Lượng khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông tăng đột biến trong tháng 10
(Dân trí) - Đầu tháng 10, lượng khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông tăng 10% so với tháng 9. Theo Ban quản lý tuyến metro, đã có 6,5 triệu lượt hành khách được vận chuyển qua 11 tháng khai thác chính thức.
7h sáng, tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông hướng từ bến xe Yên Nghĩa tới Cát Linh đông đúc, vị trí ngồi ở các toa đều đã kín khách.
Qua mỗi điểm dừng, tàu Cát Linh - Hà Đông lại đón thêm hành khách, chủ yếu là dân văn phòng, học sinh và sinh viên. Do khách quá đông không còn chỗ ngồi nên nhiều người phải đứng bám vào tay cầm trong quá trình tàu di chuyển.
Từ đầu tháng 9, khi nhu cầu khách đi tàu tăng cao, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) đã tăng thêm 2 đoàn tàu, nâng tổng số lên 9, giờ cao điểm chạy 6 phút/chuyến, giờ thấp điểm là 10 phút/chuyến, thay vì tần suất đều đặn 10 phút/chuyến như trước.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty Metro Hà Nội cho biết, giờ cao điểm đông khách từ 7h-8h30 sáng và 17h30-18h chiều mỗi ngày. Ngoài thời điểm này, khách thường vắng hơn.
Mỗi ngày, tàu đón khoảng 31.000 lượt khách, trong đó 70% là người đi học, đi làm thường xuyên bằng vé tháng.
"Sau giãn cách do Covid-19, số lượng hành khách tăng cao và đột biến. Đầu tháng 10, sinh viên năm nhất lên Hà Nội nhập học khiến lượng vé tháng tăng cao. Tuyến đường đang góp phần giảm mật độ phương tiện trên hành lang đường bộ phía tây nam Thủ đô, tạo thói quen đi lại bằng phương tiện công cộng", ông Trường phân tích.
Cô Nga (50 tuổi, quận Ba Đình) được hướng dẫn mua vé tại quầy bán vé tự động, cho hành trình từ ga Cát Linh đi ga Vạn Phúc. Mỗi lần lên tàu, cô đều "choáng ngợp" bởi cảnh đông đúc và tấp nập.
"Tuy khách đông nhưng văn minh và lịch sự. Tàu đi nhanh, đỡ tắc đường, giúp tiết kiệm thời gian và thuận tiện", cô cho hay.
Chị Huệ (38 tuổi, quận Hà Đông) đẩy chiếc xe đạp gấp, đứng đợi thang máy xuống tầng một của nhà ga Cát Linh. 3 tháng gần đây, chị đã cất xe máy ở nhà để trải nghiệm tàu điện trên cao, giúp rút ngắn quãng đường 14km từ nhà ở đầu ga Yên Nghĩa đến trụ sở cơ quan trên phố Liễu Giai. Sau 20 phút trên tàu, chị Huệ đạp xe thêm 2km đến công ty. Đường sá vắng vẻ, không khói bụi, không tắc đường.
"Ngày trước đi làm bằng xe máy, trời nắng hay mưa, thêm cảnh tắc đường như 'cực hình', đều khiến tôi mệt mỏi", chị Huệ than thở.
Thời gian đầu, chị kết hợp song song tàu điện và xe buýt. Tuy nhiên, điểm đón xe buýt cách xa, lại phải chờ lâu, không chủ động thời gian, khiến nữ nhân viên văn phòng cảm thấy bất tiện.
"Sau khi tham khảo các hội nhóm, tôi được biết tàu Cát Linh - Hà Đông cho phép đưa xe đạp gấp lên tàu, nên đã quyết định mua một chiếc, giúp mỗi ngày đi làm đều rất thoải mái", chị nói.
Theo ông Trường, buổi sáng, lượng khách từ ngoại thành vào trung tâm (từ ga Yên Nghĩa đi về ga Cát Linh) chiếm 70%. Khách đi chiều ngược lại chiếm 30%. Buổi chiều thì xu hướng này ngược lại, khách từ trung tâm về ngoại thành (từ ga Cát Linh về ga Yên Nghĩa) chiếm 70%.
"Đây là quy luật biến động khách theo hướng di chuyển", ông Trường giải thích.
Bãi gửi xe phía bên ngoài ga Cát Linh luôn trong tình trạng chật kín phương tiện ở cả 2 khu gửi xe máy và xe đạp.
Tính từ 6/11/2021 đến hết 6/10/2022, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển được gần 6,5 triệu hành khách. Lượng khách đầu tháng 10 tăng 10% so với tháng 9, cao nhất là ngày 3/10 với 31.020 lượt khách.
Trái ngược với không khí đông đúc, tấp nập vào giờ cao điểm, ở các khung giờ khác tàu Cát Linh - Hà Đông lại đón một lượng khách khá thưa thớt.
Lượng khách thưa thớt tại ga Cát Linh hướng đi Yên Nghĩa khung giờ đầu giờ chiều với rất nhiều ghế trống không có người ngồi.
Thậm chí có những khoang tàu hoàn toàn không có bóng người.
Nhiều nhà chờ tàu trong tình trạng vắng khách đi lại ở khung giờ thấp điểm.
Ở hướng ngược lại từ Yên Nghĩa về phía trung tâm thành phố lượng khách dù đã đông đúc hơn nhưng số ghế trống vẫn còn khá nhiều.
Lý giải về việc hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông tăng mạnh, Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho rằng do 4 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, sau thời gian vận hành chính thức an toàn, hiệu quả và ổn định, tàu Cát Linh - Hà Đông đã lấy được niềm tin của người dân. Họ dần chuyển từ trạng thái đi trải nghiệm, không thường xuyên sang đi thường xuyên bằng vé tháng.
Thứ hai, tàu điện đã từng bước làm thay đổi văn hóa đi lại của cộng đồng. Người dân đã chấp nhận đi bộ xa hơn để tiếp cận các nhà ga, vừa tiết kiệm chi phí, vừa xem như hình thức tập thể dục.
Thứ ba, khi xe buýt hoạt động trở lại với tần suất cao sau đại dịch đã giúp hành khách tiếp cận các nhà ga thuận lợi hơn. Điều này góp phần giúp tỉ lệ hành khách đi tàu tăng cao.
Thứ tư, công tác tuyên truyền tích cực giúp người dân hiểu được lợi ích của tàu trên cao như giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra không gian văn minh và lịch sự.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác nữa mang tính thời vụ, không ổn định như thời tiết, khí hậu, mùa vụ, giá xăng dầu… tác động đến hành vi của người dân.