"Mạnh dạn đầu tư, chấp nhận thất bại trong nghiên cứu khoa học"
(Dân trí) - Đề xuất Nhà nước chi ngân sách cho hoạt động nghiên cứu, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho rằng chỉ có mạnh dạn đầu tư, chấp nhận thất bại, Việt Nam mới song hành cùng các nước trong phát triển khoa học.
Góp ý về Nghị quyết thí điểm một số chính sách tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong phiên thảo luận sáng 17/2, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng trong thực hiện và nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học, cần chia rõ 2 lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, bởi mục đích, cách tiến hành và sản phẩm cuối cùng của 2 lĩnh vực này rất khác nhau.
Cần chính sách đột phá cho những hướng đi mới
Theo ông, mục đích của nghiên cứu cơ bản là xây dựng một nền khoa học bền vững, tiếp cận với khu vực và thế giới. Cách tiến hành cần thời gian đầu tư từ con người đến cơ sở vật chất, và hiệu quả sẽ đánh giá bằng các phát minh sáng chế.
"Nguy cơ không thành công của nhóm này khá cao, đầu tư tốn kém thời gian và tiền bạc nên chúng ta rất hiếm có những nghiên cứu được nguồn ngân sách đầu tư theo hướng này", vị đại biểu nhận định.
![Mạnh dạn đầu tư, chấp nhận thất bại trong nghiên cứu khoa học - 1 Mạnh dạn đầu tư, chấp nhận thất bại trong nghiên cứu khoa học - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/FDllnJYJH6kulPwGC5vC1WUPi7U=/thumb_w/1020/2025/02/17/202502171011010039z63248195212529247101008d94f18c6237e46f4b04f60-edited-1739769416942.jpeg)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu mong Nhà nước mạnh dạn đầu tư và chấp nhận rủi ro cho hoạt động nghiên cứu khoa học (Ảnh: Hồng Phong).
Ghi nhận việc gần đây đã có một số tập đoàn, tổng công ty bỏ tiền vào các quỹ tài trợ nghiên cứu và thu được thành quả nhất định, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề xuất học tập theo cách lựa chọn, nghiệm thu như một số đơn vị tư nhân đã làm đối với các nghiên cứu cơ bản.
Theo ông, có thể chấp nhận đầu tư nguồn ngân sách nhất định trong tổng ngân sách quốc gia, ví dụ như 30% cho các nghiên cứu cơ bản và 70% cho nghiên cứu ứng dụng. "Mạnh dạn đầu tư, chấp nhận thất bại, chỉ có vậy chúng ta từng bước mới song hành cùng các nước trong khu vực", ông Hiếu nói.
Bên cạnh đó, ông cho rằng cần có chính sách đột phá để triển khai những hướng đi mới trong nghiên cứu khoa học.
Dẫn chứng việc thành lập một phòng thí nghiệm động vật ở Việt Nam, đại biểu Hiếu nhìn nhận việc này không hề dễ dàng.
Qua tiếp xúc với nhiều tổ chức, cá nhân khi làm thực nghiệm trên động vật ở Thái Lan, Singapore hay Trung Quốc, ông Hiếu chia sẻ ban đầu họ rất hào hứng nghiên cứu nhưng khi tìm hiểu thực tế đều lắc đầu trước một rừng thủ tục.
"Tôi nghĩ chỉ có Nhà nước mới đủ tiềm lực để xây dựng một phòng thí nghiệm động vật đầu tiên của Việt Nam. Đây có thể là dấu ấn của nghị quyết, nhưng với ngân sách 500 tỷ đồng cho các phòng thí nghiệm trọng điểm, khả năng này còn rất xa vời", vị đại biểu chia sẻ.
Đề cập đến chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho rằng đây là vấn đề rất cấp bách, vì để phát triển ngành khoa học và công nghệ mới, nhân sự luôn là cơ bản nhất.
