Ly kỳ chuyện tử hình voi “thiếu úy”
Bản án tử hình động vật hi hữu này thuộc về chú voi được phong quân hàm thiếu úy có tên Bạc Nòi, diễn ra vào năm 1982, tại xã biên giới Kim Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Xung quanh “cuộc đời, sự nghiệp” của chú voi đặc biệt này là những câu chuyện ly kỳ, ít người biết.
Phong thiếu úy sau Chiến dịch Ðiện Biên Phủ
Trong biên chế của Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn) những năm đầu mới thành lập có một chiến sỹ đặc biệt, đó là chú voi “thiếu úy” có tên gọi Bạc Nòi. Bạc Nòi được phong quân hàm “thiếu úy” vì có thành tích xuất sắc khi tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hoàn thành sứ mệnh vận chuyển phục vụ chiến trường, Bạc Nòi được chuyển về phục vụ sản xuất kéo gỗ tại Lâm trường Ba Rền, đóng ở xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, thuộc Công ty Liên hiệp Lâm công nghiệp Long Đại. Nhưng sau đó Bạc Nòi phải nhận án “tử hình” vì hành vi “vi phạm pháp luật”.
Trong hành trình tìm hiểu về Bạc Nòi, thật đáng tiếc, hồ sơ gốc về chú voi thiếu úy này không được lưu giữ đầy đủ do nhiều nguyên nhân. Theo thông tin của Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình, hiện ở đây chỉ còn lưu giữ bức ảnh của Bạc Nòi, do tác giả Đình Lượng chụp năm 1973 và một ít thông tin sơ sài.
Bản Làng Ho, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy nằm ở nhánh Tây đường Hồ Chí Minh, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, được Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn) chọn đặt sở chỉ huy tiền phương trong những ngày đầu mới thành lập.
Già làng Hồ Vượng năm nay ngoài 80 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Ông tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn của mình ở bản Làng Ho, ngay cạnh đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Theo lời kể của già làng, Bạc Nòi được đưa đến bản Làng Ho từ cuối năm 1959 bởi một quản tượng người Thanh Hóa. “Miềng nghe cán bộ quản tượng nói, “đồng chí” Bạc Nòi từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, lập được nhiều chiến công xuất sắc nên được phong quân hàm thiếu úy” - già làng Hồ Vượng nhớ lại.
Theo già làng Hồ Vượng, Bạc Nòi có mặt trong những ngày đầu mở đường Hồ Chí Minh, không việc gì là không nhờ đến sức vóc của chú voi “thiếu úy” này. Ngày đó, đường Hồ Chí Minh chỉ là những lối mòn, xe cơ giới chưa thể di chuyển, Bạc Nòi tham gia mở đường, gùi thồ nhu yếu phẩm, đạn dược, vũ khí phục vụ cho chiến trường Trị - Thiên. “Hồi đó một mình “đồng chí” Bạc Nòi làm bằng cả trăm người. Mỗi lần được đi cùng chuyến với Bạc Nòi, sướng nhất là không phải mất sức mở đường, vì Bạc Nòi đi trước làm hết việc rồi” - già làng Hồ Vượng kể.
Ngoài cái tên Bạc Nòi, khi về phục vụ chiến đấu ở Đoàn 559, Bạc Nòi còn có tên khác là “Voi Ngà thiếu úy” và Bạc Khun. Đây là hai cái tên mà đồng bào Vân Kiều trìu mến đặt cho Bạc Nòi. Ông Hồ Vai (72 tuổi) ở bản Ho Rum giả thích: Sở dĩ bà con gọi Bạc Nòi là “Voi Ngà thiếu úy” vì nó có hai cái ngà to và dài lắm; còn “Bạc Khun” là vì nó rất khun (khôn, thông minh), nói là hiểu, đồng cảm và chia sẻ như người vậy.
“Bản án” tử hình đẫm nước mắt
Năm 1967, khi phương thức vận chuyển thô sơ không còn hiệu quả, Bạc Nòi được chuyển giao về Lâm trường Ba Rền để tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như, khai thác gỗ phục vụ sản xuất, làm cầu, mở đường...
Ông Nguyễn Văn Lộc là cán bộ Lâm trường Ba Rền được giao nhiệm vụ quản tượng của Bạc Nòi từ khi được chuyển giao về cho đến năm 1971 nhớ lại: “Suốt 4 năm quản nó, tôi chưa bao giờ dùng búa, bởi Bạc Nòi rất hiền lành và dễ mến. Nó như đọc được suy nghĩ của tôi, hiểu quản tượng cần nó làm gì chỉ qua ánh mắt”. Đầu năm 1971, ông Lộc chuyển công tác, Bạc Nòi lần lượt qua tay một số quản tượng khác. Năm 1973, ông Trương Đình Đá là người được giao nhiệm vụ quản Bạc Nòi cho đến lúc nó bị “tử hình” vào đầu năm 1982.
Nhà ông Trương Đình Đá nằm cạnh đường 11, ngay địa phận Lâm trường Ba Rền. Trong 9 năm trực tiếp quản Bạc Nòi, ông Đá nói, chưa bao giờ ông xem Bạc Nòi là một con vật mà luôn đối xử với nó như một người bạn. Cũng giống như những người quản tượng chúng tôi đã gặp, ông Đá luôn dành những lời khen ngợi đối với Bạc Nòi.
Ông Đá và những người bạn cùng thời ở Lâm trường Ba Rền dẫn chúng tôi vào một khoảng đất trống cạnh con suối ngay dưới ngầm Cờ Đỏ, cách nhà ông Đá khoảng 1km đường chim bay. Đây chính là nơi mà cánh đây 37 năm, Bạc Nòi nằm lại sau bản án tử hình.
Sửa soạn hương, hoa, gạo, đường, thành tâm hương khói cầu nguyện cho Bạc Nòi, ông Đá không cầm được nước mắt. Ông Đá kể: Đầu năm 1982, Bạc Nòi bỗng nhiên bị điên, trở tính, khó bảo, thường xuyên phá phách và rượt đuổi công nhân khiến cho hàng trăm con người ở Lâm trường Ba Rền phải sống trong cảnh nơm nớp lo âu. Đỉnh điểm, Bạc Nòi phá tan nhiều xe, máy của lâm trường và còn quật chết 2 người. Không còn cách nào khác, lãnh đạo lâm trường phải báo cáo lên cấp trên, làm văn bản gửi Bộ Lâm nghiệp (cũ) xin lệnh “tử hình” Bạc Nòi.
Ông Đá nhớ lại: “Chiều hôm đó, tôi và Bạc Nòi từ rừng ra sau một ngày làm việc cật lực. Tôi xích Bạc Nòi vào gốc cây như thường lệ và về kho lấy thức ăn cho nó. Khi tôi cho nó ăn, bổng dưng nó nổi điên dùng vòi quật tôi ngã nhào ra đất. Tưởng nó lỡ, tôi mắng nó vài câu rồi về phòng ở khu tập thể. Sáng ra, tôi bàng hoàng khi không thấy Bạc Nòi đâu, một phần dây xích sắt bị đứt còn lại ở gốc cây. Tôi vội vàng chạy đi tìm. Trên đường gặp một số công nhân hốt hoảng thông báo Bạc Nòi đã chạy vào rừng, trên đường đi gặp người và xe là nó lao vào một cách hung dữ. Tôi theo hướng mọi người chỉ dẫn, đến nơi thấy Bạc Nòi đứng cạnh một con suối. Tôi lên tiếng, không như mọi khi, nó gầm lên lao về phía tôi. Thấy không ổn, tôi chạy men theo bìa rừng về báo lại sự việc với lãnh đạo lâm trường”.
Theo ông Đá, sau đó Bạc Nòi không vào rừng xanh mà cứ quanh quẩn trong lâm phần của Lâm trường Ba Rền, tìm công nhân và máy móc thiết bị phá phách. Hành vi “nổi điên” của Bạc Nòi làm hai người chết và gần chục máy móc khai thác gỗ của lâm trường bị hư hại. Đã rất nhiều lần ông Đá âm thầm một mình đi theo Bạc Nòi với hi vọng thuyết phục để nó “hồi tâm chuyển ý” nhưng không thành.
Ngày Lâm trường Ba Rền nhận quyết định tử hình Bạc Nòi từ cấp trên, ông Đá như rụng rời chân tay. Hôm đội xử tử Bạc Nòi lên đường làm nhiệm vụ, ông không dám đi theo, không phải vì sợ mà ông không muốn chứng kiến cảnh đau thương diễn ra với một người bạn của mình. Sau này ông nghe mọi người kể lại, 10 tay súng của lâm trường với những khẩu AK đầy đạn đã đồng loạt khai hỏa khi tìm thấy Bạc Nòi vẩn vơ ở khu vực cạnh con suối ngay dưới ngầm Cờ Đỏ.
Cho đến ngay việc Bạc Nòi bổng dưng “nổi điên” vẫn chưa ai lí giải được. Trong đó có hai luồng ý kiến đáng chú ý: Người ta cho rằng, đầu những năm 80 là giai đoạn khó khăn nhất của đất nước. Cũng như người dân và cán bộ thời đó, Bạc Nòi bị cắt bớt khẩu phần ăn, khiến nó nổi điên; ý kiến khác cho rằng, Bạc Nòi động dục nhưng không có bạn tình nên nó nổi điên…
Theo Hoàng Nam Tiền phong