Lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai tại khu vực miền Trung
(Dân trí) - Sáng 24/2, tại tỉnh Quảng Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị Lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), khu vực miền Trung.
Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, một số Ủy ban của Quốc hội; UBND các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Hội nghị đã nghe báo cáo của 12 tỉnh, thành phố miền Trung về kết quả lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các tầng lớp nhân dân.
Đại diện lãnh đạo các địa phương cũng góp ý cụ thể vào từng chương, mục, những kiến nghị sửa đổi gửi tới cơ quan soạn thảo dự án luật; những khó khăn vướng mắc từ thực tiễn cơ sở.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quản lý đất đai là vấn đề hết sức rộng lớn, quan trọng, bao quát tất cả các lĩnh vực.
Việc sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, giải quyết hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; đồng thời phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Bởi vậy, phải làm sao để chính sách đó được thể chế hóa một cách đầy đủ, đủ điều kiện pháp lý thực hiện và người dân nào đọc cũng hiểu và áp dụng thực hiện.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đánh giá cao sự chủ động của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung trong việc hướng dẫn, tổ chức các hội nghị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thời gian qua.
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần làm tốt hơn nữa việc truyền thông rộng rãi để người dân biết, nắm bắt, góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, với 236 điều, trong đó có nhiều nội dung mới:
1- Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
2 - Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
3 - Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
4 - Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất.
5 - Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai.
6 - Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất.
7 - Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp.
8 - Xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích.
9 - Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm soát quyền lực.
10 - Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.