1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ly kỳ “cắt ngọn” nhà sai phép

(Dân trí) - Một sự việc hiếm gặp: bằng quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND quận Thanh Xuân (Hà Nội), tòa nhà xây dựng sai phép 53-55 Nhân Hòa đã thoát "án" bị “cắt ngọn” ngay ngày đầu bị cưỡng chế phá dỡ.

Giải cứu
 
Sáng 6/9/2012, các lực lượng chức năng phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã tiến hành cưỡng chế, phá dỡ công trình xây dựng sai phép tại số nhà 53-55 phố Nhân Hòa.
 
Công trình có tổng diện tích đất 142m2, do ông Nguyễn Đức Cương làm chủ đầu tư. Giấy phép xây dựng chỉ cho 8 tầng, nhưng chủ đầu tư đã tự ý xây lên thành 10 tầng. Hiện chủ hộ đã hoàn thành việc xây dựng công trình và chuẩn bị đưa vào sử dụng.
 
Sáng 6/9, khi đoàn cưỡng chế quận Thanh Xuân đưa phương tiện thiết bị vào để tiến hành cưỡng chế thì xuất hiện hàng loạt xe ba bánh dàn trước cửa nhà ngăn cản không cho đoàn cưỡng chế tiếp cận hiện trường. Chủ nhân của hàng chục chiếc xe này tự nhận là có đóng góp cổ phần trong công trình. Phải mất hết buổi sáng, kết hợp với các lực lượng đoàn cưỡng chế mới giải tỏa được đám đông để chuẩn bị dựng dàn giáo phục vụ cho việc cưỡng chế.
 
Khung cảnh cưỡng chế tòa nhà 53-55 Nhân Hòa ngày 6/9
Quang cảnh buổi cưỡng chế tòa nhà 53-55 Nhân Hòa ngày 6/9
 
Tuy nhiên, sự việc bất ngờ đã xảy ra chiều 6/9, khi đoàn cưỡng chế quận Thanh Xuân nhận được thông tin TAND quận Thanh Xuân đã tiếp nhận và thụ lý vụ việc chủ đầu tư công trình kiện quyết định cưỡng chế của UBND quận Thanh Xuân.
 
Sáng 7/9, quận Thanh Xuân nhận được quyết định “Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” tạm đình chỉ quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 53-55 Nhân Hòa của Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân do Thẩm phán Nguyễn Thu Hà ký cùng ngày.
 
Theo quyết định khẩn cấp tạm thời này, TAND quận Thanh Xuân cho rằng việc đình chỉ quyết định cưỡng chế là để “bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được” và “Quyết định có hiệu lực thi hành ngay".
 
Kiện vì lỗi văn bản
 
Trong văn bản báo cáo sự việc lên Thường trực Thành ủy, UBND TP Hà Nôi, quận Thanh Xuân cho biết UBND phường Thanh Xuân Trung đã thiết lập hồ sơ vi phạm trật tự xây dựng, ban hành quyết định đình chỉ ngày 5/4/2011. Tuy nhiên, chủ đầu tư không dừng thi công, tiếp tục vi phạm.
 
Phường báo cáo sự việc lên quận, ngày 24/7 quận ra quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng. Ngày 30/7, ông Cương có đơn gửi phường xin tự thực hiện việc phá dỡ công trình vi phạm theo quyết định của quận va cam kết thực hiện xong trước ngày 15/8.
 
Ông Trần Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung, người có mặt trong ngày cưỡng chế công trình, cho rằng sai phạm ở công trình sai phép này đã rõ khi chủ đầu tư tự nhận sửa sai nhưng không chấp hành. Theo ông Sơn: “Chủ đầu tư đang muốn kéo dài thời gian. Chờ tòa giải quyết xong cũng cũng phải mất vài tháng tới nửa năm, và công trình sai phép vẫn tồn tại”.
 
Khung cảnh cưỡng chế tòa nhà 53-55 Nhân Hòa ngày 6/9
Công trình được chính quyền quận Thanh Xuân xác định vi phạm xây dựng sai phép hai tầng đến nay vẫn chưa bị xử lý
 
Nói về lý do khởi kiện quyết định cưỡng chế phá dỡ của quận của chủ đầu tư, Chủ tịch phường Thanh Xuân Trung cho biết chủ đầu tư dựa vào những lỗi văn bản trong quyết định của cưỡng chế phá dỡ của Chủ tịch UBND quận. “Trong quyết định cưỡng chế có sai hai lỗi, một là địa chỉ thường trú của chủ đầu tư thôn Cự Chính nhưng quyết định ghi là thôn Cự Đình. Hai là sai năm của Nghị định 180, Nghị định này ban hành năm 2007 nhưng trong quyết định cưỡng chế ghi là năm 2012”, ông Sơn cho biết.
 
“Họ chỉ vin vào hai lỗi văn bản đó để kiện. Vụ việc sẽ đơn giản hơn nếu chủ đầu tư thiện chí hợp tác yêu cầu sửa lại văn bản. Tất nhiên, họ kiện còn có những lý do khác đằng sau vụ việc”, ông Sơn nói thêm.
 
Theo Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung, việc cưỡng chế phá dỡ tòa nhà xây dựng sai phép này quận đã thuê đơn vị phá dỡ với tổng số tiền là 242 triệu đồng. Được biết, số tiền này do ngân sách ứng ra trước và chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn trả số tiền trên khi công tác phá dỡ hai tầng của tòa nhà hoàn thành.
 
 Xử lý cả chủ đầu tư và công chức vi phạm trật tự xây dựng
Ngày 26/6, tại cuộc họp giao ban quý 2, người đứng đầu về Đảng, Chính quyền TP Hà Nội đã tỏ rõ quyết tâm chấn chỉnh những sai phạm diễn ra trầm trọng về  trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.
 
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phân tích nguồn lợi từ vi phạm TTXD là rất lớn, nên chủ đầu tư chỉ cần dùng 30% để "chạy", thì sẽ làm hư hỏng cán bộ. Nên cùng với các biện pháp nghiêm khắc xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, TP sẽ huy động nhiều lực lượng cùng tham gia giám sát công tác quản lý TTXD, trong đó có báo chí, các đoàn thể nhân dân…
 
"Phải tập trung xử lý cả chủ đầu tư và công chức có liên quan. Nếu không xử lý tương xứng với hành vi vi phạm thì không thể chấn chỉnh được, tình trạng vi phạm sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều lần", Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
 
Theo nguồn tin riêng của PV Dân trí, liên quan tới sai phạm kéo dài của tòa nhà 53-55 Nhân Hòa, nhiều cán bộ phường Thanh Xuân Trung và quận Thanh Xuân đã bị kỷ luật.
 

 Hà Nội đạt kết quả “thần tốc” trong xử lý lấn chiếm đất

 
Trong cuộc họp giao ban quý II năm 2012, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu đến hết quý III, các quận huyện phải kiên quyết xử lý các vi phạm trật tự xây dựng. Nếu không hoàn thành sẽ bị kỷ luật…
 
Theo một báo cáo mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội, tốc độ xử lý vi phạm lấn chiếm đất của các quận, huyện đã tăng lên rõ rệt. Từ đầu tháng 7 đến 20/9, các quận, huyện đã xử lý xong hơn 400/gần 790 trường hợp vi phạm lấn chiếm đất đai trên địa bàn thành phố.
 
Trường hợp lấn chiếm đất ở xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội
Trường hợp lấn chiếm đất ở xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội
 
Trong cuộc họp giao ban quý II, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đặt nhiệm vụ: “Phải tập trung xử lý cả chủ đầu tư và công chức có liên quan. Nếu không xử lý tương xứng với hành vi vi phạm thì không thể chấn chỉnh được, tình trạng vi phạm sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều lần”.
 
Nhấn mạnh cần phải tập trung cao độ nhằm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tái phát nghiêm trọng hiện nay, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo chính thức giao nhiệm vụ cho chủ tịch UBND 29 quận, huyện, thị xã thành lập các đoàn thanh tra để kiểm tra toàn diện tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý.
 
“Thời hạn tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự trên địa bàn TP là trong quý III-2012. Đây là căn cứ bình xét thi đua. Các địa phương không hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ sẽ bị thuyên chuyển công tác, thậm chí hạ cấp", ông Thảo nói.
 
 Văn Hoàng