1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Mất lòng tin vì lãnh đạo can thiệp làm "xẹp" án tham nhũng

(Dân trí) - “Hiện người dân mất lòng tin vì có án tham nhũng được chỉ đạo làm xẹp xuống. Có vụ án nghiêm trọng nào cơ quan tư pháp nhận được ý kiến của các lãnh đạo chủ chốt để làm nhẹ, thu hẹp phạm vi điều tra?”, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước hỏi.

 
Chủ tịch Quốc hội: Có tham nhũng trong việc đấu tranh PCTN không?.
Chủ tịch Quốc hội: "Có tham nhũng trong việc đấu tranh PCTN không?".

Phiên thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2013 tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 18/9 bùng nổ với hàng loạt câu hỏi bức xúc của lãnh đạo, các ủy viên thường vụ Quốc hội vì tình trạng báo cáo bế tắc, in đi in lại.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mở đầu phiên thảo luận với nhận định thẳng thắn là đánh giá về tình hình tham nhũng như trong báo cáo về công tác PCTN của Chính phủ còn nhẹ hơn đánh giá trong nghị quyết của Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội lật đi lật lại vấn đề: “Nếu không tham nhũng thì quan chức lấy tiền đâu đi nhậu, đi chơi này đi chơi kia, chức vụ này chức vụ kia không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy”.

Người đứng đầu Quốc hội chỉ rõ điểm khuyết trong báo cáo của Chính phủ khi thiếu những thông tin về việc bạn bè quốc tế đánh giá về tham nhũng tại Việt Nam thế nào? Công luận trong nước, báo chí và MTTQ – những hệ thống đánh giá hết sức quan trọng có ý kiến ra sao? Có tham nhũng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng hay không?

“Người dân nào mà không muốn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, hay vấn đề là người ta chán rồi? Người ta đấu tranh mãi, góp ý mãi, đưa lên báo mãi nhưng không có tác dụng gì. Báo cáo cần phải đánh giá vấn đề này nữa” - Chủ tịch Quốc hội bày tỏ thêm băn khoăn vì Chính phủ cũng chưa đề cập đến những thay đổi, chuyển biến trong công tác PCTN khi Ban Chỉ đạo PCTN TƯ được chuyển về Tổng Bí thư trực tiếp điều hành.

Chủ tịch lưu ý, không đánh giá về những vấn đề này là một khoảng trống mà vẫn đưa những thông tin “khuyết” trình với QH, với toàn dân là nguy hiểm.

Theo Chủ tịch Quốc hội, báo cáo do Thanh tra Chính phủ chắp bút cũng chưa đề cập đến việc liệu trong lực lượng đấu tranh phòng, chống tham nhũng có tham nhũng không. Nghi vấn tiêu cực, theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng rất có cơ sở khi nhiều vụ án bị đình chỉ điều tra, mức án đưa ra dưới khung hay việc ít chuyển sang điều tra nhiều sai phạm hàng trăm, hàng nghìn tỷ sau thanh tra, kiểm toán.

Chủ tịch Quốc hội: Có tham nhũng trong việc đấu tranh PCTN không?.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc: "Người dân mất lòng tin vì có án tham nhũng được chỉ đạo làm xẹp xuống".
 
Chung băn khoăn này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước yêu cầu đại diện Chính phủ giải đáp lý do các vụ án tham nhũng khi điều tra, truy tố, xét xử lại bị kéo dài thời gian. Nghịch lý được chỉ ra là trong khi người phạm tội trộm cắp tài sản, trị giá từ 2 triệu đồng phải đi tù trong khi cán bộ tham nhũng, sai phạm tiền tỷ lại được hưởng án treo hoặc xử lý hành chính.
 
Ông Phước cũng đặt vấn đề: “Hiện người dân mất lòng tin vì có án tham nhũng được chỉ đạo làm xẹp xuống. Vậy trong các vụ án nghiêm trọng, có vụ nào cơ quan tư pháp nhận được ý kiến của các lãnh đạo chủ chốt để làm nhẹ, thu hẹp phạm vi điều tra?”. Nếu làm rõ được, ông Phước cho rằng sẽ giúp nhận diện, hạn chế những người có chức có quyền can thiệp vào quá trình điều tra của các cơ quan chức năng.
 
Những câu hỏi đặt ra rõ ràng làm khó Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong.

Ông Tranh phần trần: “Về ý kiến lãnh đạo can thiệp vào các vụ án tham nhũng mấy anh tố tụng không có báo cáo nên chúng tôi không báo cáo được”.

Phó Viện trưởng Nguyễn Hải Phong thừa nhận, cơ chế giám sát các cơ quan phòng, chống tham nhũng hiện đang thiếu. Hơn nữa, bộ máy nhà nước có nhiều cơ quan có chức năng chống tham nhũng nhưng lại thiếu cơ chế kết nối và để xảy ra tình trạng “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”.

Ông Phong đề nghị lập cơ quan điều tra độc lập chống tham nhũng để khắc phục tình trạng này. Theo Phó Viện trưởng, trên thế giới có nhiều nước áp dụng mô hình này cho thấy hiệu quả rất cao. 

Vẫn băn khoăn, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước nêu thực tế có nhiều vụ án nghiêm trọng kéo dài, có cả kết luận của Thủ tướng rồi mà cuối cùng sự việc vẫn đi vào im lặng cả năm trời khiến lòng dân không yên.

“Mình cứ âm thầm như vậy, thông tin mập mờ như vậy thì dân người ta hoài nghi, mà hoài nghi về Đảng, về chế độ. Cán bộ cỡ TƯ như tôi cũng băn khoăn dù ở TƯ là nhiều thông tin nhất rồi” – ông Phước dẫn chứng vụ án Dương Chí Dũng, từ đầu đã nghe nhiều thông tin liên quan đến nhiều cán bộ nhưng sau xử lý đến đâu cũng không rõ.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc đề nghị kỳ 3-4 tháng, cơ quan giám sát tiến hành công khai thông tin quá trình xử lý các vụ án tham nhũng.

P.Thảo