![Mạnh dạn đầu tư, chấp nhận thất bại trong nghiên cứu khoa học - 2 Mạnh dạn đầu tư, chấp nhận thất bại trong nghiên cứu khoa học - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/yxiPCXCZNW81i7Fgkmq16op7rgE=/thumb_w/1020/2025/02/17/202502170904572641z6324575667892d0fc89ee29ea1463985b35740aecfa51-1739769387700.jpg)
Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Ảnh: Hồng Phong).
Theo ông, phải có chính sách tạo điều kiện để các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu có thể tuyển dụng đội ngũ chuyên gia người Việt ở nước ngoài cũng như chuyên gia quốc tế tham gia đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài ở Việt Nam, thông qua các chính sách như hỗ trợ về thị thực, miễn giảm thuế và các chính sách khác.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng đồng tình có các chính sách hiệu quả hơn nữa cho việc trọng dụng nhân tài trong việc nghiên cứu khoa học.
Ông nêu thực tế việc bổ nhiệm trưởng phòng trong một đơn vị đang vướng rất nhiều quy định. "Rất mong nghị quyết sẽ mở đường, hướng đi mới để thu hút những thanh niên đầy nhiệt huyết về nghiên cứu khoa học, công nghệ trong cả nước", ông nói.
Nghiên cứu phải có rủi ro
Làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ nghiên cứu bản chất phải có rủi ro, và đây cũng là lĩnh vực đầu tư có rủi ro cao.
Ông cho biết Nghị quyết lần này thí điểm cơ chế khoán chi đối với hầu hết nghiên cứu khoa học mà không phải cam kết kết quả cuối cùng.
![Mạnh dạn đầu tư, chấp nhận thất bại trong nghiên cứu khoa học - 3 Mạnh dạn đầu tư, chấp nhận thất bại trong nghiên cứu khoa học - 3](https://cdnphoto.dantri.com.vn/AdJFT--_RWtKlC-U0ZVvnE9nzJI=/thumb_w/1020/2025/02/17/202502171058575538z6325018879215fa3ba1afb6ce9a1253adeedb02372f35-1739769387710.jpg)
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh nghiên cứu phải có rủi ro (Ảnh: Hồng Phong).
Nhà nước cũng sẽ quản lý thông qua đánh giá các giai đoạn nghiên cứu để tiếp tục cấp kinh phí; đánh giá các cơ sở nghiên cứu có kết quả để giao thực hiện tiếp các đề tài. Bên cạnh đó, Nghị quyết còn cho phép Nhà nước cấp tiền cho nghiên cứu thông qua cơ chế quỹ. Nghị quyết quy định miễn trách nhiệm dân sự và không phải hoàn trả kinh phí nếu nghiên cứu không đi đến kết quả như dự kiến.
Việc phân biệt nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, ông Hùng kỳ vọng lần này sẽ có chính sách, cơ chế khác nhau để tạo thông thoáng cho cả hai lĩnh vực, đi kèm với việc chi ngân sách Nhà nước cho khoa học công nghệ tăng từ 1% lên tối thiểu 2%, như quy định của Luật Khoa học công nghệ.
Nêu thực tế hiện nay, chi cho nghiên cứu phát triển là 0,5% GDP - mới được 1/4 so với mục tiêu 2% GDP, ông Hùng nhấn mạnh rất cần chính sách, cơ chế đột phá để kích thích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ.
Về thương mại hóa kết quả nghiên cứu, Bộ trưởng nhìn nhận đây cũng đang là điểm nghẽn lớn. Kết quả nghiên cứu phải được thương mại hóa mới góp phần cho phát triển kinh tế xã hội, theo lời ông Hùng.
Nghị quyết lần này cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu với tài sản hình thành từ nghiên cứu để chủ động thương mại hóa ngay sau khi kết thúc nghiên cứu. Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được phép tham gia vào điều hành doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng, đây là những chính sách rất mạnh mẽ về thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
"Kết quả nghiên cứu được thương mại hóa, Nhà nước sẽ thu được thuế, tạo công ăn việc làm, đất nước có trình độ khoa học công nghệ hơn. Đây là cách thu hồi gián tiếp của Nhà nước đối với các khoản chi cho khoa học công nghệ", Bộ trưởng nhấn mạnh.