Cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc khẳng định không quen biết doanh nghiệp
(Dân trí) - Trả lời thẩm vấn, cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc thừa nhận sai phạm và khẳng định, bản thân không chịu tác động hay can thiệp nào để ký cấp phép cho Công ty Thái Dương.
Ngày 13/5, phiên tòa xét xử ông Nguyễn Linh Ngọc, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũ (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cùng các bị cáo liên quan trong vụ án khai thác trái phép đất hiếm xảy ra tại Yên Bái, tiếp tục với phần xét hỏi.
Trong vụ án này, ông Nguyễn Linh Ngọc bị đưa ra xét xử về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Theo cáo buộc, năm 2012, ông Ngọc được giao chỉ đạo, giải quyết lĩnh vực địa chất, khoáng sản và phụ trách Tổng cục Địa chất và Khoáng sản.
Đây là đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp giấy phép khai thác khoáng sản.
Trong đó, hồ sơ xin cấp phép của Công ty Thái Dương chỉ có giấy chứng nhận đầu tư dự án khai thác, tuyển quặng do UBND tỉnh Yên Bái cấp năm 2011 (hết hạn năm 2012); không có giấy chứng nhận đầu tư nhà máy thủy luyện Yên Bái và nhà máy chiết tách Hải Phòng.
Vốn chủ sở hữu của Công ty Thái Dương không đạt tỷ lệ bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án như quy định của Luật Khoáng sản.
Tuy nhiên, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản vẫn sử dụng kết quả thẩm định cũ từ năm 2011 để trình hồ sơ. Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc khi đọc và nghiên cứu hồ sơ vẫn ký chấp nhận cấp giấy phép cho Công ty Thái Dương vào năm 2013.

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc tại tòa (Ảnh: Phùng Anh).
Tại tòa, ông Ngọc thừa nhận trách nhiệm cá nhân và cho rằng, nếu Công ty Thái Dương thực hiện đúng các điều khoản đã cam kết đã không xảy ra những sai phạm và phải đứng trước tòa như ngày hôm nay.
Bị cáo trình bày, giai đoạn 2011-2013, khi hồ sơ xin cấp phép của Công ty Thái Dương nộp và chiếu theo Luật Khoáng sản 2005 là hợp lệ.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2012, Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực, cùng với Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ, thì các tiêu chí cấp phép đã thay đổi, khiến quy trình bị gián đoạn và hồ sơ không còn đủ theo luật mới; việc kéo dài thời gian cấp phép qua nhiều năm cũng là nguyên nhân khiến cơ quan có thẩm quyền gặp khó khăn.
"Nhìn tổng thể, rộng ra, toàn diện các quy định bị cáo đã sai phạm", ông Ngọc thừa nhận.
Tại tòa, cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc khẳng định, bản thân hoàn toàn không có ai tác động hay can thiệp để ông ký cấp phép cho Công ty Thái Dương, cũng không có mối quan hệ quen biết cá nhân nào với doanh nghiệp này trước đó.
HĐXX nhấn mạnh: Nếu các bị cáo thực hiện đúng quy định, đầy đủ thủ tục và làm tròn trách nhiệm, thì Công ty Thái Dương đã không thể được cấp phép khai thác mỏ. Ở đây, các bị cáo làm sai, làm không đúng quy trình, thủ tục trình tự, không hết trách nhiệm.
Do đó, Công ty Thái Dương được cấp giấy phép đó và từ đó gây thất thoát tài nguyên thiên nhiên của đất nước, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Các bị cáo tại phiên tòa (Ảnh: Phùng Anh).
Đứng trước bục khai báo, bị cáo Nguyễn Văn Thuấn, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, thừa nhận đã không trực tiếp kiểm tra hồ sơ của Công ty Thái Dương, mà do tin tưởng "anh em đã đọc và ký rồi nên ký luôn bản dự thảo gửi lên Bộ để trình Chính phủ".
Ông Thuấn khai, vào thời điểm đó, phía Nhật Bản đang mong muốn hợp tác trong lĩnh vực khai thác đất hiếm, nên khi nghe Công ty Thái Dương báo đã tìm thấy mỏ, ông "rất kỳ vọng vào cuộc hợp tác quốc tế này" và đã chủ quan trong việc thẩm định hồ sơ.
Bị cáo cũng trình bày, năm 2015, trong bối cảnh xây dựng nghị định khoáng sản mới bị phản đối quyết liệt, bản thân chuẩn bị nghỉ hưu và chịu nhiều áp lực.
Ông Thuấn thừa nhận, vào dịp sinh nhật năm 2013, Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương, có gửi lẵng hoa và túi hoa quả đến nhà.
Sau khi mở túi hoa quả ra, ông phát hiện có 500 triệu đồng bên trong. Ông gọi lại cho Huấn nhưng không nghe máy.
"Tôi đã trả lại số tiền này ngay sau đó khi làm việc với cơ quan điều tra", bị cáo khẳng định trước tòa.