1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Loay hoay tìm hướng để người bị thu hồi đất thành “được” thu hồi

(Dân trí) - Làm sao để “người bị thu hồi đất” trở thành “người được thu hồi đất” là câu hỏi được nêu tại tọa đàm về các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành luật Đất đai sửa đổi 2013 do Liên minh Đất đai tổ chức sáng 29/3.

Đà Nẵng, TPHCM - mô hình mẫu về thu hồi đất (!?)

Liên minh Đất đai (Landa) kiến nghị tăng tính đồng thuận trong quá trình thực hiện việc nhà nước thu hồi đất thông qua đối thoại giữa các bên liên quan. Theo khuyến cáo, cơ chế nhà nước thu hồi đất không nên hiểu đơn giản chỉ là việc ban hành quyết định thu hồi, quyết định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cuối cùng là quyết định cưỡng chế. Theo Liên minh đất đai, khi tổ chức tốt quá trình đối thoại thì những xung đột phát sinh về lợi ích giữa các bên sẽ giảm đi và tính đồng thuận sẽ tăng lên.

“Điều đó vừa tạo điều kiện giảm được nguy cơ tham nhũng, vừa giảm được khiếu kiện của người có đất bị thu hồi” - báo cáo của Landa nêu rõ.
Loay hoay tìm hướng để người bị thu hồi đất thành “được” thu hồi
Những tuyến đường mới, đẹp của Đà Nẵng được đánh giá là một kinh nghiệm thành công về cơ chế thu hồi đất.

Một ví dụ cách thức vận dụng chính sách được đưa ra là Đà Nẵng với việc tổ chức khá tốt khâu đối thoại giữa chính quyền và người dân về việc nhà nước thu hồi đất gắn với quy hoạch lại thành phố, giải quyết tái định cư theo quy hoạch lại thành phố thời gian qua. Kết quả, lượng khiếu kiện của người dân về đất đai ở Đà Nẵng khá thấp khi thành phố tổ chức tái định cư cho nhiều khu phố lớn. Theo đó, Đà Nẵng đã có một quy hoạch mới hướng tới hiện đại mà chỉ cần sử dụng nội lực từ đất đai.

Cụ thể, cơ chế “góp đất và chia sẻ lợi ích” được áp dụng ở đây. Các dự án giao thông và chỉnh trang đô thị được áp dụng. Nhà nước mở rộng diện tích thu hồi dọc theo 2 bên đường, lấy quỹ đất đó “bán” cho nhà đầu tư, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách. Khi đó, chính quyền tổ chức đối thoại với người dân, công khai các dự án, lấy ý kiến người dân để tạo sự đồng thuận, thực hiện bồi thường bằng đất đối với các hộ tái định cư với giá trị quy đổi. Mức giá đền bù và tài định cư khi đó được áp dụng thống nhất cho tất cả các dự án toàn thành phố…

Dựa trên kinh nghiệm của Đà Nẵng, Landa kiến nghị bổ sung thêm 1 điều quy định về quá trình đối thoại cần thực hiện giữa chính quyền và những người bị thu hồi đất khi thực hiện cơ chế nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch (Điều 75 dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Đất đai do Bộ TN-MT đưa ra hồi tháng 1 năm nay). Điều 75b theo kiến nghị này đưa ra quy định Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp hoặc ủy quyền cho GĐ Sở TN-MT, Chủ tịch UBND huyện tổ chức đối thoại với người bị thu hồi đất về quy hoạch phát triển của địa phương, chính sách thu hồi…

TPHCM cũng được dẫn ra như một mô hình thành công khi thực hiện thu hồi đất theo dự án dựa trên nguyên tắc đồng thuận giữa nhà đầu tư và những người bị thu hồi đất. Theo đó, trong trường hợp được áp dụng cơ chế nhà nước thu hồi đất, nhà đầu tư sẽ bắt buộc phải sử dụng dịch vụ định giá đất độc lập để xác định giá đất phù hợp, lập Hội đồng thẩm định giá để xem xét đưa ra giá đất đã được thẩm định và trình UBND thành phố quyết định giá đất sẽ áp dụng khi thu hồi.

UBND cũng động viên các nhà đầu tư tự nguyện thực hiện quá trình đối thoại với những người bị thu hồi đất về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Khi sự đồng thuận đạt được ít nhất 70% số trường hợp mà không thể tiến triển thêm thì UBND mới can thiệp bằng quyết định thu hồi đất với phần diện tích không thể thỏa thuận giữa 2 bên.

