1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mẹ nghèo lóc da cứu con trai bỏng nặng

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Vì một phút bất cẩn, anh Phương đã bị lửa đốt cháy khắp cơ thể. Không đành lòng nhìn con trai quằn quại vì đau đớn, bà Hà xin các bác sĩ lóc da mình để cứu chữa cho con.

Người mẹ nghèo nhờ bác sĩ lóc da của mình để cứu con trai bị bỏng nặng là bà Võ Thị Thu Hà (59 tuổi, ngụ ấp Tà Lót, xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang).

"Dù con không thể đi lại, tôi vẫn muốn cơ thể con được lành lặn"

Nhắc lại tai nạn kinh hoàng của con trai, bà Hà rơm rớm nước mắt nói, hôm đó vào một ngày giữa tháng 11/2020, con trai bà là anh Thái Minh Phương (41 tuổi) đi đốn dừa nước để kiếm sống. Hôm ấy anh Phương bất cẩn khi vừa châm xăng vừa hút thuốc khiến xăng phụt vào người, ngọn lửa cháy lan cả thân thể và đốt cháy đen hai chân.

Mẹ nghèo lóc da cứu con trai bỏng nặng - 1

Bà Hà đang rửa vết thương cho con trai (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Khi hàng xóm phát hiện ra thì đôi chân con tôi đã cháy đen như than, mọi người vội vàng lấy vải quấn quanh người nó, gọi xe cấp cứu từ thiện chở thẳng qua bệnh viện ở Kiên Giang", bà Hà rưng rưng.

Hay tin dữ, vợ chồng bà Hà tức tốc đi xe ôm lên bệnh viện. Nhìn anh Phương cháy xém khắp người, chỉ còn mỗi phần đầu không bị thương; da ngực và da tay bỏng đỏ như máu còn đôi chân thì co quắp lại chỉ còn mỗi thịt và xương, bà Hà chết lặng rồi ngất lịm.

Mẹ nghèo lóc da cứu con trai bỏng nặng - 2

Bà Hà bên người con trai Thái Minh Phương bị bỏng vào năm trước (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Khi tôi tỉnh lại bác sĩ bảo phải làm phẫu thuật gấp cho con nhưng buộc phải cưa chân. Tuy nhiên do ca mổ có nguy cơ tử vong cao nên bác sĩ khuyên gia đình đưa đi Bệnh viện Chợ Rẫy ở TPHCM điều trị mới có cơ may sống sót.

Nhìn con nằm thoi thóp nằm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, lòng tôi ngổn ngang. Trong túi còn 2 triệu, vay mượn thêm được 15 triệu nữa, tôi quyết định chuyển con trai lên Bệnh viện Chợ Rẫy", người mẹ nghèo kể.

Theo lời bà Hà, đôi chân của anh Phương bị bỏng rất nặng, nếu lành lại cũng sợ không thể đi được như trước, nhưng bà vẫn không muốn để bác sĩ cắt chân con. "Nếu nó bình phục mà biết mình mất đi đôi chân thì nó sẽ sống ra sao! Dù con không thể đi lại, tôi vẫn muốn cơ thể con được lành lặn", bà Hà bày tỏ.

Mẹ nghèo lóc da cứu con trai bỏng nặng - 3

Phần chân lóc da cứu con của bà Hà đến nay chưa lành hẳn (Ảnh: Bảo Kỳ).

Trải qua 4 lần lấy da và hơn mười lần phẫu thuật lớn nhỏ, toàn bộ phần da đùi trái của bà Hà đã được cấy ghép thành công lên người con trai. Tuy nhiên, phần da đùi quá ít không đủ lắp đầy những vết thương đang sưng mủ, bà Hà đánh liều hiến thêm phần da bên đùi phải.

"Tôi năn nỉ bác sĩ cứ lấy hết da đùi phải luôn đi nhưng họ cũng chần chừ khá lâu rồi quyết định dùng da lưng và da đầu còn nguyên của con trai tôi để ghép thêm. Bác sĩ bảo, nếu lấy thêm da nữa tôi sẽ rất đau đớn và nguy hiểm vì tuổi tác của tôi đã lớn. May mắn thay lượng da vừa đủ nên con tôi qua cơn nguy kịch", bà Hà tâm sự.

Mẹ nghèo lóc da cứu con trai

Mẹ nghèo lóc da cứu con trai bỏng nặng - 4

Sau khi được mẹ nhường da cứu, anh Phương đã bình phục và ngồi xe lăn đi bán vé số (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ông Lê Văn Dương (chồng bà Hà) cũng muốn lấy da mình để cứu con nhưng bị vợ ra sức ngăn cản. "Nhìn thấy cảnh vợ mình như vậy, có người chồng nào mà không xót xa. Nhưng vợ chồng tôi vẫn động viên nhau vì cứu con nên có khó khăn nào cũng phải vượt qua. Không có con trai, cuộc sống của hai vợ chồng tôi đâu còn ý nghĩa gì", ông Dương rưng rưng.

Bản thân ông Dương cũng chẳng lành lặn gì, di chứng sau tai nạn giao thông vào năm 2013 khiến hộp sọ của ông bị teo lại, lúc nhớ lúc quên, đi lại khó khăn. Nếu cố lấy da cho con, sợ rằng đau đớn ấy ông không thể chịu đựng nổi.

