1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Luật Hàng không: Siết phí dịch vụ, “trói” trách nhiệm hãng bay

(Dân trí) - Luật Hàng không dân dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 đã “luật hóa” vị trí và địa vị pháp lý của nhà chức trách hàng không. Đặc biêt, Luật sửa đổi “siết” chặt hơn vấn đề giá, phí và lệ phí dịch vụ hàng không, trách nhiệm của hãng vận chuyển nếu chậm chuyến, hủy chuyến.

Theo Vụ Pháp chế - Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Luật sửa đổi đã bổ sung quy định về vị trí, vai trò, địa vị pháp lý, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng với tư cách là Nhà chức trách Hàng không.

Đối với vấn đề giá, phí và lệ phí dịch vụ chuyên ngành hàng không hầu như được giữ nguyên như tại Luật Hàng không dân dụng năm 2006, bổ sung thêm loại hình “giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý”.

Các loại giá dịch vụ phi hàng không được quy định chi tiết, bao gồm: Giá thuê mặt bằng, giá dịch vụ thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay; giá dịch vụ phi hàng không khác tại cảng hàng không, sân bay. Theo đại diện Vụ Pháp chế, những bổ sung này nhằm khắc phục tình trạng doanh nghiệp lợi dụng vị thế độc quyền để nâng giá dịch vụ, nhất là đối với một số giá dịch vụ phi hàng không thiết yếu nhằm bảo đảm hài hòa quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không, Luật sửa đổi, bổ sung giữ nguyên quy định Nhà nước quy định khung giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa nhằm mục đích tránh việc các doanh nghiệp hàng không nâng giá dịch vụ tùy tiện, bất hợp lý khó kiểm soát, đặc biệt là trong những giai đoạn cao điểm như mùa du lịch, dịp nghỉ lễ, nghỉ Tết; mặt khác để bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp hàng không, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách bán phá giá…

Hàng không VN tăng cường giám sát phi công sau vụ rơi máy bay Đức

Luật Hàng không sửa đổi đã quy định rõ hơn trách nhiệm của các hãng hàng không

Về vấn đề mở/đóng cảng hàng không, sân bay, Luật sửa đổi, bổ sung (khoản 11 Điều 1) đã giao thẩm quyền quyết định việc mở, đóng sân bay chuyên dùng này cho Bộ Quốc phòng do có liên quan chặt chẽ đến việc bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, sân bay chuyên dùng cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về khai thác hàng không dân dụng theo quy định chung của Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO), nên việc mở, đóng sân bay chuyên dùng cũng cần phải có sự quản lý nhất định của Bộ GTVT.

Trong Luật Hàng không sửa đổi, một điều đáng chú ý là quy định rõ hơn việc khắc phục tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến trong vận chuyển hàng không dân dụng và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay.

Luật sửa đổi đã bổ sung quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không trong việc duy trì các điều kiện và chất lượng tối thiểu dịch vụ vận chuyển; bổ sung trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp chuyến bay bị chậm kéo dài mà không được thông báo trước và giao Bộ trưởng Bộ GTVT quy định cụ thể về thời gian người vận chuyển phải thông báo trước, thời gian chuyến bay bị chậm kéo dài và khoản tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại.

Được biết, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 đã quy định về quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển, của hành khách; các trường hợp bồi thường thiệt hại, chăm lo hành khách trong trường hợp chậm chuyến, huỷ chuyến... Tuy nhiên, Luật trước đó thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp vận chuyển trong việc bảo đảm thực hiện các điều kiện vận chuyển, việc duy trì chất lượng tối thiểu của dịch vụ, thiếu các quy định về tiêu chuẩn tối thiểu mà doanh nghiệp phải bảo đảm cho hành khách.

Châu Như Quỳnh