DMagazine

Lời hứa "nuôi Nguyễn Chí Vịnh nên người" của các Ủy viên Bộ Chính trị

(Dân trí) - Tướng Nguyễn Chí Vịnh nói, những năm tháng sau khi cha ông mất, ông đã được cả Bộ Chính trị dành cho một tình thương yêu nghiêm khắc. Họ đã cho ông cơ hội trở thành một người lính tình báo...

Tướng Nguyễn Chí Vịnh nói, những năm tháng sau khi cha ông mất, ông đã được cả Bộ Chính trị dành cho một tình thương yêu nghiêm khắc. Họ đã cho ông cơ hội trở thành một người lính tình báo, giúp ông ở trong những năm tháng "xuống tận đáy" của đời mình tìm được chính bản thân ông cũng như con đường mà ông muốn đi.

Lời hứa nuôi Nguyễn Chí Vịnh nên người của các Ủy viên Bộ Chính trị - 1

Lời hứa "nuôi Nguyễn Chí Vịnh nên người" của các Ủy viên Bộ Chính trị

Tô Lan Hương: Mồ côi ba từ năm 8 tuổi, ký ức của ông về ba mình là gì?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Nhiều ký ức của tôi về ba là do mẹ tôi kể lại, bà sợ tôi thiệt thòi vì không hiểu chuyện, sợ tôi sẽ không nhớ về ba. Nhưng tôi nhớ, ông không mang quân hàm Đại tướng vào cuộc sống đời thường.

Ở nhà, ông yêu thương bà nội, chiều chuộng mẹ tôi, thích chơi với con và chiều chiều hay đánh bóng bàn cùng các chú bảo vệ. Khi vào Nam, viết thư ra, ba dặn chúng tôi: "Người ta sống sao thì mình vậy".

Lời hứa nuôi Nguyễn Chí Vịnh nên người của các Ủy viên Bộ Chính trị - 3

Trong nhà, bà nội là người mà cha tôi vô cùng kính trọng, tôn thờ. Ông nội mất sớm, bà nội nuôi ba tôi và cho ông đi làm cách mạng. Ông yêu kính bà nội tôi vô cùng, nhưng lại sợ bà thiếu khiêm tốn khi có con trai là Đại tướng.

Có một hôm có việc gì đó nên bà nặng lời với các chú bảo vệ, chú Ka thư ký nói lại với ba tôi. Ông bảo đưa việc này ra chi bộ kiểm điểm nghiêm túc, bà nội tôi phải xin lỗi, nhận khuyết điểm. Bà nhận khuyết điểm trong buổi họp chi bộ, nhưng lúc ba tôi về, có riêng hai mẹ con, thì bà nội mắng ba, trách ông vì đã bắt bà phải kiểm điểm trước chi bộ…

Sau khi ba mất, các chị tôi đều đã đi học trường thiếu sinh quân. Nhà chỉ còn bà nội, mẹ và tôi. Mẹ tôi từng bảo với tôi, bà sống chỉ vì tôi, nếu không bà đã buông tay rồi. Trong ký ức của mình, tôi không nhớ bà còn nở một nụ cười nào nữa sau ngày ba mất…

Nhưng bà vẫn cố gắng làm việc cơ quan cho thật tốt, nuôi dạy tôi, sống với tất cả lòng tự trọng và kiêu hãnh của bà. Ngày 30/4, đất nước thống nhất, tôi trở về nhà báo tin mừng cho mẹ, nhưng lại thấy bà ngồi ở một góc tối trong bếp, lặng lẽ khóc một mình. Chắc hẳn mẹ nhớ ba nên khóc.

Lời hứa nuôi Nguyễn Chí Vịnh nên người của các Ủy viên Bộ Chính trị - 4

Những năm đó, mẹ tôi ốm đau, bệnh tật nhiều. Tôi luôn có cảm giác bà đã "chết" ở trong lòng, cùng cái ngày ba tôi qua đời. Vào năm 1980, 13 năm sau ngày ba tôi qua đời, mẹ tôi đi theo ba.

Tô Lan Hương: Mất cha năm 8 tuổi, mất mẹ khi chưa thực sự thành người, ông đã vượt qua những năm tháng đó như thế nào?

Lời hứa nuôi Nguyễn Chí Vịnh nên người của các Ủy viên Bộ Chính trị - 6

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Năm mẹ tôi mất, tôi 21 tuổi. Vì bà ốm đã lâu, nên tôi nghĩ mình đã luôn chuẩn bị tinh thần đón nhận ngày này. Nhưng lúc liệm bà, người ta dùng đinh 10 phân đóng vào nắp quan tài, mà tôi cảm thấy mỗi nhát búa như đang đóng thẳng vào tim mình, xong tiếng trước lại nín thở chờ tiếng sau, sợ lắm! Lúc đó tôi đứng dựa vào tường, nhận ra vậy là mình đã mất hết rồi. Đó là lúc tôi cảm nhận đời mình đã xuống đến tận đáy. 

Nhưng con người đã xuống đến đáy thì khắc phải vùng lên, vì nếu không vùng lên thì không còn gì nữa cả. Và tôi chính là như thế.  Tôi hiểu, bây giờ hoặc là buông, hoặc là phải cố gắng phấn đấu để thành người.

Vài ngày sau khi mẹ tôi qua đời, tôi rời khỏi căn nhà mà tôi đã sống cùng ba mẹ và cả đại gia đình ở 34 Lý Nam Đế, vai khoác balo lên tàu vào Nha Trang nhập học trường Sĩ quan Thông tin. Khi ấy, bạn tôi - Trần Việt Trung (con trai Thiếu tướng Trần Tử Bình) chạy vào nhà, lấy ra một chậu hoa tóc tiên và một cây roi nhỏ mang về nhà cậu ấy.

Sau này, vào những năm 1990, tôi mua được một mảnh đất ở Chèm. Ngày dọn vào nhà mới, bạn tôi mang đến chậu hoa tóc tiên và một cây roi được chiết từ cây roi năm xưa trao cho tôi và nói: "Tao giữ lại chúng cho mày. Sau mấy chục năm, bây giờ mày có nhà lại rồi thì tao trao lại. Xong nhiệm vụ!". Bây giờ chậu hoa tóc tiên và cây roi đó vẫn được trồng trong căn nhà của tôi tại Chèm.

Lời hứa nuôi Nguyễn Chí Vịnh nên người của các Ủy viên Bộ Chính trị - 7

Tô Lan Hương: Nguyễn Chí Vịnh của những năm tháng sau khi mất đi cả ba và mẹ là một người như thế nào?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi hiểu rằng tôi sẽ không còn gì nếu không chịu phấn đấu. Lúc bấy giờ nó là bản năng sinh tồn. Khi đã hiểu phấn đấu bằng bản năng sinh tồn của mình thì sẽ trở nên mạnh mẽ và tự tin.

Ngoài chuyện cố gắng học cho tốt, không vi phạm kỷ luật thì chỉ còn một việc duy nhất mà tới giờ tôi vẫn thích: cố mà đọc. Không có sách thì vào thư viện. Tới mức cô thủ thư trong trường Sĩ quan còn tưởng tôi thích và đến tán cô ấy. Hóa ra sau này vốn liếng đó quý thật.

Dù không nhớ hết nhưng những cuốn sách đó rất bổ ích cho cuộc đời tôi sau này.  Sau 3 năm ra trường, tôi đã thành con người khác và xin sang chiến trường Campuchia. Tôi đã thay đổi đến mức nhiều người không nhận ra tôi nữa.

Lời hứa nuôi Nguyễn Chí Vịnh nên người của các Ủy viên Bộ Chính trị - 9

Tô Lan Hương: Sau khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất, có phải là đã có một lời cam kết giữa giữa các Ủy viên Bộ Chính trị (BCT) về việc sẽ cùng nuôi dạy Chí Vịnh nên người…

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đúng là các chú, các bác trong Bộ Chính trị đã yêu thương tôi suốt những năm đó. Những chuyện vất vả khó khăn thời bao cấp, khi "nhà không còn nóc" thì nhiều, nhưng tôi có thể nói rằng, trong tôi và cả gia đình tôi đều mang nặng ân tình của các bác, các chú cùng công tác, chiến đấu cùng ba mẹ tôi, từ người lãnh đạo, tướng lĩnh cao cấp đến chú bảo vệ, lái xe, công vụ...

Khi Bác Hồ còn sống, thi thoảng Bác gọi gia đình tôi đến ăn cơm, hỏi han chuyện học hành. Vào ngày giỗ của ba tôi hàng năm, các bác các chú đều có mặt, hỏi han tôi chuyện học hành, công việc, rồi lại kể cho tôi nghe về ba tôi. Chính vì thế mà giờ tôi có rất nhiều ký ức về các ông.

Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, chú Văn Tiến Dũng mời mẹ tôi vào Nam dự lễ mừng chiến thắng ngày 15/5/1975, nhưng mẹ tôi không đi, cho ba chị em chúng tôi đi. Lúc bấy giờ, bác Ba Duẩn đang ở khu Trung ương Cục ở An Phú, biết chị em tôi vào, bác Ba đã gọi chị em tôi đến ăn cơm, dành cả một buổi trưa chỉ kể chuyện về cha tôi, rồi dặn chú Dũng để ba chị em tôi ở lại cho đi thăm Sài Gòn.

Tôi đã được đi khắp miền Nam trong một tháng đó. Sau này tôi mới nhận ra rằng chị em mình được ông Duẩn mời cơm và gửi gắm cho đi chơi khắp các tỉnh miền Nam còn cả nhà ông Duẩn thì không ai được vào. Ông ấy nghĩ đến ba tôi - người đã ra đi từ sớm, trước khi nghĩ đến gia đình mình.

Các bác, các chú trong BCT ngày đó thương tôi, nhưng không nuông chiều. Không phải tôi muốn gì là được. Có giai đoạn gần 2 năm đi rèn luyện ở Thanh Hóa, chỉ đạo của BCT là tuyệt đối không được nuông chiều, ưu tiên, nên từ chiến sĩ thông tin, đến chăn trâu, làm ruộng, lợp nhà, anh nuôi... tôi đều phải làm hết.

Tôi nhớ hồi đó khi Tết đến mỗi người có một cái bánh chưng. Vì sáng tác một bài nhạc cho tiểu đoàn nên được thưởng thêm cái nữa là hai. Ngoài ra còn có cân lạc rang và chai rượu tự chiêu đãi.

Vào ngày tôi cưới vợ, các bác, các chú đều có mặt. Bác Lê Trọng Tấn ngồi ở đám cưới mà khóc suốt vì nhớ ba tôi.

Các chú, các bác đều có lời cảm ơn gia đình vợ tôi vì đã cho tôi một gia đình mới. Không hẹn mà gặp, họ đều nói: "Tôi mừng vì cháu Vịnh đã bắt đầu nên người, mừng vì nó cuối cùng cũng đã lại có một gia đình. Lúc này mới thấy thở phào nhẹ nhõm".

Còn rất nhiều chuyện về tình yêu thương nghiêm khắc của các bác hồi đó dành cho tôi, một ngày nào đó tôi sẽ ngồi xuống chia sẻ với chị.

Lời hứa nuôi Nguyễn Chí Vịnh nên người của các Ủy viên Bộ Chính trị - 10
Lời hứa nuôi Nguyễn Chí Vịnh nên người của các Ủy viên Bộ Chính trị - 11

Tô Lan Hương: Chuyện ông đi chiến đấu ở chiến trường Campuchia - nơi mà ông nói đã thay đổi tư duy của ông, thay đổi con đường binh nghiệp của ông là do ông tự nguyện, hay là do sắp xếp của các Ủy viên BCT ngày đó?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Là tôi xung phong tình nguyện chứ không có sắp xếp nào cả. Thậm chí các chú ấy còn không muốn cho tôi đi.

Sau 3 năm học ở trường Sĩ quan, chú Văn Tiến Dũng (khi ấy là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) định cho tôi đi học chiến tranh điện tử ở Liên Xô. Mà hồi đó, đi Liên Xô là đổi đời, ai cũng muốn. Nhưng khi vào đơn vị chuẩn bị đi tôi mới biết chỉ có mình là không biết tiếng Nga, càng không biết điện tử là gì.

Không muốn đi "làm cảnh",  nên tôi quay lại gặp chú Văn Tiến Dũng nói không đi nữa và xin sang chiến trường Campuchia. Nhưng chú Dũng nói phải xin ý kiến ông Sáu Thọ (tức ông Lê Đức Thọ), người có quyền lực thứ 2 trong Đảng khi đó.

