1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

"Mắt thần" canh lửa rừng

(Dân trí) - Hàng nghìn ha rừng phòng hộ tại Thanh Hóa có nguy cơ xảy ra cháy cao, nay đã được giám sát 24/24h nhờ một hệ thống “mắt thần” là những chiếc camera chuyên dụng.

Qua rà soát, Thanh Hóa có hơn 48.000 ha rừng trọng điểm cháy, trong đó có 33.760 ha ở cấp cực kỳ nguy hiểm, thuộc 154 xã ở 16 huyện, thị xã, thành phố.

Tỉnh Thanh Hóa là địa phương đầu tiên trong cả nước đã đưa vào thí điểm, lắp đặt các hệ thống camera chuyên dụng phục vụ cho công tác phòng chống cháy rừng.

Camera canh lửa rừng

Chứng kiến những lần cháy rừng bất thường mà không kịp phát hiện, khống chế sớm, rồi thấy các tổ chốt bảo vệ rừng ở cơ sở vất vả lập lán trại canh rừng giữa tiết trời nắng nóng, lao vào biển lửa khống chế cháy rừng, ông Lê Xuân Cải, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa) đã nghĩ ra một ý tưởng dùng các camera an ninh làm “mắt thần”. Phương án này giúp bảo vệ những cánh rừng, nâng cao khả năng kiểm soát cháy rừng, giải phóng phần lớn lượng người tham gia gác rừng ở cơ sở.

Cũng theo ông Cải, lúc đầu xin ý kiến, lãnh đạo Chi cục cũng như lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng nghi ngại dự án khó thành, bởi camera an ninh ở gia đình, đường phố khác so với ở rừng núi khi phạm vi quan sát rộng lớn mênh mông, địa hình đồi núi phức tạp.

Mắt thần canh lửa rừng - 1
Mắt thần canh lửa rừng - 2

Cháy rừng xảy ra ở huyện Hoằng Hóa vào năm 2015 khiến nhiều hộ dân phải di dời khẩn cấp

Sau nhiều tháng vật lộn tại các cánh rừng để cụ thể hóa ý tưởng trên, ngành kiểm lâm Thanh Hóa cùng Trung tâm Nghiên cứu quản lý thiên tai và cháy rừng đã thu những kết quả ngoài mong đợi. UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý đầu tư hơn 1 tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị lắp đặt 3 trạm camera “gác rừng” tại các vị trí hay xảy ra cháy rừng; bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Mắt thần canh lửa rừng - 3

Lắp đặt 3 trạm camera tại huyện Hà Trung, huyện Hoằng Hóa và huyện Tĩnh Gia.

1 người có thể giám sát cả nghìn ha rừng

Ông Trịnh Đăng Tình, Phó trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa) cho biết, sau khi được tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho triển khai sáng kiến, đơn vị đã phối hợp lắp đặt 3 trạm camera tại xã Hà Lĩnh (huyện Hà Trung); xã Hoằng Kim (huyện Hoằng Hóa) và xã Nguyên Bình (huyện Tĩnh Gia) để giám sát, bảo vệ hơn 7.000 ha rừng (chủ yếu là rừng thông, dễ cháy).

Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa hệ thống camera vào “gác rừng” thay con người của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa đã được Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đánh giá cao, được rất nhiều các tỉnh bạn trong cả nước quan tâm, xin ý tưởng để triển khai thực hiện.

“Các camera được lắp đặt này đều là camera chuyên dụng, có độ phân giải cao, tầm quan sát xa tới 10 km. Cứ 2-3 phút có thể gửi về máy tính, điện thoại của những người làm nhiệm vụ 24 hình ảnh sắc nét về trạng thái các cánh rừng. Từ đó, giúp người làm nhiệm vụ có thể nhìn thấy những đám khỏi, dù là nhỏ nhất để có phương án tối ưu kiểm tra, xử lý tại thực địa”- ông Tình cho hay.

Mắt thần canh lửa rừng - 4

Hình ảnh rừng được camera chụp gửi về hệ thống.

Cũng theo ông Tình, ngoài nhanh chóng ghi nhận các hình ảnh nghi cháy rừng gửi về trung tâm, các “mắt thần” gác rừng này còn ước lượng được tọa độ, các lô, khoảnh nghi xảy ra cháy rừng để báo về máy chủ. Lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở có thể tiếp cận địa điểm thực tế một cách chính xác, nhanh nhất để kiểm tra, xử lý nếu xảy ra cháy rừng thực sự.

“Tuy chưa xảy ra các vụ cháy rừng nhưng các camera đã quan sát và truyền hình ảnh nhiều trường hợp người dân đốt thực bì, dọn rừng sau khai thác đã giúp chúng tôi nắm bắt, theo dõi và chỉ đạo chủ rừng đảm bảo các công tác phòng chống cháy rừng, nên chưa có vụ việc nào đáng tiếc xảy ra”- ông Tình nói.

Ngoài phát hiện nhanh các đám cháy rừng, hệ thống camera gác rừng còn mang lại một tiện ích chưa từng có. Đó là việc thay thế hoàn toàn những người gác rừng ngoài thực địa.

Cụ thể, trước đây, cứ tới mùa nắng nóng, các địa phương có rừng phải lập rất nhiều tổ chốt tại các điểm hay xảy ra cháy, túc trực cả ngày đêm, mỗi tổ chốt ít nhất phải có tới 2-3 người. Tuy nhiên, giờ có “mắt thần”, chỉ cần 1 người có thể giám sát cả nghìn ha rừng qua máy tính hoặc điện thoại và không cần phải vào rừng.

Đơn cử, theo ông Tình, trước đây tại trạm bảo vệ rừng ở xã Nguyên Bình thường có có tới 6 chốt (khoảng 15-18 người) thường xuyên phải lội rừng, nhưng giờ chỉ cần 1 người ngồi nhà quan sát máy tính, điện thoại vẫn làm thay được hết phần việc của 6 tổ chốt trước kia.

Bình Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm