Lũ bao vây, dân trèo lên nóc nhà kêu cứu

(Dân trí) – Hàng ngàn ngôi nhà bị chìm trong biển nước, trong khi nước lũ vẫn tiếp tục dâng cao đe dọa đến tính mạng khiến người dân trong vùng ngập lũ hết sức lo sợ...

Đến 10h sáng nay (16/11), tại huyện Tây Sơn (Bình Định), trời mưa nhỏ, lũ đã rút dần, nhưng quốc lộ 19 vẫn đang ngập nghiêm trọng ở một số nơi, trong đó có nơi ngập sâu hàng mét, hàng trăm xe khách không thể lưu thông. Hàng ngàn nhà dân vẫn ngập sâu trong nước.
 
Trước đó, khoảng 20h tối ngày 15/11 hầu hết 15 xã thị trấn trên địa bàn huyện bị ngập nước, giao thông tê liệt, hệ thống lưới điện toàn huyện bị cắt khiến cho công tác cứu hộ di dời dân trong vùng nguy hiểm thêm khó khăn.

Phóng viên có mặt tại UBND huyện Tây Sơn (Bình Định) đã liên tục chứng kiến những cuộc điện thoại của người dân gọi đến xin cầu cứu. Theo đó, tại xóm Đông xã Tây Giang đang có đến 30 người phải dỡ bỏ ngói ngồi lên mái nhà cầu tránh lũ, cán bộ cơ sở gọi điện về UBND huyện xin phương tiện cứu hộ.

Còn tại thôn Tả Giang 2 (xã Tây Giang) gia đình ông Dương Đông Phong (1974) ở khối Phú Xuân (thị trấn Phú Phong) cùng vợ và đứa con trai cũng đã phải dỡ nóc nhà leo để tránh lũ. Tuy nhiên, nước lũ ngày càng dâng cao đe dọa đến tính mạng của cả gia đình.

Ông Tạ Xuân Chánh, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết : "Hiện chúng tôi đã điều động toàn bộ lực lượng để cứu dân. Toàn huyện có 2 ca nô và tỉnh điều 2 ca nô từ TP Quy Nhơn lên tăng cường công tác cứu dân thoát khỏi vùng nguy hiểm".

Ghi nhận đến 22h đêm, tuy trời đã ngớt mưa nhưng nước lũ vẫn dâng cao, còn người dân vẫn liên tục gọi điện đến UBND huyện để cầu cứu.
 
Liên tiếp những cuộc điện thoại cầu cứu của người dân đến UBND huyện Tây Sơn đêm 15/11
Bà Trần Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ngay trong chiều tối 15/11 đã điện thoại ra Trung ương xin tăng cường chi viện phương tiện cứu hộ
Hàng ngàn nhà dân ở huyên Tây Sơn bị ngập trong lũ
Hàng ngàn nhà dân ở huyên Tây Sơn bị ngập trong lũ
Hàng ngàn nhà dân ở huyên Tây Sơn bị ngập trong lũ
Tại huyện Vân Canh, người dân di dời tránh lũ
Tại huyện Vân Canh, người dân di dời tránh lũ
Hoa màu của người dân bị ngập trong lũ
Hoa màu của người dân bị ngập trong lũ
 

Tính đến chiều ngày 15/11, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi bị ngập chìm khoảng 1m. Nước lũ trên sông Trà Khúc (TP Quảng Ngãi) và sông Vệ (Tư Nghĩa) có khả năng đạt đỉnh lũ lịch sử năm 1999.

 

Đến 16h00 ngày 15/11, lưu lượng mưa phổ biến từ 200-300mm, một số nơi mưa rất to gồm huyện Ba Tơ: 594mm, Minh Long: 353mm, Giá Vực: 422mm, Sơn Giang: 344mm, Sơn Tây: 379mm. Do đó, lũ trên các sông dâng lên rất nhanh, cụ thể như sông Trà Bồng tại trạm Châu Ổ: 3.84m (trên mức BĐ2: 0.34m), sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc: 7.63m – (trên mức BĐ3: 1.13m), sông Vệ tại trạm Sông Vệ: 5.67m (trên mức BĐ3: 1.17m) và sông Trà Câu tại trạm Trà Câu: 6.00m (trên mức BĐ3: 0.50m).

 

Mực nước các sông tăng nhanh, kèm theo mưa lớn trên diện rộng, khiến nhiều địa phương bị ngập nặng và cô lập hoàn toàn. Tại TP Quảng Ngãi, nhiều tuyến đường và khu công nghiệp bị ngập úng do chưa kịp thoát nước.

 

Ở huyện miền núi Ba Tơ, có 4 khu vực bị cô lập gồm 5 hộ dân ở xã Ba Vì, khu dân cư thôn Giá Vực, đoạn Quốc lộ 24 đi qua cầu treo Măng Đen và tổ Nước Giáp thôn Nước Xuyên, toàn bộ địa bàn huyện bị mất điện hoàn toàn.

 

Huyện Nghĩa Hành có 9/12 xã bị ngập, trong đó 2 xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây nước đã ngập vào nhà dân hơn 1m. Nước lũ tràn qua cầu ở huyện Sơn Hà, gây chia cắt với các 7 xã ở vùng sâu vùng xa, khu vực dầu Hàng Gòn nước ngập khoảng 2m (ngang với đỉnh lũ năm 1986), cầu treo ở xã Sơn Thủy bị đứt neo. Riêng huyện Nghĩa Hành, hầu hết các xã, thị trấn nằm hai bên sông Vệ đều bị ngập lụt.

 

Qua thống kê thiệt hại ban đầu tính đến 16h00 15/11, tỉnh Quảng Ngãi có 1 người chết (học sinh rơi xuống sông) và 1 người bị thương (do lở núi ở Ba Tơ), 5 nhà bị sập đổ và cuốn trôi (Sơn Tây 3 nhà, Ba Tơ 2 nhà và Tư Nghĩa có 1 nhà), 3 nhà tốc mái ở huyện Tư Nghĩa, 40ha đất canh tác và cây công nghiệp bị ngập úng (Ba Tơ), 80m tường rào của trường DTNT Sơn Tây bị sập đổ và toàn bộ Trung tâm Y tế xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) bị tốc máy, trang thiết bị hư hỏng do nước mưa xâm hại.

 

Hiện tại, toàn tỉnh có 98 hồ chứa nước và 1 hồ thuộc thủy điện Đăkring (Sơn Tây) có nước đã qua tràn. Ông Nhâm Xuân Sỹ - Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Dự kiến đến sáng 16/11, mực nước 2 con sông lớn nhất tỉnh là sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc: 8.30m (trên mức BĐ3: 1.80m) và sông Vệ tại trạm Sông Vệ: 6.00m (trên mức BĐ3: 1.50m), đây là mực nước lũ xấp xỉ lũ lịch sử vào năm 1999.
 
Sông Trà khúc chỉ còn 0,5m nữa là tràn qua đê ở bờ Nam.
Sông Trà khúc chỉ còn 0,5m nữa là tràn qua đê ở bờ Nam.

Khu dân cư gần sông Vệ nước ngập tràn vào nhà dân


Khu dân cư gần sông Vệ nước ngập tràn vào nhà dân
Khu dân cư gần sông Vệ nước ngập tràn vào nhà dân

Thị trấn Di Lăng thuộc huyện miền núi Sơn Hà chìm ngập trong biển nước.

Thị trấn Di Lăng thuộc huyện miền núi Sơn Hà chìm ngập trong biển nước.

Doãn Công - Hồng Long