Bình Định:
Hàng ngàn ngôi nhà ngập sâu, nhiều tuyến đường huyết mạch bị nhấn chìm
(Dân trí) - Hàng ngàn ngôi nhà bị ngập, nhiều tuyến giao thông huyết mạch chìm trong biển nước, ít nhất 4 người thiệt mạng do lũ gây ra. Nước dâng quá nhanh, người dân không kịp trở tay...
Ghi nhận của PV Dân trí tại Bình Định, từ nửa đêm 14 đến trưa ngày 15/11, trên địa bàn tỉnh mưa xối xả diện rộng. Nước lũ dâng rất nhanh, nhấn chìm nhiều vùng dân cư, người dân trở tay không kịp.
Tại huyện Tây Sơn, lượng mưa đo được trong cùng thời gian lên đến 300 mm. Nước từ sông Đồng Hươu, Đá Hàng tràn về nhập với lưu lượng xả lũ gần 21.611m3/s từ hồ Định Bình và Thuận Ninh khiến lũ sông Kôn lên nhanh, đạt đỉnh tương đương với lũ lịch sử năm 1999.
Nước lũ dâng cao, dòng nước chảy xiết xô đổ 1 trụ điện cao thế và bẻ gãy nhịp giữa của cây cầu bắc qua suối Cát của huyện. Nước lũ cũng làm QL 19 từ huyện Tây Sơn đi TP Quy Nhơn và các huyện bị chia cắt nhiều đoạn. Lực lượng chức năng phải lập chốt chặn, phong tỏa việc đi lại bằng phương tiện vận tải thô sơ và xe máy.
Theo thống kê ban đầu của UBND huyện Tây Sơn, đến 18 giờ 15/11, trên địa bàn huyện đã có 2 người chết. Nạn nhân đầu tiên là bà Đỗ Thị Kim Loan, (43 tuổi ở thôn Thuận Truyền, xã Bình Thuận) xác được phát hiện dưới lòng kênh Văn Phong hồi 5 giờ sáng. Người còn lại là ông Trần Văn Sang (40 tuổi ở khối Hòa Lạc, thị trấn Phú Phong), bị nước cuốn trôi trưa cùng ngày khi đang di dời vật nuôi trong vùng ngập nước.
Theo ông Nguyễn Chí Quang, Chánh văn phòng UBND huyện Tây Sơn cho biết, từ năm 1984 đến nay, trên địa bàn huyện chưa có lũ lớn như thế này. Lần đầu tiên khu Bảo tàng Quang Trung nằm trên địa bàn thôn Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong bị ngập lút nước như bây giờ.
Tại huyện Hoài Ân, từ đêm ngày 14 đến sáng ngày 15/11 có mưa to đến rất to, mực nước sông An Lão và Kim Sơn dâng cao đã gây ngập lụt trên diện rộng. Nước lũ lớn làm nhiều trục đường chính thuộc tỉnh lộ ĐT 629, ĐT 630 bị chia cắt.
Theo thống kê của UBND huyện Hoài Ân, đến chiều 15/11 đã có 128 đập tạm, đập bổi bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn; 07 đập dâng kiên cố của 03 xã vùng cao ĐắkMang, Bok Tới, Ân Sơn bị sạt lở, bồi lấp khá nghiêm trọng. Đến nay, có 17/22 hồ chứa nước trên địa bàn huyện này đã qua tràn. Lũ nhanh đã khiến 7.200m kênh mương bị sạt lở, bồi lấp khá nghiêm trọng với khối lượng 4.500 m3; trong đó một số đoạn kênh cấp I bị sạt lở, bồi lấp nặng như: Kênh mương hồ Mỹ Đức, hồ Suối Rùn; hồ Kim Sơn; hồ Hóc Mỹ; hồ Hội Long.
Còn tại huyện Tuy Phước, nước tràn qua nhiều tuyến đê sông Hà Thanh, có đoạn ngập hơn 1m, uy hiếp tuyến đê tại các xã Phước An, Phương Thành và thị trấn Diêu Trì. Ở phía bắc tỉnh, huyện Hoài Ân, có 2.313 nhà dân ngập sâu đến 0,5 m. 1 trường hợp bị thiệt mạng là em Trần Thanh Giản, 17 tuổi, ở thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa.
Một số hình ảnh PV Dân trí ghi lại tại tỉnh Bình Định chiều 15/11:
Doãn Công