1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Mặt trận thực hiện giám sát Đảng, phản biện đường lối của Đảng?

(Dân trí) - Đề xuất về việc MTTQ tham gia góp ý giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng là một nội dung nhận nhiều ý kiến tranh luận.

Buổi làm việc sáng 22/10 của Quốc hội (ảnh: Minh Thanh).
Buổi làm việc sáng 22/10 của Quốc hội (ảnh: Minh Thanh).

Ngày 22/10, Quốc hội đã nghe lãnh đạo UB Trung ương MTTQ Việt Nam trình dự thảo luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi.

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết phải sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật MTTQVN nhằm cụ thể hoá quy định mới của Hiến pháp liên quan đến MTTQVN, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện cần thiết cho hoạt động của MTTQVN trong thời gian tới.

Tờ trình về dự án luật do Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UB Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim trình bày nêu rõ, luật đã cụ thể hóa quy định MTTQ Việt Nam tham gia tố tụng, tham gia công tác đặc xá; quy định về việc MTTQ Việt Nam tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc MTTQ Việt Nam tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Đặc biệt, lần này sửa luật để bổ sung về trách nhiệm và quyền hạn thực hiện dân chủ; tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; việc MTTQ Việt Nam tập hợp, tổng hợp và phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; việc MTTQ Việt Nam tham gia tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; việc MTTQ Việt Nam góp ý xây dựng Nhà nước.

Tại tờ trình, MTTQ Việt Nam vẫn còn một số vấn đề xin ý kiến Quốc hội. Cụ thể, về việc MTTQ Việt Nam góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng, ông Vũ Trọng Kim cho biết, đa số ý kiến cho rằng Luật không nên quy định về việc MTTQ Việt Nam tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, mà nên quy định trong các văn bản của Đảng.

Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, Luật lần này cần quy định về việc Mặt trận tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với dự thảo chủ trương, đường lối của Đảng.

Trước 2 luồng ý kiến này, Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật về vấn đề này, Luật MTTQ Việt Nam chỉ nên quy định về việc giám sát, tham gia góp ý của MTTQ Việt Nam với cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy chế hoạt động của hệ thống nhà nước.

Những vấn đề liên quan đến việc Mặt trận tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với dự thảo chủ trương, đường lối của Đảng nên để quy định trong các văn bản của Đảng như từ trước đến nay.
 
Buổi làm việc sáng 22/10 của Quốc hội (ảnh: Minh Thanh).
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UB Trung ương MTTQ Việt Nam trình dự án luật trước Quốc hội (ảnh: TTXVN).

Cũng theo ông Vũ Trọng Kim, việc Mặt trận tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng đã được quy định trong nhiều văn bản của Đảng.

Vì vậy, Luật MTTQ Việt Nam chỉ nên quy định về việc giám sát và tham gia góp ý với cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy chế hoạt động của hệ thống nhà nước.

Thẩm tra dự án luật này, UB Pháp luật của Quốc hội cho rằng, để MTTQ Việt Nam tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận thì cần tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể hơn cơ chế để MTTQ Việt Nam tham gia hoạt động, nhất là hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Đa số ý kiến thành viên UB Pháp luật tán thành với dự thảo Luật không quy định việc Mặt trận tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên, phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng.

Nhưng cũng có một số ý kiến khác cho rằng, một trong những điểm mới của Hiến pháp vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2013 là ghi nhận chức năng của Mặt trận trong việc “giám sát và phản biện xã hội”, đồng thời quy định Đảng “chịu sự giám sát của Nhân dân”. Như vậy, việc giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước của Mặt trận được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, áp dụng với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cả tổ chức Đảng, đảng viên cũng như đường lối, chính sách của Đảng.

Do đó, ý kiến này đề nghị dự thảo Luật cần được bổ sung quy định về việc MTTQ Việt Nam tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với cả dự thảo đường lối, chính sách của Đảng.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm