Mầm bệnh từ nước thải bệnh viện “vô tư” ra môi trường
(Dân trí) - Nước thải từ các phòng phẫu thuật, phòng xét nghiệm, thí nghiệm, từ các nhà vệ sinh, khu giặt là của bệnh viện… với những mầm bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm đang ngày đêm chạy thẳng vào hệ thống thoát nước chung của thành phố mà không qua xử lý.
Hết rác thải đến nước thải
Cách đây hơn 1 năm, bệnh viện Việt Đức đã trở thành tiêu điểm trong dư luận khi Cục cảnh sát môi trường C36 bắt quả tang hành vi vận chuyển chất thải nguy hại trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường từ Bệnh viện này.
Qua xác minh của cơ quan điều tra, trong suốt 5 năm, gần 300 tấn rác thải y tế đã được tuồn ra từ bệnh viện này như vỏ lọ thuốc bằng nhựa, thuỷ tinh các loại, dây truyền dịch bằng nhựa, túi ni lông chứa bơm tiêm, bơm tiêm… Toàn bộ số rác thải này được nghiền thành bột để sản xuất đồ gia dụng, thậm chí chúng còn được tái chế thành những chiếc thìa nhựa cho trẻ em dùng! Bệnh viện Việt Đức đã bị phạt 20 triệu đồng về hành vi đổ chất thải trái phép gây ô nhiễm môi trường.
Thiết tưởng sau sự việc trên, bệnh viện Việt Đức sẽ có ý thức trách nhiệm hơn đối với người dân, với môi trường. Song ngày 1/10/2008 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở tài nguyên môi trường Hà Nội chủ trì đã tiến hành kiểm tra và phát hiện, đơn vị này tiếp tục gây ô nhiễm môi trường nhưng không phải là rác thải mà bằng xả nguồn nước thải trực tiếp qua môi trường mà không qua xử lý.
Không chỉ có bệnh viện Việt Đức, bệnh viện phụ sản Hà Nội mỗi ngày cũng xả tới 300m3 nước thải bệnh viện ra môi trường.
Bệnh viện Lao phổi T.Ư có quy mô phục vụ 400 giường bệnh. Theo hồ sơ bệnh viện cung cấp, bệnh viện đã có hệ thống xử lý nước thải vi sinh, với công suất 600 m3 ngày đêm. Công suất xả thải của bệnh viện bình quân mới chỉ 250m3/ngày đêm. Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra liên ngành của Sở TN&MT, Cảnh sát môi trường kiểm tra ngày 10/10 vừa qua thì nước thải từ bể thu gom không được bơm lên hệ thống xử lý mà được xả trực tiếp ra môi trường. Bệnh viện cũng không có thiết bị đo lưu lượng nước thải.
Theo tính toán của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, lượng nước thải từ các bệnh viện ở nội thành Hà Nội vào khoảng 6.000m3/ngày, trong đó phần lớn nước thải không qua hệ thống xử lý, xả thẳng vào cống thoát nước chung của thành phố.
Nơi bảo vệ cũng chính là nơi gây hại
Nước thải bệnh viện bao gồm nước thải từ các phòng phẫu thuật, phòng xét nghiệm, phòng thí nghiệm, từ các nhà vệ sinh, khu giặt là… có khả năng lan truyền rất mạnh các vi khuẩn gây bệnh, nhất là đối với nước thải được xả ra từ những bệnh viện hay những khoa truyền nhiễm, lây nhiễm.
Ông Jordan Ryan - nguyên Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đã từng cho biết, 80% các trường hợp bệnh tật ở Việt Nam hiện nay là do nguồn nước bị ô nhiễm. Con số này cũng đủ để thấy những tác hại kinh hoàng do nguồn nước thải gây ra, trong đó một phần lớn là từ nước thải bệnh viện.
Nhưng vì sao các bệnh viện vẫn cố tình xả nước thải y tế thẳng ra môi trường mà không qua xử lý, bất chấp các quy định về pháp luật cũng như những hậu quả mà gây ra từ việc làm này?
Việc không có hệ thống xử lý nước thải tại các bệnh viện đã tồn tại từ nhiều năm nay. Theo lý giải của các bệnh viện đang “vô tư” xả nước thải y tế ra môi trường thì, họ có ý thức trong việc phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường, nhưng bệnh viện đang chờ cấp trên phê duyệt, cấp kinh phí… Vì vậy, từ đó đến nay, họ vẫn phải xả nước thải không qua xử lý ra môi trường!
Không ai phủ nhận việc thiếu kinh phí có thể khiến các bệnh viện “lực bất tòng tâm” trong việc ngăn chặn nguồn nước thải y tế gây ô nhiễm đối với cộng đồng, với môi trường. Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là cái cớ của một số nơi thực sự không muốn làm, cho dù có đủ kinh phí. Chẳng hạn như ở bệnh viện phụ sản Hà Nội, nhưng trong khi chờ được phê duyệt xây hệ thống xử lý nước thải, Bệnh viện này đã được phê duyệt dự án xây dựng tòa nhà 11 tầng phục vụ việc khám chữa bệnh của bệnh nhân.
Lan Hương