1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Mái nhà tranh cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời

(Dân trí) - Trong hương sen ngào ngạt tháng 5, cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời. Từ đây, một ý chí lớn, một nhân cách lớn, một tâm hồn lớn, một khí phách lớn – Hồ Chí Minh được hình thành, để rồi, sau hơn nửa thế kỷ, Người đã đưa đất nước, nhân dân thoát khỏi cảnh lầm than, nô lệ…

Đơn sơ căn nhà nơi Bác Hồ được sinh ra

Làng Hoàng Trù (hay còn gọi là làng Chùa, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) trong những ngày tháng 5 đón hàng vạn lượt người tới thăm. Từ mái nhà tranh đơn sơ, vào một buổi sáng tháng 5 thơm ngát hương sen 127 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cất tiếng khóc chào đời. Đây cũng là nơi Bác Hồ trải qua những năm tháng đầu đời cho đến khi 5 tuổi, theo cha vào Huế.


Căn nhà nhỏ ở Làng Hoàng Trù (còn gọi là Làng Chùa) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời 127 năm trước.

Căn nhà nhỏ ở Làng Hoàng Trù (còn gọi là Làng Chùa) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời 127 năm trước.

Không gian khu di tích Hoàng Trù vẫn được giữ y nguyên như hơn 1 thế kỷ trước. Những gia đình sống xung quanh căn nhà của cụ đồ nho Hoàng Xuân Đường (ông ngoại Bác Hồ) hiện nay đã được di dời, tái định cư nơi khác. Những căn nhà kiên cố, tân thời cũng đã được tháo dỡ để khôi phục, tái hiện một không gian làng quê Trung Bộ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX với mái tranh, vách nứa đơn sơ.

Bộ bàn ghế bằng tre - nơi cụ đồ nho Hoàng Xuân Đường và người con rể Nguyễn Sinh Sắc bàn luận chuyện thế sự
Bộ bàn ghế bằng tre - nơi cụ đồ nho Hoàng Xuân Đường và người con rể Nguyễn Sinh Sắc bàn luận chuyện thế sự

Lối vào nhà cụ đồ nho Hoàng Xuân Đường được tạo bằng hai hàng cây mạn hảo cắt tỉa cẩn thận. Nơi góc vườn, những cây dâu xanh tốt, tỏa bóng – thứ lá đã được bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ dùng để nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa – kế sinh nhai của cả gia đình vào thời điểm đó. Trong vườn, mùa nào thức nấy, ngô, đỗ, lạc luôn tươi tốt, như vẫn in đậm dấu ấn bàn tay tần tảo của người phụ nữ làng Chùa năm xưa.

Bên chiếc bàn con, ông Nguyễn Sinh Sắc dùi mài kinh sử, nuôi chí khoa bảng, giúp dân giúp nước
Bên chiếc bàn con, ông Nguyễn Sinh Sắc dùi mài kinh sử, nuôi chí khoa bảng, giúp dân giúp nước

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ nhưng có tinh thần ham học, học giỏi nên ông Nguyễn Sinh Sắc được ông đồ nho Hoàng Xuân Đường đưa về nuôi nấng, dạy dỗ và gả cô con gái Hoàng Thị Loan cho. Ông Hoàng Xuân Đường “ra riêng” cho vợ chồng con gái một căn nhà tranh vách nứa cùng chái bếp nhỏ ở phía tây khu vườn

Khung cửi bà Hoàng Thị Loan dệt lụa mỗi đêm
Khung cửi bà Hoàng Thị Loan dệt lụa mỗi đêm

Trong ngôi nhà này, ông Nguyễn Sinh Sắc miệt mài học hành, bà Hoàng Thị Loan tần tảo làm ruộng, dệt vải. Cũng nơi đây, những người con Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung lần lượt chào đời. Sự chào đời của cậu bé Nguyễn Sinh Cung vào một sáng ngày hè trời trong xanh, giữa mùa sen nở hoa, thơm ngào ngạt như đánh dấu sự ra đời của một tâm hồn lớn, một khí phách lớn, một ý chí lớn, một nhân cách lớn – Hồ Chí Minh.

