1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ma túy “nước biển” - Cái chết mặn!

Khác với trước, thời gian gần đây, thay vì tìm tới “đá”, “lắc”… trong các buổi thác loạn, dân chơi thường sắm cho mình “nước biển” hay còn gọi là GHB - một loại tiền chất gây ảo giác mới xuất hiện trên thị trường.

Đi tè giữa… sàn nhảy

 

Nghe K. Anh - người đã đưa tôi nhiều lần thâm nhập thực tế trước đây - nói về một loại ma túy mới có tên “nước biển” đang được giới trẻ hiện nay ưa chuộng hơn cả thuốc lắc, “đập đá”, tôi hết sức tò mò.

 

Để tìm hiểu thực hư về ma lực do “nước biển” tạo ra đối với dân chơi, theo chân K. Anh, tôi đã có mặt tại một quán bar nằm gần Ngã Tư Sở (Hà Nội) vào một ngày cuối tuần, khi kim đồng hồ đã điểm 23h. Sau khi làm xong các thủ tục, chúng tôi được một nam nhân viên phục vụ mở cánh cửa cho vào trong.

 

Cánh cửa vừa mở hé, tôi choáng váng bởi thứ âm thanh tức ngực phát ra từ hàng chục chiếc loa thùng bài trí xung quanh bar. Vừa thấy tôi cùng K. Anh đi vào, một cu cậu chạc ngoài 20 tuổi đưa chúng tôi đến một chiếc bàn đã bày sẵn 5 chai rượu Remy Martin X.O (loại 700ml/chai).

 


Ma túy “nước biển” - Cái chết mặn! - 1

Vũ trường, quán bar thường là nơi mà dân sử dụng “nước biển” - GHB thích lui tới.

 

Nhập cuộc được khoảng 30 phút, cu cậu choai này liền lôi từ trong túi quần ra một chai nhựa khoảng 50ml, có đựng thứ nước trong không màu, đưa cho các thành viên đang nhún nhảy theo điệu nhạc uống. K. Anh giải thích: ““Nước biển” đấy! Chơi không?”.

 

Đúng như những gì K. Anh đã quảng cáo, chưa đầy 10 phút sau, các thành viên trong nhóm của K. Anh (5 người) ai nấy đều mắt lim dim, lắc giật điên cuồng theo điệu nhạc. Thứ “nước biển” như có ma lực kích thích người sử dụng, đúng như K. Anh không ít lần khen: “Thuốc lắc sao bằng “nước biển” được…!”.

 

Cơn lắc giật điên loạn cứ thế diễn ra cho đến khi một thành viên trong nhóm uống thêm một nắp nhựa dung dịch “nước biển” nữa và bị ba nhân viên bảo vệ của quán bar “nhấc” ra ngoài. Nguyên nhân cũng bởi trước đó cu cậu này đã có hành động tè bậy ngay trong sàn…

 

Không chỉ nhóm K. Anh biết và sử dụng “nước biển” như một thứ thuốc kích thích khi lên sàn mà một bộ phận không nhỏ dân chơi là giới trẻ hiện nay cũng đã biết đến loại “độc chất” này. Nhiều dân chơi đánh giá, độ phê, sự kích thích của “nước biển” còn gấp nhiều lần so với thuốc lắc, ma túy “đá” thông thường. Đặc biệt, theo các dân chơi này, vì mới xuất hiện trên thị trường nên khi sử dụng “nước biển” sẽ ít bị để ý hơn. Thực tế này đã và đang cảnh báo về nguy cơ tấn công giới trẻ của “nước biển” trong thời gian sắp tới.

 

Phía sau cái gọi là “nước biển”

 

“Nước biển” hay GHB, “Vitamin G”… chính là cách gọi của dân chơi dùng cho chất Gamma hydroxy axit butyrat. Nguyên thủy, “nước biển” là một hợp chất dùng để lau sạch các mạch điện tử. Nó có dạng dung dịch lỏng không mùi, có vị hơi mặn hoặc được cố kết thành dạng bột trắng, viên nén (dạng này ít)… Trong một số trường hợp, nó còn là chất dẫn truyền thần kinh gây ngủ, phát triển cơ bắp.

