Lý do hơn 2.600 cơ sở karaoke, bar... bị đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động
(Dân trí) - Trước khi được phép hoạt động, các cơ sở kinh doanh như quán bar, karaoke... phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH. Tuy nhiên, khi kiểm tra vẫn phát hiện hàng nghìn cơ sở vi phạm.
Bộ Công an vừa chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương thực hiện tổng rà soát, kiểm tra an toàn về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên toàn quốc.
Để tìm hiểu về kết quả của đợt tổng rà soát nói trên, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).
Hơn 40.000 cơ sở vi phạm về PCCC và CNCH
Xin ông cho biết kết quả của đợt tổng rà soát, kiểm tra an toàn về công tác PCCC và CNCH trên toàn quốc?
- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ kết luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCCC và CNCH và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 ngày 7/10/2022 về tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC&CNCH trên phạm vi toàn quốc.
Sau "Chiến dịch 68 ngày đêm", toàn quốc đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra, cụ thể: Hiện tại, toàn quốc hiện có 1.182.722 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC và CNCH theo Phụ lục I Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, đã rà soát, kiểm tra 1.208.025 lượt, đạt 102,14%.
Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý những đơn vị vi phạm về quy định an toàn PCCC và CNCH với 40.238 trường hợp, với tổng số tiền phạt là trên 323 tỷ đồng.
Trong số các cơ sở quản lý về PCCC và CNCH nói trên có 15.161 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường. Từ tháng 9/2022 đến 15/12/2022, cơ quan chức năng đã kiểm tra 22.414 lượt, xử phạt 3.963 trường hợp vi phạm với số tiền gần 29 tỷ đồng. Trong đó, đã tiến hành đình chỉ và tạm đình chỉ là hơn 2.600 trường hợp, khoảng 9.095 trường hợp đang ngừng hoạt động để khắc phục những hạn chế thiết sót liên quan đến PCCC và CNCH.
Theo quy định, bất kỳ cơ sở nào thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC và CNCH trước khi được phép đi vào hoạt động đều phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH. Tuy nhiên, như ông nói thì vẫn còn hàng nghìn cơ sở bị xử phạt, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ liên quan đến an toàn PCCC và CNCH, nguyên nhân là do đâu, thưa ông?
- Theo quy định pháp luật về PCCC và CNCH, trách nhiệm thực hiện công tác PCCC và CNCH trước hết là của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, hộ gia đình. Các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC và CNCH, tùy theo quy mô, tính chất hoạt động phải thực hiện các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH tương ứng trước khi đưa vào hoạt động và phải duy trì đầy đủ các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động.
Tuy nhiên, nhiều cơ sở trong quá trình hoạt động không duy trì đầy đủ các điều kiện an toàn PCCC và CNCH. Dẫn đến, qua quá trình kiểm tra, lực lượng PCCC và CNCH cùng với các lực lượng chức năng có liên quan phối hợp rà soát, kiểm tra đã phát hiện ra rất nhiều các sơ sở vi phạm, đặc biệt là của các cơ sở kinh doanh có điều kiện. Trong đó nổi lên các lỗi liên quan đến tự ý cải tạo, thay đổi quy mô, tính chất hoạt động; không chấp hành các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về khắc phục các tồn tại thiếu sót trong công tác PCCC và CNCH…
Việc này xuất phát từ một số nguyên nhân như: Một số người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, hộ gia đình chưa thực sự quan tâm, còn lơ là, coi nhẹ việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH một năm được kiểm tra 2 lần đối với các cơ sở nguy hiểm về cháy nổ và một năm 1 lần đối với các cơ sở còn lại.
Chính vì vậy, trong 365 ngày của năm, lực lượng chức năng chỉ có nhiều nhất là 2 lần đi kiểm tra và diễn ra trong thời gian từ 1-2 ngày của mỗi lần kiểm tra. Từ đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH rất khó khăn có thể kiểm soát triệt để các lỗi vi phạm tại các cơ sở này, mà đòi hỏi sự tự giác chấp hành các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH từ người đứng đầu, cũng như tất cả các thành viên, người lao động trong cơ sở.
Về vấn đề này, qua đợt tổng rà soát, kiểm tra vừa rồi, Bộ Công an cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở, xử lý đối với tập thể, cá nhân liên quan đến các vi phạm quy định của pháp luật về PCCC và công tác quản lý nhà nước về PCCC. Điển hình là việc xử lý hình sự các cá nhân có liên quan đến vụ cháy cơ sở karaoke tại Bình Dương làm chết 32 người.
Không có vùng cấm trong quá trình kiểm tra an toàn PCCC và CNCH
Ngoài lực lượng PCCC và CNCH, chính quyền cấp cơ sở như xã, phường có trách nhiệm gì trong khâu kiểm tra, đảm bảo an toàn PCCC và CNCH tại các cơ sở nói trên, thưa ông?
- Tại Phụ lục 4 của Nghị định 136 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và CNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, có ghi danh mục các cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý an toàn PCCC và CNCH của Chủ tịch UBND cấp xã.
Trên thực tế, tại nhiều địa phương số lượng cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC và CNCH của Chủ tịch UBND cấp xã là khá lớn. Thông thường, Chủ tịch xã giao trách nhiệm thực hiện công tác tham mưu và tổ chức thực hiện công việc này cho Công an cấp xã. Mặc dù lực lượng Công an cấp xã hiện nay cũng đã chính quy rồi, nhưng số lượng còn ít nên việc thực hiện nhiệm vụ này còn hạn chế, chất lượng chưa cao.
Trong những năm tới đây, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ báo cáo tham mưu các cấp có thẩm quyền để có cơ chế thúc đẩy mạnh mẽ hơn xã hội hóa công tác PCCC và CNCH; khuyến khích sự hình thành các cơ quan, tổ chức có năng lực trong thực hiện công tác tư vấn, hướng dẫn thực hiện các quy định, điều kiện an toàn về PCCC và CNCH. Đồng thời, điều chỉnh các quy định của pháp luật theo hướng người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình phải chịu trách nhiệm chính về công tác PCCC và CNCH tại cơ quan, đơn vị, tổ chức của mình.
Hồi cuối tháng 11/2022 vừa qua, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã ra quyết tạm đình chỉ hoạt động trụ sở Sở Nội vụ Hà Nội vì không đảm bảo an toàn PCCC và CNCH. Nhiều người đánh giá, đây là tín hiệu tích cực trong khâu phòng ngừa cháy nổ, ông nghĩ sao vào điều này?
- Đây là quan điểm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an trong việc thực hiện nghiêm việc tổng rà soát, kiểm tra, xử lý "không có vùng cấm" nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH.
Thời gian tới, tôi cũng đề nghị người đứng đầu các cấp, các ngành cần nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu cơ sở trong thực hiện công tác PCCC tại nơi làm việc và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác phòng ngừa PCCC và CNCH.
Xin cảm ơn ông!