Đêm đêm, bên khung cửi, bà Hoàng Thị Loan vừa dệt vải, vừa đưa võng, hát ru con: “À ơi, con ơi mẹ dặn câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch rách thơm /Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền”.

Cánh võng đưa cậu bé Nguyễn Sinh Cung vào giấc ngủ với lời hát ru của bà Hoàng Thị Loan: “À ơi, con ơi mẹ dặn câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch rách thơm /Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền”.
Cánh võng đưa cậu bé Nguyễn Sinh Cung vào giấc ngủ với lời hát ru của bà Hoàng Thị Loan: “À ơi, con ơi mẹ dặn câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch rách thơm /Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền”.

Trong “Ba gian nhà trống nồm đưa võng/ Một chiếc giường con chiếu mỏng manh”, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã trải qua những năm tháng đầu đời cho đến khi lên 5 tuổi, theo cha vào Huế để ông Nguyễn Sinh Sắc thỏa mộng khoa bảng. 11 tuổi, cậu bé Nguyễn Sinh Cung theo cha trở về vinh quy bái tổ, sinh sống ở ngôi nhà do dân làng dựng cho ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở quê nội Làng Sen. Với mong ước con làm việc gì cũng thành công, khi về vinh quy bái tổ (năm 1901), ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã đặt tên cho người con trai thứ 2 khi vào làng là Nguyễn Tất Thành.

Căn nhà 5 gian mái tranh vách đất của cụ Hoàng Xuân Đường
Căn nhà 5 gian mái tranh vách đất của cụ Hoàng Xuân Đường

16 tuổi, chàng thiếu niên có nhiều hoài bão lớn rời quê hương lần thứ 2. Khi trở thành người đứng đầu đất nước, giữa bộn bề công việc, Người chỉ có duy nhất một lần về thăm nơi mình chôn nhau cắt rốn, ngày 9/12/1961, khi đó Người 71 tuổi.

Bước vào ngôi nhà mái tranh vách nứa sau 50 năm xa cách, Người đã đứng lặng thật lâu bên cánh võng – nơi mẹ đã ru anh em Bác lớn lên bằng câu ví Phường Vải, điệu ví mà đến khi đi vào thế giới người hiền, Bác muốn được nghe thêm một lần…

Mọi vận dụng trong căn nhà của cụ đồ nho Hoàng Xuân Đường (ông ngoại Bác Hồ) vẫn được giữ nguyên như sự thanh bạch, đơn sơ vốn có của một nhà nho yêu nước ở xứ Nghệ cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX
Mọi vận dụng trong căn nhà của cụ đồ nho Hoàng Xuân Đường (ông ngoại Bác Hồ) vẫn được giữ nguyên như sự thanh bạch, đơn sơ vốn có của một nhà nho yêu nước ở xứ Nghệ cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX

Sau 127 năm, mái nhà tranh đơn sơ vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Những vật dụng dù nhỏ nhất cũng được cán bộ, nhân viên Khu di tích Kim Liên sưu tầm, phục dựng và gìn giữ.

Tháng 5, Làng Hoàng Trù đón hàng vạn người dân đến thăm nơi Bác Hồ sinh ra
Tháng 5, Làng Hoàng Trù đón hàng vạn người dân đến thăm nơi Bác Hồ sinh ra

“Chúng tôi thực sự xúc động trước sự giản dị, đơn sơ, mộc mạc trong ngôi nhà Bác Hồ được sinh ra và trải qua những năm tháng đầu đời. Sự giản dị, đơn sơ, mộc mạc ấy đã làm nên một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn – một người suốt cả cuộc đời đấu tranh cho độc lập, tự do của đất nước, cho người cày có ruộng, ai cũng có cơm no, áo ấm, ai cũng được học hành”, cựu chiến binh Vũ Xuân Khả (SN 1938, trú tại huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) xúc động chia sẻ.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm