1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Ngãi:

Lời kêu cứu của cô giáo trẻ 5 năm bị chồng bạo hành

(Dân trí) - Kết hôn từ năm 2007, đôi vợ chồng “trai tài gái sắc” đều là giáo viên có với nhau một bé trai kháu khỉnh khiến hạnh phúc tưởng như quá vẹn tròn. Nhưng những cay đắng, tủi nhục từ người chồng liên tục giáng xuống khiến người vợ phải gửi đơn kêu cứu.

Đó là hoàn cảnh của cô giáo Bùi Thị M.Đ, giáo viên trường THCS thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Cầm lá đơn kêu cứu đến Báo điện tử Dân trí nhờ giúp đỡ, cô giáo Đ. rưng rưng kể, từ ngày về làm vợ, cô thường xuyên bị chồng là ông Đoàn L.A - giáo viên môn tiếng Anh kiêm Chủ tịch Công đoàn trường THCS Bình Long, huyện Bình Sơn – đánh đập, thường là không có lý do.

 

Hai lần bị chồng đánh phải nhập viện

 


Những thương tích chi chít trên người cô giáo Đ. do bị chồng đánh

Những thương tích chi chít trên người cô giáo Đ. do bị chồng đánh
 
Chị M.Đ kể, không tính những lần bị chồng đánh “lẻ tẻ”, có hai lần chị bị người chồng làm trong ngành giáo dục đánh đập thậm tệ, phải nhập viện cấp cứu. Cả hai lần chị đều nhập viện đa khoa Bình Sơn. Một lần ngày 22/11/2011, ngay sau ngày nhà giáo Việt Nam, bệnh viện xác nhận chị Đ. bị đa chấn thương do bị đánh. Lần thứ hai vào ngày 28/4/2012, bệnh viện xác nhận chị bị đa chấn thương tụ máu phần mềm.

 

Ngoài ra, theo đơn thư của chị Đ., suốt 5 năm chung sống chị thường xuyên bị đánh đập. Chồng đi làm về muộn, chị gọi điện hỏi: đánh. Chị đang mang thai 7 tháng, không chịu mắc màn trước khi ngủ: đánh. Khi chị mới sinh con được 2 tháng 21 ngày, bị chồng đánh không rõ lý do, chị gặng hỏi lại thì bị đánh thêm…

 

Cô giáo M.Đ. trình bày: “Bằng sức chịu đựng vốn có của người phụ nữ, tôi cũng đã cố gắng chịu đựng nhịn nhục, âm thầm ôm nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, cũng chỉ mong con tôi có đủ cha đủ mẹ… Những vết thương trên cơ thể tôi được các bác sĩ điều trị, còn vết thương trong tâm hồn tôi và con trai bé nhỏ 46 tháng tuổi thì thật khó mà lành lại được! Hiện tại tôi rất sợ khi nhớ lại thời gian chung sống ở gia đình chồng…”.

 

Chị Đ. cho biết hiện chị đã đem con trai về nhà mẹ đẻ sống để bảo toàn tính mạng cũng như tìm sự yên ổn trong tâm hồn.
 
Hai lần bị bạo hành phải nhập viện
Hai lần bị bạo hành phải nhập viện

 

Cũng theo lời chị Đ. thì mẹ chồng chị bà Lê Thị X.T. (73 tuổi, quê Thanh Hóa, ngụ tại tổ dân phố 5, thị trấn Châu Ổ), trước đây từng làm Phó Phòng GD&ĐT huyện Bình Sơn, cũng từng “cấm” con trai bà không được ngủ với chị, không cho chị ăn cơm cùng mâm, thường xuyên xúi giục con trai bỏ vợ…

 

“Tôi đánh vợ là sai trái”

 

Ngày 8/5/2012, nhận được đơn kêu cứu của chị Đ., ông Phạm Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Châu Ổ - đã chủ trì buổi hòa giải có sự tham gia của UBMTTQVN, Thanh tra, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Công an địa phương,... Tại buổi hòa giải, chồng cô giáo M.Đ. là ông L.A. thừa nhận: “Bản thân tôi nhận thấy rằng việc đánh vợ tôi là sai trái”. Tại buổi hòa giải đó, ông Hải đã kết luận: “Đây là buổi bảo vệ nhân phẩm cho chị Đ. Đề nghị ông A. sau sự việc này cần nhìn nhận lại hành vi của mình”.

 

Ông Phạm Ngọc Não - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Sơn - cũng thừa nhận việc ông A. đánh vợ là có thật. Lãnh đạo trường THCS Bình Long và Phòng GD&ĐT đã phê bình ông Đoàn L.A., đề nghị ông A. rút kinh nghiệm, không tái phạm hành vi bạo hành gia đình.

 

Tuy nhiên, mọi động thái trên của chính quyền vẫn chỉ ở dạng nhắc nhở, giảng hòa. Cô giáo Đ. cho rằng mình và con trai vẫn chưa được bảo vệ mạnh mẽ về nhân phẩm, tính mạng. Cô tha thiết mong chính quyền có cách bảo vệ tích cực hơn nữa để cô yên tâm công tác.
 
Phòng GD-ĐT phê bình ông L.A và yêu cầu... rút kinh nghiệm
Phòng GD-ĐT phê bình ông L.A và yêu cầu... rút kinh nghiệm

 

Theo kết quả khảo sát, hàng năm có khoảng từ 2-3% gia đình có hành vi bạo lực về thể chất (đánh đập), 25% gia đình có hành vi bạo lực tinh thần, 30% các cặp vợ chồng có hiện tượng ép buộc quan hệ tình dục. Bên cạnh đó, theo số liệu từ Bộ Công an, trên toàn quốc khoảng từ 2-3 ngày có 1 người bị giết liên quan đến bạo lực gia đình, trong số 1.000 vụ giết người hàng năm có khoảng 14% vụ giết người liên quan đến bạo hành gia đình.

 

Mặc dù Luật Phòng chống bạo lực gia đình hiện diện trong đời sống người dân Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực thi và bảo vệ cho người bị bạo hành gia đình dường như vẫn còn bỏ ngỏ.

 

Hồng Long