1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Đi tàu Cát Linh - Hà Đông, tôi ngủ thêm được một giấc"

Thế Hưng

(Dân trí) - Thay vì "căng não" vượt qua những điểm ùn tắc kinh hoàng mỗi buổi sáng, nhiều người chọn đi tàu trên cao để tranh thủ ngủ thêm một giấc, lấy sức làm việc cả một ngày dài.

Trên chuyến tàu điện trên cao hướng về trung tâm Thủ đô, anh Minh Nhật (28 tuổi) vẫn chưa tỉnh ngủ hẳn vì đêm trước phải thức khuya làm việc. Thỉnh thoảng, anh Nhật lại nghiêng đầu chợp mắt. Tàu điện di chuyển êm nên anh Nhật thường tranh thủ chợp mắt ngay trên tàu.

Anh Nhật cho biết, anh sống tại tòa nhà VOV Mễ Trì (Hà Nội), cơ quan ở Giảng Võ. Trước đây anh đi làm bằng xe máy qua cung đường Nguyễn Trãi, vốn là điểm nóng ùn tắc nên anh phải dạy rất sớm, đi làm sớm tránh tắc đường. Từ khi có tàu điện Cát Linh - Hà Đông anh chuyển sang đi tàu. "Đi tàu điện tới cơ quan, mỗi sáng tôi ngủ thêm được một giấc", anh Nhật vui vẻ chia sẻ.

Đi tàu Cát Linh - Hà Đông, tôi ngủ thêm được một giấc - 1

Anh Minh Nhật mang theo chiếc xe đạp gấp lên tàu để tiện di chuyển từ ga tới cơ quan.

"Thói quen đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông được tôi hình thành sau một lần đi làm thử bằng phương tiện này. Quãng đường tôi đi làm khoảng 7-8km. Bình thường đường thông thoáng, nếu đi xe máy tôi mất 40 phút để tới cơ quan, đi tàu điện thời gian cũng không nhanh hơn nhiều vì tôi mất thêm thời gian di chuyển bằng xe đạp điện từ nhà ra ga thêm thời gian đợi tàu. Tàu chạy chỉ 20 phút là tới ga, nhưng thời gian đi lại và đợi mất thêm khoảng 10-20 phút. Nhưng đi tàu có cái lợi là tôi không còn phải canh cánh lo mưa gió, giờ cao điểm, ùn tắc... Những lúc đường tắc, đi tàu nhanh hơn rất nhiều", anh Nhật nói.

Đi tàu Cát Linh - Hà Đông, tôi ngủ thêm được một giấc - 2

Nhiều hành khách tranh thủ chợp mắt trên tàu (Ảnh: Thế Hưng).

Tiết kiệm thời gian không phải lý do chính khiến anh Nhật quyết định đi tàu điện trên cao. Theo chàng trai 28 tuổi, lợi ích lớn nhất là anh có thể ngủ thêm một giấc, thảnh thơi ăn bữa sáng trước khi bắt đầu ngày mới.

"Đặc biệt, đầu óc tôi được thư giãn, không bị căng thẳng như khi điều khiển xe máy len lỏi qua các điểm tắc mỗi ngày. Tôi cũng không phải hứng chịu mưa nắng, khói bụi của Hà Nội", anh Nhật nói thêm, tàu chạy êm, điều hòa mát mẻ khiến anh cảm thấy việc đi làm nhẹ nhàng, không mệt nhọc như trước.

Đi tàu Cát Linh - Hà Đông, tôi ngủ thêm được một giấc - 3

Tàu điện Cát Linh - Hà Đông đang là lựa chọn của nhiều người phải thường xuyên đi trên cung đường này (Ảnh: Thế Hưng).

Chia sẻ với PV trên chuyến tàu, anh Lê Khánh (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, tàu điện trên cao có nhiều ưu điểm nhưng chi phí tổng thể không rẻ hơn xe máy. Ngoài vé tháng 200.000 đồng, anh Khánh đầu tư thêm xe đạp điện gấp 14 triệu đồng để di chuyển ra ga, tới cơ quan và mang lên tàu.

Bên cạnh đó, anh Khánh tỏ ra lo lắng bởi hiện nay, lượng khách đi tàu ngày càng đông; có thể sắp tới việc mang xe gấp lên tàu sẽ bị cấm.

Đi tàu Cát Linh - Hà Đông, tôi ngủ thêm được một giấc - 4

Tàu điện trên cao đang dần trở thành phương tiện giao thông quen thuộc của người dân Hà Nội (Ảnh: Thế Hưng).

"Những người ở cách ga tàu điện 3km như tôi sẽ phải đi bộ rất xa để tới ga. Nếu gửi xe điện hoặc xe máy ở ga rồi đi tàu thì vừa tốn kém vừa mất thời gian. Tôi sẽ suy nghĩ tới việc sử dụng trở lại phương tiện cá nhân nếu bị cấm mang xe gấp lên tàu", anh Khánh nêu quan điểm.

Tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông đang giúp vợ chồng anh Minh (27 tuổi, Khu đô thị Văn Khê, Hà Đông) có nhiều sự lựa chọn mua nhà hơn. Theo anh Minh, mua nhà ra xa trung tâm hơn nhưng nằm gần trục đường sắt trên cao rất có lợi.

Anh Minh nói: "Tôi mới mua nhà xuống khu đô thị Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội). Tôi lựa chọn khu vực này vì giá nhà rẻ hơn vài trăm triệu đồng so với trong trung tâm. Nhà gần ga tàu nên tôi dễ dàng giải quyết bài toán đi làm không ùn tắc.

Đi tàu Cát Linh - Hà Đông, tôi ngủ thêm được một giấc - 5

Hình ảnh một chuyến tàu điện trên cao buổi chiều tối (Ảnh: Thế Hưng).

"Tôi có rất nhiều lựa chọn nhà phù hợp với tài chính của hai vợ chồng. Thậm chí, nhà ở tận bến xe Yên Nghĩa vẫn đáp ứng được thời gian đi làm hàng ngày, không khác ở nội đô nếu đi bằng tàu. Đáng nói, giá nhà tại đó rất rẻ", anh Minh cho biết.

Sử dụng phương tiện công cộng vẫn chưa phải thói quen của đa phần người dân Hà Nội. Song hiện nay nhiều người đang dần cảm nhận được sự tiện lợi, văn minh của các loại hình phương tiện công cộng, trong đó điển hình nhất là tàu điện trên cao.

Đi tàu Cát Linh - Hà Đông, tôi ngủ thêm được một giấc - 6

Người dân ngồi chờ tàu (Ảnh: Thế Hưng).

Lê Hà Thảo Trang (học sinh trường THCS Phú La) cho biết em tự đi học bằng tàu điện vì đi tàu tiện và nhanh hơn mẹ đưa đi bằng xe máy.

"Trước đây, mẹ em phải đi cả lên vỉa hè để kịp giờ đưa em tới trường. Nhưng giờ em đi tàu rất thoải mái, an toàn và đi học rất đúng giờ", Trang chia sẻ.

Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), hiện mỗi ngày có trên 31 ngàn lượt khách đi tàu, trong đó 70% là những người đi học đi làm thường xuyên bằng vé tháng. Lượng khách hiện tăng hơn 4 lần so với giai đoạn giãn cách xã hội. Giãn cách xã hội trung bình mỗi ngày chỉ 7-8 nghìn khách.

"Tính từ 6/11/2021 đến hết 6/10/2022, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã vận hành an toàn 335 ngày vận chuyển được gần 6,5 triệu hành khách. Lượng khách đầu tháng 10 tăng 10% so với tháng 9", ông Trường thông tin thêm.