Bác Sáu Thọ nghe xong nói ngay: "Không được, anh Thanh chỉ có mỗi thằng con, giờ đi như vậy lỡ có làm sao thì biết ăn nói thế nào". Chú Văn Tiến Dũng nghe vậy nên quyết định không cho tôi đi nữa. Cuối cùng, tôi đến xin gặp chú Sáu Nam (Đại tướng Lê Đức Anh) - khi đó đang là Tư lệnh mặt trận Campuchia.

Lần gặp đầu tiên đó, chú Sáu Nam nói:

- Chú đồng ý để cháu thực hiện nguyện vọng sang Campuchia. Nhưng đi chiến trường là để công tác và chiến đấu, chưa tiến bộ là chưa được về đâu đấy.

Tôi đã hứa với chú Sáu Nam:

- Cháu hứa sẽ cố gắng công tác, chưa thành người cháu chưa về.

Lời hứa nuôi Nguyễn Chí Vịnh nên người của các Ủy viên Bộ Chính trị - 13

Cuối cùng, tôi được sang chiến trường Campuchia, nhưng vẫn phải có sự cho phép của ông Sáu Thọ. Bây giờ nghĩ lại đó chính là tấm lòng của các ông ấy với ba tôi. Chứ lúc đó tôi chỉ là một Trung úy mới ra trường, chẳng có tư cách gì để được quan tâm đến thế.

Lời hứa nuôi Nguyễn Chí Vịnh nên người của các Ủy viên Bộ Chính trị - 15

Tô Lan Hương: Ở chiến trường Campuchia, ông bắt đầu bước chân vào con đường của một người sĩ quan tình báo. Ông đã thực hiện lời hứa "chưa thành người chưa về" với Đại tướng Lê Đức Anh như thế nào?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: May mắn thứ nhất là gặp một ông thầy rất nghiêm khắc - Thiếu tướng tình báo Ba Quốc. Tôi nhớ câu đầu tiên ông nói với tôi là: "Cậu được ăn chơi sung sướng từ nhỏ, còn đây là công việc sống chết. Cậu hãy cân nhắc, không làm được thì xin về".

Những ngày đầu, ông Ba Quốc nghiêm khắc với tôi. Ông biết trách nhiệm của mình là phải dìu dắt con của một đồng chí BCT và được Đại tướng Lê Đức Anh gửi gắm. Nhưng lòng tin của ông với tôi thì chưa có. Nhưng sau này khi đã vượt qua được thì ông lại rất tin tôi.

Dù ông đã dội một gáo nước lạnh lên người tôi ngay buổi đầu gặp mặt, nhưng tôi đã cùng làm  việc với ông suốt 20 năm, được ông bảo ban dìu dắt, dù rất nghiêm khắc, nhưng luôn được ông thương yêu, dạy dỗ và thấu hiểu.

Lời hứa nuôi Nguyễn Chí Vịnh nên người của các Ủy viên Bộ Chính trị - 17

May mắn thứ hai là ở Campuchia,  làm việc trong môi trường nhiều thông tin, lại rất khốc liệt và căng thẳng, nên tôi học hỏi được rất nhiều điều.

Cái khốc liệt là áp lực công việc, vì nghề này không cho phép sai lầm. Vì nó là sống chết, thành bại, thắng thua. Nó ép tôi phải làm việc và luôn cố gắng tư duy nhiều hơn những gì tôi có.

Đến hôm nay, tôi vẫn có thể thức 24 tiếng liên tục trong tình trạng làm việc cao độ, rồi sau đó có thể ngủ một mạch 2-3 ngày.

Nghề tình báo dạy cho tôi hiểu hơn thế nào là kẻ thù, thế nào là xâm hại của bên ngoài đối với đất nước mình, giúp tôi hiểu mình cần nhất quán trong quan điểm, cũng giúp tôi hiểu hơn về những lựa chọn của thế hệ những người như ba tôi. Sau này đi làm đối ngoại quốc phòng, chỗ này có thể thương lượng, chỗ kia có thể mềm dẻo, nhưng khi bước tới ranh giới xâm phạm lợi ích quốc gia, thì ngay lập tức phải có thái độ rõ ràng.

Có người dẫn dắt, có môi trường phù hợp, tôi trưởng thành dần lên, thoát dần ra khỏi cái đáy mà tôi đã rơi xuống ngày mẹ tôi mất.

Lúc rời khỏi chiến trường Campuchia năm 1989, hành trang của tôi có hai điều quan trọng: đầu tiên là sự tự tin vào bản thân. Thứ hai là học được cách làm việc và tin vào cách làm việc của mình. Năm đó tôi nghĩ mình chỉ vừa bước qua ranh giới con số 0 một chút, nhưng ít nhất đã nhìn thấy con đường mình cần phải đi và tự tin con đường đó là đúng.

Tô Lan Hương: Nãy giờ nghe ông kể, tôi vẫn luôn tò mò một điều, sao ông lại chọn vào ngành tình báo ?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Không phải tôi chọn, mà là những người đồng chí của ba tôi  như bác Sáu Thọ, chú Văn Tiến Dũng, chú Sáu Nam chọn cho tôi. Lý do vì cơ quan tình báo quan hệ ở Campuchia là một đơn vị quân đội tuyệt đối đáng tin cậy. Những người chỉ huy tình báo ở đó như ông Tư Văn, ông Vũ Chính (Bố vợ tôi sau này) là những người vô cùng tốt, lại uyên bác, trung thành và nghiêm khắc. Các ông gửi tôi vào đó với vì tin ở đó, ông Ba Quốc sẽ dìu dắt tôi, sẽ không bao giờ bỏ rơi tôi, cũng sẽ nghiêm khắc rèn rũa tôi, chứ nói công bằng thì lúc đó tôi đã có năng lực gì đâu mà bảo là nhìn ra năng lực để mà lựa chọn.

Chính sự gửi gắm mang tính chất "tương đối an toàn" của các chú đã tạo cho tôi một cơ may, cho tôi vào môi trường được tiếp cận với đầy ắp thông tin, khiến tôi cảm thấy mình như cá gặp nước. Nên nói tôi chọn nghề cũng không phải, nói nghề chọn tôi càng không phải. Chính là sự sắp đặt vô tình đầy thiện chí và quan tâm của các ông đã cho tôi cơ may có một sự nghiệp như bây giờ.

Lời hứa nuôi Nguyễn Chí Vịnh nên người của các Ủy viên Bộ Chính trị - 19
Lời hứa nuôi Nguyễn Chí Vịnh nên người của các Ủy viên Bộ Chính trị - 21

Tô Lan Hương: Có một điều rất thú vị là đến giờ, gia đình ông và các chị gái của mình tất cả đều sống chung trong một ngôi nhà trên phố Phan Đình Phùng - điều rất hiếm gặp trong các gia đình hiện đại khác. Nó có phải vì chấp niệm của ông với việc có một căn nhà quá lớn sau những năm tháng gia đình ông mỗi người một nơi?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Sau ngày ba mẹ tôi mất, ngôi nhà 34 Lý Nam Đế vẫn là mái ấm của đại gia đình. Dù đi đâu, về đâu mỗi khi đến ngày giỗ ba mẹ, ngày lễ tết chị em tôi đều về tụ họp cùng nhau, cùng ăn chung, sinh hoạt chung.

Gia đình tôi có một thói quen, đó là dù bi kịch mấy cũng phải giữ tiếng cười. Nên ngày giỗ ba mẹ là ngày gặp mặt của gia đình, cùng nhau sum họp, nói những câu chuyện vui.

Đến năm 1986 gia đình tôi trả lại ngôi nhà 34 Lý Nam Đế cho nhà nước, ngay từ khi đó tôi đã luôn mơ ước sẽ đến ngày nào đó chúng tôi lại có một ngôi nhà chung như thế, để sống cuộc sống có người thân bên cạnh.

Sau này, theo tiêu chuẩn của nhà nước, gia đình tôi được hóa giá một miếng đất ở 47 Phan Đình Phùng, mấy chị em góp tiền mua đất, xây nhà. 2 tầng dưới để thờ ba mẹ, còn lại mỗi chị em một căn hộ ở trên

Tô Lan Hương: Cảm giác của ông khi cuối cùng đã có lại được ngôi nhà để sum vầy bên người thân…

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Rất sung sướng và thỏa mãn. Đó là nguyện vọng của tất cả mọi người trong gia đình tôi, nên ai cũng vui vẻ dọn về đó ở. Có thể đôi khi mỗi tháng cãi nhau chỉ vì thấy công tơ điện nhà mình cao bất thường, nhưng tôi nghĩ cuộc sống ấy mới là cuộc sống thực sự của một gia đình.

Lời hứa nuôi Nguyễn Chí Vịnh nên người của các Ủy viên Bộ Chính trị - 23

Tôi luôn nhớ những ký ức về ngôi nhà tôi từng sống cùng cha mẹ thời thơ ấu. Nên sau này, khi mua được mảnh đất ở Chèm và có điều kiện xây dựng, tôi đã xây lại đúng kiến trúc của ngôi nhà 34 Lý Nam Đế gia đình tôi sống năm nào.

Đó là nơi tôi sẽ làm Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và sẽ chính thức mở cửa vào dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông (2024).

Tô Lan Hương: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đặt tên cho ông giống với tên khai sinh của ông (Nguyễn Vịnh). Sự kỳ vọng của Đại tướng có phải lý do ông lựa chọn kế tục cha mình trên con đường binh nghiệp?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Mẹ tôi kể, khi ông đặt tên cho tôi, bà nội mắng rất nhiều vì theo phong tục ở Huế, nhà có hai người trùng tên thế nào cũng chết một người. Nhưng ông không nghe.

Khi vào Nam ông lại lấy tên Trường Sơn, tên người anh cả của tôi đã mất năm 1947 làm bút danh cho các bài báo của mình, bà nội lại mắng. Lúc còn sống, ông thường hay nhắc đi nhắc lại với tôi: 'Trường Sơn giờ mà còn sống cũng đã 20 tuổi, nếu chiến đấu giỏi thì có lẽ đã thành Trung sĩ, Trung đội trưởng rồi". Dường như ông chỉ mong con trai mình lớn lên sẽ đi đánh Mỹ.

Từ năm tôi 4 tuổi, tôi đã được ba thêu trên ve áo hai miếng dạ màu đỏ không sao không vạch. Ông tự đặt cho tôi chức "binh bét" và luôn bảo tôi rằng khi lớn lên con đường của tôi là đi bộ đội. Dù sau này đeo quân hàm Tướng, tôi vẫn mãi tự hào với quân hàm binh bét mà ba tôi trao tặng. Có lẽ vì thế mà việc trở thành bộ đội với tôi như là việc đương nhiên, là tất yếu.

Tô Lan Hương: Ngày hôm nay, khi ông đã kết thúc cuộc đời binh nghiệp với quân hàm Thượng tướng, ông nghĩ nếu còn sống, ba ông có tự hào về con trai mình?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi không biết nữa. Nhưng tôi đặt ra cho mình nhiệm vụ phải hiểu về ông. Tôi đã luôn suy nghĩ về những việc ông làm, đọc về ông và tìm kiếm tư liệu, hình ảnh về ông ở bất cứ nơi đâu mà tôi có thể. 

Tôi cố gắng học ông, còn có học được bao nhiêu thì cũng khó mà nói. Chỉ biết một điều là còn xa lắm, còn phải cố gắng nhiều lắm nhưng vẫn không thể nào bằng ông được, cả đức - cả tài - cả tình - cả tâm.

Lời hứa nuôi Nguyễn Chí Vịnh nên người của các Ủy viên Bộ Chính trị - 24

Tô Lan Hương: Vì là con của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nguyên tắc sống mà ông lựa chọn là…

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Chức tước dù có muốn đến mấy nhưng không thể vì thế mà bất chấp. Nếu là đồng tiền bẩn thì đừng động vào.

Ba tôi từng nói: Thấy đồng chí lên quân hàm mà mình chưa lên thì ăn cơm thấy khó nuốt, đêm nằm không ngủ được thì không bao giờ dẹp được chủ nghĩa cá nhân. Đã là Tướng, đã theo đuổi con đường chính trị, ai cũng muốn vươn lên. Nhưng nếu lấy đó làm mục tiêu thì lại hỏng.

Mục tiêu của tôi là làm tốt công việc mình làm, còn lại phát triển được đến đâu thì vui mừng đến đó. Đó là điều tôi cố gắng học ba mình, và tôi tin là tôi đã học được.

Tô Lan Hương: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện rất xúc động này!

            Nội dung: Tô Lan Hương

  Ảnh: Mạnh Quân             

 Thiết kế: Khương Hiền