá trị phi vật thể mất đi, sẽ rất khó để tìm lại được. Hiện Trung tâm Bảo tồn di tích Hội An đã đề xuất nhà nước mua lại những ngôi nhà cổ rồi cho dân thuê lại để sống, từ đó tránh việc mua đi bán lại, tự ý sửa chữa…
Nhưng đề nghị này chưa được chấp thuận bởi cơ chế, chính sách hiện nay không cho phép. Ngay lúc này đây, phố cổ Hội An chỉ còn biết trông chờ vào tình yêu Hội An cổ của những người dân nơi đây.
Trịnh Quốc Đông