1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Luật không thực thi: Quốc hội có phần trách nhiệm

(Dân trí) - “Khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, phải đưa ra những điều luật cụ thể, thi hành được ngay, thể chế hoá luật vào cuộc sống. Các văn bản bị sai, không có hiệu lực thực thi thì bản thân QH cũng phải chịu trách nhiệm”, đại biểu Mã Điền Cư, tỉnh Bình Thuận đề nghị.

Sáng nay 23/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đây là lần đầu tiên, Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan hành pháp và tư pháp. Tuy nhiên việc thực thi các văn bản hướng dẫn pháp luật khiến nhiều đại biểu rất bức xúc.

 

Đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn, tỉnh Bắc Giang thẳng thắn: Ở các văn bản, trách nhiệm người đứng đầu không rõ, ít thi hành, hoặc không hành động. Dù luật, nghị định hay đến mấy mà không được thực hiện thì cũng chỉ để làm cảnh. Vì vậy, việc giám sát ra văn bản phải gắn liền với giám sát hành động thực hiện văn bản đó. “Chính phủ khi trình dự án Luật buộc phải trình cả Nghị định, Thông tư thì Ủy ban TVQH mới tiếp nhận, xem xét Luật”, ông Ngoạn đề nghị.

 

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI đến tháng 5 năm nay, Quốc hội đã ban hành 57 Luật, Pháp lệnh và Nghị quyết, trong đó Chính phủ trình 49 văn bản. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành 2.300 văn bản quy phạm pháp luật; Toà án Nhân dân Tối cao đã ban hành 41 văn bản pháp luật, tăng 150% so với trước đây.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Phan Trung Lý, tỉnh Nghệ An góp thêm: Theo tôi, mỗi luật chỉ có 1, 2 điều mà đi vào cuộc sống còn hơn là nhiều điều nhưng không đi vào cuộc sống. Luật ra chung chung như vậy thì thà không có còn hơn. Có luật ra 5 - 10 năm rồi nhưng cứ phải chờ hết nghị định rồi đến thông tư. Phải làm sao luật ban hành ra là có hiệu lực, đi vào cuộc sống luôn chứ không chờ đến văn bản hướng dẫn.

 

Đại biểu Dương Trung Quốc, tỉnh Đồng Nai bức xúc: “Luật thực hiện trong cuộc sống thế nào là trách nhiệm của cơ quan giám sát. Gần hết một nhiệm kỳ Quốc hội đến nay, Quốc hội đã làm được những việc gì? Không phải luật cứ thông qua Quốc hội sau đó chuyển cho cơ quan hành pháp là xong. Chúng ta thực hiện quy hoạch treo khó khăn như thế nào thì luật treo còn nguy hiểm hơn. Hiện nay vẫn có tình trạng đối phó trong văn bản. Tôi đề nghị tăng cường cơ quan giám sát. Chúng ta chưa có Toà án hiến pháp nhưng nếu vi phạm hiến pháp thì chúng ta phải xử lý theo hiến pháp”.

 

Mặc dù có những chuyển biến tích cực về tiến độ, song phần lớn các văn bản ban hành chậm và quá chậm so với yêu cầu. Nhiều văn bản quy định quá lạc hậu so với thực tế hoặc không thống nhất khiến cơ sở lúng túng trong thực hiện. Các đại biểu cho rằng trách nhiệm này cũng thuộc Quốc hội.

 

Đại biểu Mã Điền Cư, tỉnh Bình Thuận đã dẫn ra một số văn bản pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chứng minh về sự bất hợp lý, mâu thuẫn trong việc ban hành một số nghị định, thông tư, làm giảm hiệu lực của việc thi hành.

 

“Theo tôi cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan ban hành văn bản. Khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, phải đưa ra những điều luật cụ thể, thi hành được ngay, thể chế hoá luật vào cuộc sống. Thủ tướng Chính phủ cần tăng cường kiểm tra, QH phải giám sát chặt chẽ việc ban hành văn bản của các cơ quan hành pháp và tư pháp, coi việc giám sát là nhiệm vụ thường xuyên của QH. Các văn bản bị sai, không có hiệu lực thực thi thì bản thân QH cũng phải chịu trách nhiệm”, đại biểu Cư nói.

 

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình, tỉnh Bắc Ninh đề nghị thêm: “Với số lượng các văn bản hướng dẫn thi hành luật hiện nay là quá lớn thì Quốc hội nên coi việc ban hành các văn bản này là một phần việc của Quốc hội, không nên giao phó hoàn toàn cho Chính phủ, đồng thời tăng cường giám sát và coi đây là một nhiệm vụ của các ủy ban Quốc hội.

 

Đức Hoà - Hồng Hạnh