 

Tuy nhiên, những năm gần đây, “nước biển” đã trở nên biến tướng, được nhiều dân chơi (ở nước ngoài) ưa chuộng, sử dụng trong các cuộc ăn chơi thác loạn. Do đó nó đã bị cấm. Còn tại Việt Nam, sự bành trướng của “nước biển” trong thời gian qua chưa lớn. Nó chỉ mới xuất hiện và được dân chơi biết đến độ khoảng hai tháng trở lại đây.

 

“Nước biển” mà một bộ phận dân chơi sử dụng ở Hà Nội thời gian qua thường được đựng trong các chai nhựa có dung tích dao động từ 50 - 100ml. Song bên cạnh đó, có một số “đầu nậu” còn nhập nguyên các chai loại to (500- 750ml) từ nước ngoài về san nhỏ ra để phân phối cho khách hàng. Mỗi chai “nước biển” loại 50ml có giá dao động từ 800.000đ - 1.400.000đ.

 

Ma túy “nước biển” - Cái chết mặn! - 2
Dân chơi thường dùng nắp chai để đong “nước biển” - GHB.

 

Trong mỗi buổi thác loạn, dân chơi có sức thì cũng chỉ uống được 2-3 nắp lavie “nước biển” (khoảng 10ml) là phê. Còn dân chơi mệt mà sử dụng quá ngưỡng trên sẽ bị ngộ độc, không thể kiểm soát được hành động của mình. Chính điều này đã lý giải vì sao khi đang lắc lư điên loạn mà cu cậu trong nhóm của K. Anh lại đi tiểu ngay giữa chỗ đông người để rồi nhân viên bảo vệ của bar phải tống ra ngoài.

 

Mặt khác, để không bị phát hiện tại các quán bar, vũ trường… dân chơi thường chắt “nước biển” ra các chai thuốc nhỏ mắt đem theo người. Khi sử dụng, số dân chơi này chỉ việc lấy ra thao tác như nhỏ thuốc vào mũi, vào mắt… là ok.

 

Để hiểu rõ thêm về những vấn đề có liên quan, chúng tôi đã có buổi trao đổi với đại diện Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Thạc sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa H (chuyên điều trị các rối loạn liên quan đến lạm dụng chất) cho biết: “Nước biển” chỉ là tên gọi đường phố của dân chơi thác loạn. Chứ thực tế nó có tên khoa học là Gamma hydroxy axit butyrat (hoặc Gamma hydroxy axit butyric) viết tắt là GHB - một dạng ma túy dạng lỏng xuất hiện thị trường “đen” từ nhiều năm trước đây. Hoạt chất này có tác dụng nhanh chóng đối với người sử dụng sau khoảng thời gian từ 10-15 phút.

 

“Nước biển” sau khi xâm nhập vào trong cơ thể thường khiến con người ta cảm thấy hưng phấn, xuất hiện ảo giác, kích thích hoạt động (nhất là ở nơi có âm thanh mạnh như: vũ trường, quán bar, karaoke…). Đặc biệt, khi sử dụng nhiều “nước biển”, cơ thể, sức khỏe của dân chơi sẽ bị suy nhược. Hệ thần kinh bị rối loạn; làm giảm nhịp đập của tim, hệ hô hấp; buồn nôn, chóng mặt; trí nhớ giảm... Thậm chí còn bị co giật, tử vong nếu như khi bị sốc “nước biển” mà không được cấp cứu, chữa trị kịp thời.

 

Trước thực trạng đáng báo động trên, theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Tuấn, mặc dù bệnh nhân nhập viện do lạm dụng “nước biển” hiện tại chưa có, song đây là một loại ma túy gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Do đó, người dân mà đặc biệt là bạn trẻ cần cảnh giác trước những hệ lụy mà nó gây ra.

 

Cũng liên quan đến “nước biển” - GHB, năm 2007, Bộ Y tế cũng đã có Thông tư về việc hướng dẫn việc quản lý thuốc chữa bệnh cho người theo đường xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch. Theo đó, GHB là hoạt chất nằm trong danh mục bị cấm xuất khẩu, nhập khẩu theo đường phi mậu dịch.

 

Để ngăn chặn sự tấn công của “nước biển” đối với giới trẻ, xã hội hiện nay, các cơ quan chức năng hữu quan cần sớm phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm hữu quan.

 

Theo Trần Huy

Công an nhân dân