Máy bay Vietnam Airlines lại gặp sự cố
(Dân trí) - Vào hồi 0 giờ 45 phút ngày 3/2, một chiếc máy bay Airbus A320 của Vietnam Airlines lại phải hạ cánh khẩn cấp sau khi mới cất cánh được 15 phút.
Ông Nguyễn Thành Trung - Phó Tổng giám đốc của Vietnam Airlines (VNA) xác nhận với Dân trí chiều nay, chiếc A320 mang số hiệu VN936 bay chiều Hà Nội - Seoul (Hàn Quốc) đã phải hạ cánh khẩn cấp. Trên máy bay khi đó có 270 hành khách.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, số hành khách bị lỡ chuyến đã được đưa về khách sạn nghỉ ngơi. Chiếc máy bay VN936 được đưa về xưởng sửa chữa. Một chiếc B777 được thay thế sẽ chở những hành khách này tiếp tục cuộc hành trình.
Theo ông Trung, nguyên nhân khiến chiếc B320 phải hạ cánh do hệ thống điều áp trên buồng lái có trục trặc. Để đảm bảo an toàn cho hành khác, cơ trưởng chuyến bay đã quyết định cho máy bay trở về nơi xuất phát.
Được biết, chiếc máy bay A320 này cũng đã từng gặp sự cố kỹ thuật ngày 24/11 trong chiều bay Hà Nội - TPHCM.
Bay nhân nhượng không đồng nghĩa với sự cố
Khái niệm bay trong thời gian nhân nhượng đối với một chiếc máy bay được hiểu là chiếc máy bay đó có những chi tiết kỹ thuật hỏng hóc nhất định.
Tuy nhiên, những hỏng hóc đó không ảnh hưởng đến an toàn an ninh và được các hãng hàng không đưa vào danh sách nhân nhượng, tức tạm thời chấp nhận cho thiếu nhưng vẫn được bay. |
Càng giáp Tết càng có nhiều thông tin về máy bay VNA gặp sự cố. Dư luận cho rằng, việc không ít máy bay của VNA phải bay trong thời gian nhân nhượng là một trong những nguyên nhân gây nên…
Về việc này, ông Nguyễn Thành Trung cho rằng: Trên thế giới, hãng hàng không nào cũng có máy bay vận hành trong thời gian nhân nhượng. Trên thực tế, các máy bay của VNA luôn đòi hỏi phải đáp ứng những yêu cầu rất khắt khe về bảo dưỡng, an toàn kỹ thuật, không bỏ bớt bất kỳ một bước kiểm tra kỹ thuật nào. Đây là lý do giải thích tỷ lệ máy bay của VNA phải nằm nhiều vì chưa đủ quy trình.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi về việc có liên tiếp những sự cố của máy bay Airbus A320, ông Lại Xuân Thanh - Phó Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam cũng cho rằng: “Trên thực tế, rủi ro trong hoạt động hàng không là điều không tránh khỏi, độ an toàn của VNA là khá cao bởi 10 năm trở lại đây hãng chưa có thiệt hại về người.
Việc một số máy bay phải nằm chờ hoặc bay trong thời gian nhân nhượng là do vật tư phụ tùng trong kho thiếu và hãng bay phải đặt hàng khẩn cấp. Nếu bên nhà sản xuất giao hàng chậm, rõ ràng ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đó là chưa kể đến những trường hợp đối tác nước ngoài không thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng tráo đổi phụ tùng với VNA”.
Phúc Hưng - Thái Sơn