Quảng Trị:
Lũ rút, người dân tất tả dọn bùn
(Dân trí) - “Nước lũ về quá bất ngờ khiến chúng tôi không kịp trở tay, bao nhiêu tài sản, lương thực đều bị ướt hết, gia cầm cũng bị trôi theo nước…”, chị Trần Thị Thường, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, Quảng Trị buồn bã nói.
Chiều 1/11, chúng tôi có mặt tại thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền – nơi được coi là “túi nước” của huyện Cam Lộ. Sau nhiều giờ bị ngâm trong nước, nhiều tài sản, lương thực của người dân đều bị hư hại. Theo ghi nhận, nước lũ bắt đầu rút dần, tuy nhiên một số tuyến đường vẫn bị ngập sâu, bùn đặc quánh bao phủ khắp nơi.
Sau khi nước rút xuống, người dân địa phương hối hả dọn bùn lầy, kê lại đồ đạc, dọn dẹp nhà cửa để sớm ổn định cuộc sống. Chị Trần Thị Thường, thôn Bắc Bình cho biết: “Khoảng 7h sáng thì nước dâng lên bất ngờ, dù gia đình đã kê đồ đạc lên cao nhưng vẫn bị ướt. Hơn 600kg lúa cất trữ đều bị ướt sũng, còn các loại vật nuôi như gà, vịt… đều bị trôi hết”.
Anh Thái Tăng Thành, xã Cam Tuyền, cho biết: “Chỉ vài giờ nhưng nước lũ dâng lên rất cao và gây ngập nhiều nơi. Nước lũ đã làm hư hại hết mọi thứ. Khi nước lũ rút, gia đình tui bắt tay ngay vào việc khắc phục hậu quả, dọn dẹp nhà cửa để sinh sống”.
Trong chiều nay, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng đã đích thân về xã Cam Tuyền để động viên bà con khắc phục hậu quả lũ lụt. Đến thăm các hộ khó khăn, bị thiệt hại do nước lũ, ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ với những thiệt hại của bà con và động viên người dân vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Hùng yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp giúp dân khắc phục hậu quả của lũ lụt, đảm bảo nguồn nước để bà con sử dụng.
Qua đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị lưu ý huyện Cam Lộ giám sát, theo dõi việc xả lũ ở các đập để đảm bảo đời sống cho người dân.
Ông Đào Mạnh Hùng, Bí thư huyện ủy Cam Lộ cho biết, ngay khi nước lũ dâng lên, huyện đã chỉ đạo cho các lực lượng khẩn trương giúp dân vận chuyển đồ đạc, huy động cả lực lượng quân sự huyện, quân sự tỉnh, nhờ cả lực lượng 968 của tỉnh đưa canô để sơ tán bà con nhân dân ra khỏi nơi bị ngập.
Đến thời điểm này, ghi nhận trên địa bàn huyện Cam Lộ có 1 trường hợp bị thương, 1 trường hợp mất tích do bị lũ cuốn. Nạn nhân là anh Hoàng Hữu Thành (trú tại xã Cam Hiếu). Hiện địa phương đang tích cực tìm kiếm người bị nạn.
Theo ông Hùng, chính quyền địa phương phối hợp với Công ty Công trình thủy lợi cắt cử người ứng trực, giám sát việc xả lũ tại đập Đá Mài. Theo đó, việc xả lũ sẽ được tiến hành từng bước để đảm bảo an toàn đập, đồng thời hạn chế thiệt hại cho người dân.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB, toàn huyện Cam Lộ có 1 người bị thương, 2.033 hộ bị ngập do lũ. Huyện đã tiến hành dời các hộ vùng thấp đến nơi an toàn. Di dời đến điểm tập trung 50 người. Một số trường học đã cho học sinh nghỉ học. Mưa, lụt đã gây ra thiệt hại tại 5 địa phương của huyện, gồm các xã Cam Tuyền, Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Thành và thị trấn Cam Lộ.
Do lượng nước lên quá nhanh nên nhiều người dân không kịp trở tay, tài sản hầu như ngập chìm trong nước, nhất là lúa, gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; nhiều khu dân cư bị cô lập, lực lượng cứu hộ phải đưa ca nô, thuyền vào di dời lên vùng cao để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Tại huyện Đakrông, mưa lớn gây ngập sâu tại một số tuyến đường từ thị trấn Krông Klang - Ba Lòng và đường vào xã Ba Nang; gây sạt lở tại nhiều điểm ở Quốc lộ 9, đặc biệt tuyến đường liên xã đi qua xã Mò Ó đã bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc trong nhiều giờ liền, đến trưa 1/11 đã được giải quyết.
Dự báo chiều và tối nay 1/11, lũ trên các sông tiếp tục lên và có khả năng như sau: Sông Bến Hải tại Hiền Lương 2,00 m dưới MBĐ 3 là 0,20m; Sông Hiếu tại Đông Hà 4,20m trên MBĐ 3 là 0,20m; Sông Thạch Hãn tại thị xã Quảng Trị 5,0m dưới MBĐ 3 là 0,50m; Sông Ô Lâu tại Hải Tân 2,80m ở MBĐ 2.
Chùm ảnh người dân khắc phục hậu quả do lũ được PV Dân trí ghi nhận:
Người dân tất tả dọn bùn
Bà con khẩn trương thu dọn bùn lầy để ổn định cuộc sống
Mưa lớn, nhiều tuyến đường lên vùng cao Quảng Nam bị ngập nặng
Trong hai ngày qua (31/10-1/11), do mưa lớn, nhiều tuyến đường lên các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam bị ngập nặng, giao thông bị ách tắc.
Cụ thể, mưa lớn làm nước dâng cao ngập đoạn Dốc Rùa thuộc thôn Ba Liêng, xã Ating thuộc tuyến đường ĐT 604 từ TP Nẵng lên huyện Đông Giang làm hàng trăm ôtô, xe máy mắt kẹt ở hai đầu dốc.
Dốc Rùa thuộc thôn BaLiêng, xã Ating thuộc tuyến đường ĐT 604 từ Đà Nẵng lên Đông Giang bị ngập nặng, phương tiện bị mắt kẹt ở hai đầu dốc.
Tại cầu Sông Vàng (xã Ba, huyện Đông Giang), nước lũ cũng lên cao ngập cầu khiến giao thông bị chia cắt.
Theo ông Lê Hoàng Linh – Phó Chủ tịch huyện Tây Giang – cho biết, trong 2 ngày 31/10 và 1/11, mưa lớn cũng làm cho nhiều tuyến đường ở huyện miền núi Tây Giang bị sạt lở, giao thông đi lại khó khăn.
Ông Linh cũng cho hay, đến chiều nay (1/11), mưa đã giảm, huyện đã kiểm tra các tuyến đường giao thông đi các xã để san ủi cho ô tô và xe máy lưu thông thuận lợi.
Ngày 1/11, mực nước ở Sông Avương, sông Bung đang lên nhanh. UBND huyện Tây Giang đã họp và lên kế hoạch khắc phục các tuyến đường hư hỏng và tăng cường tuyên truyền không cho người dân xuống sông suối bắt cá, vớt củi cũng như chỉ đạo người dân bảo vệ đàn gia súc, tránh thả rông nhiều ngày ngoài trời mưa...
Trên địa bàn huyện Đại Lộc, một số khu vực thấp trũng cũng bị ngập nước. Cụ thể, tại xã Đại Hưng, nước sông Vu Gia dâng cao gây ngập tuyến đường giao thông tại thôn Thái Sơn.
Công Bính
Đăng Đức