1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Lời kể của chiến sĩ cứu hộ trong vụ sập nhà vì nổ gas

(Dân trí) - “Khối bê tông nặng hàng tấn sập xuống, đè lên hai em nhỏ. Công tác cứu hộ diễn ra nhanh chóng nhưng phải rất cẩn trọng với mong muốn đưa 2 em được ra an toàn nhất”, Nguyễn Duy Trình, chiến sĩ trực tiếp đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường, nhớ lại.

Ngay sau khi nhận tin báo về vụ nổ, Trình và các chiến sĩ khác trong Phòng Cảnh sát PCCC Hoàng Mai được điều động ngay đến hiện trường. “Vừa tập thể dục xong, chúng tôi được lệnh tức tốc đến hiện trường. Tới đó, cả ngôi nhà 2 tầng, 1 tum bị thổi tung, chỉ còn một đống đổ nát. Xác định công tác cứu hộ rất khó khăn lãnh đạo đã huy động 3 đội gần nhất đến chi viện”, Trình cho biết.
 
Lời kể của chiến sĩ cứu hộ trong vụ sập nhà vì nổ gas - 1
Lực lượng cứu hộ nhanh chóng có mặt tại hiện trường vụ sập nhà.

Tiếp cận được hiện trường, qua lời kể của nhân chứng, Trình và đồng đội nhanh chóng khoanh vùng 2 em còn mắc lại trong vụ sập nhà. “Khoan cắt hàng loạt gạch đá, bê tông, đến gần 10h chúng tôi nhìn thấy 2 em.

Lúc này, công tác cứu hộ càng lúc càng khó khăn. Nhìn thấy hai em nhỏ người phủ đầy bụi và không biết tình hình sức khỏe ra sao, trong khi đó cả khối bê tông trần nhà nằm thoai thoải, có nguy cơ sập chèn thêm vào người 2 em và đè lên chúng tôi bất cứ lúc nào”, Trình nhớ lại giây phút tiếp cận hai em nhỏ.
 
Lời kể của chiến sĩ cứu hộ trong vụ sập nhà vì nổ gas - 2
 
Trình cho biết, mặc dù tiếp cận được 2 em nhưng việc đưa ra ngoài rất khó khăn. Do khối bê tông quá dày nên việc khoan, cắt rất vất vả. “Khi nhìn thấy 2 em, bụi bẩn bám đầy người và không thấy dấu hiệu cử động, chúng tôi luôn hy vọng các em sẽ sống sót nên việc cứu chữa phải tiến hành an toàn nhất và rất cẩn trọng”, Trình nói.
 
Nằm giữa nhà nên em trai Trần Duy Anh bị cả khối bê tông đè lên người. Còn Trần Ngọc Tâm bị thang đè vào đầu và một khối bê tông đè vào chân. “Lúc đó chúng tôi xác định phải đưa Duy Anh ra trước, sau đó mới tiếp cận và đưa Tâm ra”, Trình cho biết. Theo Trình, quá trình đưa Tâm ra ngoài gian nan và mất thời gian hơn Duy Anh rất nhiều.
 
Lời kể của chiến sĩ cứu hộ trong vụ sập nhà vì nổ gas - 3
Những phút tranh thủ của các chiến sỹ cứu hỏa.

Nguyễn Văn Sang một nhân viên cứu hộ cho biết, các tấm bê tông to đè lên người nạn nhân, trong khi đó địa thế làm việc chật chội, gây cản trở công tác cứu hộ. Vì vậy, phải đến 10h30 phút, các chiến sỹ mới đưa được Duy Anh ra ngoài và đến gần 12h mới đưa được Tâm thoát khỏi đống đổ nát.

Trực tiếp chỉ huy hiện trường vụ sập nhà, Đại tá Nguyễn Văn Lâm - Trưởng Phòng cảnh sát PCCC Hoàng Mai - cho biết, công tác cứu hộ diễn ra từ 6h30 đến 12h. “Khi đến ngôi nhà bị sập, chúng tôi chưa xác định được vị trí 2 cháu bé đang nằm. Việc tìm kiếm lúc đầu chỉ thông qua lời của thân nhân và tổ trưởng dân phố. Chúng tôi vừa làm vừa thăm dò hiện trường”, Đại tá Lâm cho biết.
 
Lời kể của chiến sĩ cứu hộ trong vụ sập nhà vì nổ gas - 4
Hơn 5 tiếng đồng hồ, công tác cứu hộ mới được hoàn thành.

Theo Đại tá Lâm, tầng 2 và một tum của ngôi nhà bị sập toàn bộ. Địa hình chật hẹp, trạm biến thế điện nằm liền kề với ngôi nhà sập. Hơn nữa, cũng bởi vì các xe cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp không thể tiếp cận được do quá lớn nên việc khoan phá bê tông gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Do vậy, lực lượng cứu hộ phải dùng các dụng cụ khoan phá, cắt, cưa… bằng tay.

“Sau khoảng 5 tiếng rưỡi cứu hộ, chúng tôi đã đưa được 2 nạn nhân ra khỏi hiện trường bảo toàn nguyên vẹn cơ thể của hai cháu bé. Được xác định đây là sự việc có tính chất nghiêm trọng nên toàn bộ Ban Giám đốc Sở PCCC cùng các đơn vị đã tham gia tích cực để hoàn thành được nhiệm vụ”, Đại tá Lâm nói.

Bài: Lan Hương - Quang Phong
Ảnh: Việt Hưng