ĐBSCL:
Mai vàng “hồi hộp” chờ được đưa về phố
(Dân trí) - “Thời tiết ngày càng khắc nghiệt nên có mùa mai vàng như ý không chỉ phụ thuộc vào 1, 2 tháng cận tết mà là cả một quá trình chăm sóc trong năm”, anh Nguyễn Văn Lực - chuyên trồng mai vàng ở làng hoa kiểng Phó Thọ, Bình Thuỷ, TP Cần Thơ cho biết.
Vào những ngày này, đến các làng hoa kiểng ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhất là các nhà vườn kinh doanh mai Tết đã rộn ràng chuẩn bị đón Tết. Tuy nhiên, thị trường hoa kiểng Tết năm nay có vẻ trầm lắng, sức mua tính đến thời điểm hiện tạ chưa cao. Lẽ ra, vào thời điểm nầy đã có nhiều thương lái đến đặt hàng, gom hàng, nhưng không khí vẫn còn bình lặng khiến cho nhiều người không khỏi lo âu.
Nhiều nhà vườn ở làng hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp) và Chợ Lách (Bến Tre) cho biết năm nay bà con rất quan tâm đến việc chọn giống và cân nhắc số lượng cây trồng để tránh tình trạng “hàng nhiều ế chợ”. Nếu như hồng, cúc, vạn thọ và các loại kiểng bông, kiểng màu là đặc trưng của Sa Đéc và làng hoa kiểng Phó Thọ, Bà Bộ (quận Bình Thuỷ, Cần Thơ) thì kiểng tắc, kiểng thú là thế mạnh của Cái Mơn, (huyện Chợ Lách, Bến Tre) đặc biệt là mai vàng. Phòng Kinh tế huyện Chợ Lách cho biết năm rồi Cái Mơn xuất đi 7 triệu giỏ, trong đó mai vàng chiếm tới 1/3.
Ông Lê Văn Út, người chuyên sản xuất mai Tết ở làng mai Phú Hội, cho biết, ấp Phú Hội có 265 hộ, trong đó có trên 80% hộ trồng mai, bình quân mỗi hộ thu nhập từ vài chục triệu đến 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, hai năm gần đây do số mai quá nhiều nên giá thành phải hạ xuống, trong khi giá vật tư và công lao động tăng cao nên lợi nhuận bị giảm xuống. Nhưng được cái, năm nay mai không có hiện tượng ra hoa sớm như năm rồi, bà con cũng bớt lo hơn.
Ông Tiêu Hùng Minh, Phó ban đại diện làng mai truyền thống Phước Định (Vĩnh Long) thì phấn khởi và tin tưởng rằng mai tết năm nay vẫn phát triển bình thường, không có gì phải lo ngại. Tuy năm nay, cuối tháng 12 thời tiết hơi lạnh nhưng không kéo dài nên cũng không ảnh hưởng gì. Điều quan trọng là người trồng phải biết theo dõi diễn biến thời tiết mà xử lý phân, thuốc, nước sao cho hợp lý và đúng kỹ thuật, để giúp mai ra hoa đúng tết khoảng 75% là đạt yêu cầu.
Bà Lê Thị Kim Vân, Bí thư kiêm Trưởng ấp Phước Định 2 cho biết làng mai Phước Định có 200/330 hộ trồng mai vàng, đa số bà con thoát nghèo và vươn lên khá giả là nhờ cây mai. Người trồng ít nhất cũng vài chục cây, thu nhập khoảng vài chục triệu/ năm, người trồng nhiều nhất vài trăm cây, thu nhập vài trăm triệu. Bản thân gia đình bà trồng được 300 cây trong chậu, năm 2012 sau khi trừ hết các chi phí vẫn còn lời trên 100 triệu đồng.
Riêng anh Anh Nguyễn Văn Lực – chuyên trồng mai vàng ở làng hoa kiểng Phó Thọ, Bình Thuỷ, TP Cần Thơ có hơn 15 năm kinh nghiệm trong việc trồng mai cho biết: “Mấy năm trở lại đây, thời tiết mỗi ngày một khó khăn nên dân trồng mai nói riêng, bà con trồng hoa kiểng nói chung phải sử dụng phân thuốc và tốn nhiều công sức lắm mới có mùa hoa tết như ý. Bởi vậy, nếu không biết cách chăm sóc, theo dõi thời tiết, sức khoẻ của cây mai,… thì dù chạy nước rút 1,2 tháng cận tết, chẳng cứu vãn được chuyện mai ngậm nụ hay nở sớm, bông ít,…”
Hiện vườn mai của anh có gần 200 gốc mai lớn nhỏ (mai ghép, mai nguyên thuỷ - PV), rút kinh nghiệm năm rồi mai nở chậm, năm nay, tuỳ theo nụ nhỏ lớn, vợ chồng anh Lực đã lật lá mai từ mùng 6 âm lịch (đối với nụ còn nhỏ - PV) và lật lá đến 15 âm lịch là kết thúc. Song song với công việc lật lá mai là công việc vệ sinh thân cây, chậu, cắt tỉa,…để chờ thương lái đến đưa về phố. Tuy nhiên theo anh Lực vẫn chưa thấy thương lái đến “thăm hỏi” nên cũng thấy lo.