Mạng viễn thông gặp sự cố, hơn 800 tàu cá gặp khó trong liên lạc trên biển
(Dân trí) - Mạng viễn thông gặp sự cố, hàng trăm tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, liên lạc chập chờn khiến ngư dân "thiệt đơn thiệt kép", gây khó khăn trong việc quản lý, cứu nạn cứu hộ.
Ngư dân "thiệt đơn thiệt kép"
Tàu cá QB 91786 TS của anh Nguyễn Hải Linh, trú xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) chuyên hoạt động thu mua hải sản trên biển. Tuy nhiên, thời gian gần đây, anh Linh phải cho tàu nằm bờ vì khó khăn trong việc liên lạc trên biển, nguyên nhân vì mạng viễn thông gặp sự cố.
Theo anh Linh, anh đang sử dụng thiết bị giám sát hành trình và sử dụng mạng viễn thông VNPT. Tuy nhiên hơn 1 tháng qua, mạng viễn thông của đơn vị này liên tục bị lỗi, chập chờn, lúc có lúc không, thậm chí "mất sóng" 2 đến 3 ngày liền.
Được biết, tại Quảng Bình có khoảng 800 tàu cá đang sử dụng mạng viễn thông VNPT, việc mạng bị sự cố đang khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.
"Tàu chúng tôi chuyên thu mua hải sản cho ngư dân trên biển, không liên lạc được, không nắm bắt được vị trí, nhu cầu của các tàu cá thì làm sao mà thu mua. Ngư dân ra khơi chẳng thể liên lạc về đất liền, khiến gia đình cũng bất an theo", anh Linh chia sẻ.
Cũng theo các ngư dân tại Quảng Bình, sóng viễn thông hoạt động không ổn định, ngư dân chính là người "thiệt đơn thiệt kép". Bởi, trước mỗi chuyến đi biển, thiết bị hoạt động tốt, tàu mới được cơ quan chức năng cho phép xuất bến vươn khơi đánh bắt cá. Nếu thiết bị không có sóng, tàu sẽ không được xuất bến.
Đó là chưa nói đến việc tàu đang hoạt động trên biển, nếu trong vòng 6 giờ đồng hồ không bấm được định vị, chuyến đi biển đó sẽ không được công nhận và ngư dân không nhận được tiền hỗ trợ nhiên liệu của nhà nước.
Nghiêm trọng hơn, khi đang đánh bắt trên biển, tàu xảy ra trục trặc, sự cố sẽ rất nguy hiểm, ngoài ra nếu tàu không có định vị tọa độ, sẽ không được phía bảo hiểm bồi thường thiệt hại.
Còn với những người mẹ, người vợ có chồng, con ngày ngày lênh đênh trên biển, khi mạng viễn thông hoạt động chập chờn, cũng khiến họ nơm nớp, "hồn treo cột buồm". Nỗi lo càng nhân lên khi mới đây, 4 tàu cá Quảng Bình không may chìm trên biển, 10 ngư dân đang mất tích.
Do sự cố vệ tinh
Tỉnh Quảng Bình có trên 1.200 tàu đánh bắt xa bờ, theo quy định các tàu cá này đã lắp thiết bị giám sát hành trình.
Tuy nhiên, do hệ thống mạng viễn thông mất kết nối với thiết bị giám sát hành trình nên hàng trăm tàu cá đang hoạt động trên biển bị mất tín hiệu với trạm bờ, gây khó khăn cho việc quản lý.
"Việc mất hệ thống giám sát hành trình sẽ khiến cơ quan chức năng không nắm bắt được tàu cá hoạt động vùng nào, hay ranh giới nước ngoài. Không liên lạc được với các tàu để ứng cứu, hỗ trợ khi có các vấn đề xảy ra trên biển", Đại úy Phạm Quang Hùng, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Nhật Lệ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho hay.
Hiện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình vẫn cho phép tàu ra khơi, nhưng phải sử dụng máy nhắn tin và bộ đàm tầm xa VX 1.700 đã lắp cách đây trên 10 năm, để báo vị trí hoạt động vào đất liền. Đồng thời hướng dẫn người dân lắp đặt và cập nhật lại dữ liệu tàu cá của mình để thuận lợi khai thác thủy sản trên biển.
Liên quan đến vấn đề mạng viễn thông chập chờn, Bà Trương Thị Hoàng Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Quảng Bình, lý giải, đây là sự cố vệ tinh ngoài mong muốn của đơn vị cung cấp dịch vụ.
VNPT đang phối hợp với các đơn vị liên quan, các đối tác cung cấp dịch vụ vệ tinh để xử lý, khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất.