Luật Đất đai cần tránh giải quyết điểm nghẽn này lại có điểm nghẽn khác

Phùng Minh

(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc sửa Luật Đất đai cần tránh tình trạng giải quyết được điểm nghẽn này lại xuất hiện điểm nghẽn khác, bịt được lỗ hổng này lại sinh ra lỗ hổng khác.

Sáng 4/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đồng chủ trì tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Luật Đất đai cần tránh giải quyết điểm nghẽn này lại có điểm nghẽn khác - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì buổi tọa đàm (Ảnh: Doãn Tấn).

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh lại 4 vấn đề cơ bản cần quán triệt khi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo kết luận của Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một là, cần bám sát, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng, chính sách trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII; nghị quyết, kết luận của Đảng; nghị quyết của Quốc hội… Tuy nhiên, cần lưu ý chỉ luật hóa những vấn đề "đã chín, đã đủ rõ". Những vấn đề Trung ương đã thảo luận nhưng chưa có kết luận thì không đưa vào dự án luật

Hai là, kế thừa các quy định mang tính ổn định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng. Luật hóa, cụ thể hóa tối đa những nội dung trong các văn bản quy định chi tiết thành luật đã được áp dụng hiệu quả qua các thời kỳ. Tuy nhiên phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm; đề phòng cài cắm lợi ích nhóm.

Cần chỉ rõ vướng mắc, "lỗ hổng" để giải quyết, tránh tình trạng giải quyết được điểm nghẽn này lại xuất hiện điểm nghẽn khác, bịt được lỗ hổng này lại sinh ra lỗ hổng khác.

Ba là, phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật, tạo ra động lực cho phát triển kinh tế- xã hội. Cân nhắc kỹ, không đưa vào luật những vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng mang tính sự vụ, hiện tượng nhỏ lẻ, cá thể.

Thứ tư là, quá trình sửa đổi luật cần được thực hiện một cách bài bản, khoa học, khách quan, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm các nước, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Tiếp thu, giải trình đầy đủ, cầu thị và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, đất đai là tài sản đặc biệt, có giá trị và ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống xã hội. Đây cũng là một trong những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao và nghiêm trọng nhất. Hiện có khoảng 70% khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài.

Do vậy, khi thiết kế các quy định của Luật Đất đai phải bảo đảm nguyên tắc phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát khoa học, hiệu quả giữa các cơ quan chủ thể có trách nhiệm trong quản lý Nhà nước.

Một nội dung rất quan trọng và cũng rất khó của dự thảo luật đất đai liên quan tới các vấn đề về tài chính đất đai và giá đất. Thời gian qua đã có nhiều vi phạm pháp luật trong xác định giá đất, làm thất thoát ngân sách, mất cán bộ.

Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai với Luật Quy hoạch; làm rõ hơn về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về tính chất, vai trò của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giải quyết phát sinh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi luật này có hiệu lực thi hành...

Luật Đất đai cần tránh giải quyết điểm nghẽn này lại có điểm nghẽn khác - 2

Các nhà khoa học đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm (Ảnh: Doãn Tấn).

Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu là các nhà khoa học, diễn giả đã cho ý kiến vào các nhóm vấn đề như đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định cụ thể hơn về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất.

Các nhà khoa học cũng đã có ý kiến về hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định mức thuế cao hơn với người có nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng, bỏ đất hoang và một số ý kiến góp ý về các điểm khác trong dự thảo Luật Đất đai.