Bốn tháng nằm viện, cuối cùng mẹ con bà Hà đã được xuất viện, gia đình bà như được sống lại lần hai. Hành trình đưa con vượt tử thần chẳng mấy dễ dàng, may mắn sau lưng bà Hà còn sự chung tay góp sức của bà con lối xóm.

Ông Lê Hoàng Bá - Phó ban trị sự Phật giáo Hòa hảo xã Sơn Kiên cho biết: "Tôi rất cảm phục tấm lòng của bà Hà, quả thật đúng như câu lòng mẹ bao la như biển thái bình. Hiến da rất đau đớn không phải ai cũng dám làm nhưng vì cứu con người mẹ già đã không tiếc tấm thân, hy sinh da thịt để con được sự sống".

Thấy hoàn cảnh gia đình bà Hà khó khăn nên ông Bá đã vận động mạnh thường quân được hơn 200 triệu đồng lo viện phí để bà Hà làm phẫu thuật cho con. Ngoài ra, ông Bá còn sắp xếp phương tiện đưa rước, lo ăn ở cho bà Hà trong suốt thời gian nhập viện.

"Mẹ đã sinh tôi ra lần hai"

Trước khi con trai xảy ra tai nạn, chồng bà bán vé số còn bà Hà bán cơm dừa nước ở gần chợ. Mỗi tháng, thu nhập của cả hai người không quá cao nhưng vẫn đủ sống qua ngày. "Giờ chân tôi bị đau và phải lo cho con trai nên tôi chuyển sang bán chuối chiên ở gần nhà. Sức khỏe đã ổn nhưng không thể làm việc nặng nhọc nữa, ráng được lúc nào thì hay lúc ấy", bà Hà tâm sự.

Mẹ nghèo lóc da cứu con trai bỏng nặng - 5

Bà Hà mắt đẫm lệ khi nhắc về tai nạn kinh hoàng của con trai (Ảnh: Bảo Kỳ).

Anh Phương là con lớn trong nhà, sau khi lấy vợ rồi ra ở riêng, anh chủ yếu sinh sống bằng nghề hái dừa nước. Lúc anh Phương gặp tai nạn vợ anh có lên bệnh viện thăm nuôi được một thời gian rồi về quê lo cho con. Từ ngày anh xuất viện về nhà mẹ ruột, vợ anh thỉnh thoảng có đến thăm nhưng mọi sinh hoạt, chăm sóc anh đều do mẹ ruột lo liệu.

"Nếu không có mẹ, có lẽ tôi đã chết từ năm trước. Từ một người tay chân lành lặn giờ thành kẻ tàn phế, thân thể xấu xí, tôi chán ghét bản thân mình lắm, tôi từng nghĩ đến cái chết. Nhưng rồi nhìn lại mình còn cha mẹ, vợ con, chết đi rồi ai lo cho họ. Thế là tôi gắng gượng chịu đựng đau đớn mà sống tiếp", anh Phương buồn bã kể.

Mẹ nghèo lóc da cứu con trai bỏng nặng - 6

Ngôi nhà của bà Hà được nhà nước xây cất đã xuống cấp nhiều năm, được chắp vá sửa chữa bằng mấy tấm tôn cũ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Nhờ sự chăm sóc tận tình, phép màu cuối cùng cũng đến với anh Phương. Những mảng da thịt đỏ hỏn, lõm sâu đã dần được đầy đặn và thay da non. Dù vậy, đôi chân của anh vẫn chưa đi lại vì vết thương quá nặng, anh phải ngồi xe lăn. Một tháng nay anh tập tành đi bán vé số, mỗi ngày bán chừng 70, 80 tờ, dành dụm để lo cho người thân.

"Kiếp này tôi chẳng thể trả hết công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Họ đã cho tôi có được sự sống lần hai. Tôi biết mình phải cố gắng rất nhiều, phải kiên cường sống tiếp để lo cho cha mẹ già và con thơ", anh Phương bộc bạch.

Người đàn ông từng tiều tụy và mặc cảm bị bệnh tật giờ đây trên gương mặt đã nở nụ cười. Anh chia sẻ: "Đợi một thời gian nữa khi chân tôi được đầy da thịt lại, tôi sẽ tập đi để không là gánh nặng cho gia đình".

Ông Phạm Văn Linh - Trưởng ấp Tà Lót, xã Sơn Kiên cho biết, vợ chồng bà Hà thuộc diện cận nghèo của xã, sinh sống bằng nghề bán hàng rong, bán vé số, thu nhập rất bấp bênh. Hàng tháng gia đình được hỗ trợ 270.000 đồng tiền người cao tuổi nhưng chẳng thấm vào đâu. Ngôi nhà của địa phương xây cất cho đã xuống cấp mà ông bà vẫn chưa có tiền để sửa sang.

"Tuổi già, sức yếu nay phải lo thêm cho con trai tật nguyền là điều rất khó khăn với vợ chồng bà Hà. Thời gian tới địa phương vẫn sẽ giúp đỡ để gia đình vượt qua nghịch cảnh", ông Linh nói thêm.