DNews

Luật pháp "hậu Gateway" và sự tắc trách của người cầm lái

Ngọc Tân

(Dân trí) - Sau vụ "em bé Gateway", quy định pháp luật về đưa đón học sinh đã được bổ sung để phòng ngừa bi kịch. Điều đáng buồn, bi kịch vẫn tái diễn.

Luật pháp "hậu Gateway" và sự tắc trách của người cầm lái

Bi kịch Gateway xảy ra vào năm 2019 đã có tác động nhất định đến sự ra đời của các quy định về đảm bảo an toàn khi vận tải hành khách bằng ô tô. Nghị định 10 và Thông tư 12 ra đời vào năm 2020 cho thấy cơ quan xây dựng chính sách đã cố gắng  ngăn ngừa bi kịch tái diễn.

Quy định đã có nhưng không ngăn được bi kịch

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Quyền, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, nhận định quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã có những bổ sung quan trọng sau vụ việc bé trai lớp 1 bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh vào năm 2019.

Luật pháp hậu Gateway và sự tắc trách của người cầm lái - 1

Bi kịch Gateway lặp lại tại một trường mầm non ở Thái Bình, khi mà quy định pháp luật về hoạt động đưa đón học sinh đã được bổ sung chi tiết hơn (Ảnh: Facebook).

Cụ thể, Điều 11 của Nghị định 10/2020 có đoạn nêu rõ: "Đơn vị kinh doanh vận tải phải có phương án kiểm soát để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe khi đã kết thúc hành trình (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách)".

Yêu cầu này được nêu cụ thể hơn tại khoản 6, Điều 4, Thông tư 12/2020: "Sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe, người lái xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách)".

Như vậy, khi cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự của tài xế trong vụ bé mầm non bị bỏ quên trong xe tại Thái Bình, việc tài xế này có "kiểm tra khoang hành khách" trước khi rời khỏi xe hay không, kiểm tra như thế nào... cũng phải được làm rõ.

Theo ông Quyền, những điều khoản tại Nghị định 10/2020 và Thông tư 12/2020 là kết quả của quá trình tham chiếu, rút kinh nghiệm từ sự cố hy hữu tại trường Gateway. Các văn bản quy phạm pháp luật trước đó như Nghị định 86/2014 và Thông tư 63/2014 vốn không đề cập đến rủi ro "bỏ quên hành khách trên xe kinh doanh vận tải".

Trong tiến trình cải tiến luật pháp của một quốc gia, không ít bi kịch về sinh mạng con người đã góp phần thay đổi nhận thức, khiến nhà làm luật phải bổ sung quy định đảm bảo an toàn.

Nhưng đáng buồn, sau 5 năm, vì sự tắc trách của người lớn, bi kịch tương tự vụ Gateway đã tái diễn tại một trường mầm non ở Thái Bình.

"Luật hóa" quy định về đưa đón trẻ mầm non 

Cũng giống như bi kịch Gateway, sự việc đau lòng của cháu bé tại Thái Bình có thể trở thành nguồn tham chiếu cho các thảo luận lập pháp tại nghị trường Quốc hội.

Trong dự thảo Luật Đường bộ đang trình Quốc hội thông qua, cụm từ "trẻ em mầm non" được nhắc đến 7 lần. Tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, từ khóa này cũng xuất hiện 14 lần. Điều này cho thấy những quy định để bảo vệ nhóm hành khách dễ tổn thương này đang được chú trọng hơn.

Luật pháp hậu Gateway và sự tắc trách của người cầm lái - 2

Phiên họp của Quốc hội chiều 22/5 về dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (Ảnh: Hồng Phong).

Trong dự thảo Luật Đường bộ do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo, hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng ô tô được định nghĩa "là hoạt động sử dụng ô tô để đưa đón trẻ em mầm non, học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập hoặc tham gia các hoạt động khác".

Trường hợp cơ sở giáo dục tự tổ chức hoạt động đưa đón trẻ em mầm non và học sinh, phải đáp ứng quy định về hoạt động vận tải nội bộ bằng ô tô. Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện, phải đáp ứng quy định về hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô. Hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng ô tô phải tuân thủ quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông do Bộ Công an biên soạn, Bộ này đã dành riêng điều 46 để quy định về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non.

Cụ thể, ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non phải có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ. Ô tô chở học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định.

Khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non, phải bố trí tối thiểu một người quản lý trên mỗi xe để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho các em trong suốt chuyến đi. Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non, phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe.

Dự luật cũng nêu rõ không được để học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trên xe khi người lái xe và người quản lý đã rời xe. Lái xe ô tô đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.

Cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non nắm vững và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ em mầm non; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón học sinh, trẻ em mầm non của đơn vị mình.

Trước đó, Luật Giao thông đường bộ hiện hành ra đời từ năm 2008 chưa quy định chi tiết nội dung liên quan đến đảm bảo an toàn cho học sinh, trẻ mầm non khi ngồi trong xe đưa đón.

Ngày 30/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thái Bình ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Phương Quỳnh Anh (38 tuổi, trú tại xã Vũ Phúc, TP Thái Bình), về tội Vô ý làm chết người. Quỳnh Anh là nhân viên Trường Mầm non Hồng Nhung 2, địa chỉ tại xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình.

Trước đó, công an đã khởi tố vụ án Vô ý làm chết người để điều tra, làm rõ việc một trẻ mầm non tại trường Mầm non Hồng Nhung 2 (xã Phú Xuân, TP Thái Bình) tử vong do bị bỏ quên trên ô tô đưa đón.

Bước đầu, cơ quan công an xác định khoảng 6h20 ngày 29/5, anh N.V.L. (59 tuổi), trú tại phường Quang Trung, TP Thái Bình điều khiển ô tô 29 chỗ cùng một giáo viên trường Mầm non Hồng Nhung 2 đón cháu H. và 9 học sinh khác đi học.

Khi đến trường, anh L. mở cửa ô tô cho giáo viên và các cháu học sinh tự đi vào lớp. Sau đó, điều khiển ô tô đỗ ở cổng trường rồi ra về.

Vào lớp, giáo viên chụp ảnh điểm danh học sinh và phát hiện vắng cháu H. nhưng không thông báo cho gia đình.

Đến khoảng 17h cùng ngày, anh T.Đ.A., cậu ruột của cháu đến đón và phát hiện sự việc cháu H. bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường dẫn đến tử vong.