Cơ chế này được đánh giá sẽ giúp nhà đầu tư chủ động trong triển khai thực hiện và dễ dàng tạo đồng thuận giữa doanh nghiệp sẽ được nhận đất và người bị mất đất trong trường hợp nhà nước thu hồi đất cho dự án đầu tư. Việc này cũng đồng thời giảm nhẹ khối lượng công việc của các cơ quan nhà nước khi tham gia vào quá trình này.

Liên minh đất đai thông tin, theo nhiều số liệu khảo sát, số lượng khiếu kiện của người bị thu hồi đất khi thực hiện cơ chế này rất thấp. Đa số người dân hài lòng với phương án đã thực hiện. Từ đó, Landa đề nghị xem xét bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp sẽ được giao đất tự nguyện ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… Điều 75c thiết kế theo hướng này cũng là khuyến nghị được đưa ra.

Đại diện của Landa khái quát, trong những tình huống này, “người bị thu hồi đất trở thành những người được thu hồi đất”. Người dân được lợi hơn thấy rõ thì khả năng đạt được đồng thuận cũng cao hơn nhiều.

“Mấy nơi thuận được như Đà Nẵng?”
Làm sao để cuộc sống của người dân sau thu hồi đất phải tốt hơn cuộc sống cũ.
Làm sao để cuộc sống của người dân sau thu hồi đất phải tốt hơn cuộc sống cũ.

Tuy nhiên, GS.TSKH Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT) - một chuyên gia về đất đai - chỉ rõ, mô hình áp dụng tại Đà Nẵng khó khả thi trong việc nhân rộng vì không nhiều tỉnh thành có được những điều kiện hấp dẫn, quỹ đất đẹp, bám biển nhiều như ở đây. Thực tế, tỉnh Bình Thuận cũng đã thử làm việc này nhưng sau khi thu hồi dôi dư đất dọc các con đường, khi kêu gọi thì lại huy động được không đáng kể nhà đầu tư tham gia. Tiền vay Kho bạc để thực hiện thu hồi đất khi đó khó có hướng hoàn lại được. Như vậy, theo ông Võ, cách thức này càng khó áp dụng với những khu vực miền núi, nơi điều kiện khó khăn hơn nữa.

Cách thức của TPHCM, ông Võ cũng cho rằng chưa “chuẩn luật” nhưng khá khả thi trong áp dụng vì vẫn “buộc” trách nhiệm của nhà nước đối với vấn đề tái định cư của người bị thu hồi đất. Nhà đầu tư khi đó chỉ đóng vai trò như đối với trường hợp thỏa thuận “mua” quyền sử dụng đất đối với người có đất.

Ông Võ gợi ý xây dựng các quy định về việc công khai minh bạch đối với các trường hợp dược hưởng lợi từ đất đai do quyết định của nhà nước mang lại – nội dung là luật Đất đai 2013 còn thiếu quy định cụ thể. Cần quan tâm tới mức độ chi tiết của công khai gồm nội dung thông tin, phương thưc công khai, thời gian công khai, người chịu trách nhiệm thực hiện…

Một điểm khác ông Võ chỉ ra là luật Đất đai 2013 cũng chưa quy định rõ ràng việc có bắt buộc phải sử dụng tư vấn giá đất độc lập hay không. Nguyên Thứ trưởng TN-MT kiến nghị quy định cụ thể thành phần của Hội đồng thẩm định giá theo hướng, các thành viên từ khu vực quản lý nhà nước không vượt quá nửa số thành viên Hội đồng, còn lại là các chuyên gia cao cấp về định giá. Quyết định giá áp dụng của UBND cấp tỉnh cũng không được đưa ra mức giá “chéo ngoe” so với kết luận thẩm định của Hội đồng mà chỉ được quyết định đồng ý hay không đồng ý với kết luận thẩm định.

Về vấn đề hỗ trợ đời sống cho người bị thu hồi đất, GS Đặng Hùng Võ kiến nghị, các nghị định hướng dẫn cần thể hiện được nội dung, sau thời gian nhà nước hỗ trợ mà người bị thu hồi đất vẫn chưa có đời sống ổn định thì nhà đầu tư dự án được giao đất có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hỗ trợ bằng kinh phí của mình như mức nhà nước hỗ trợ cho tới khi người bị thu hồi dất có đời sống ổn định như trước. Mức hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất với hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất phải bằng mức thu nhập bình quân tháng tính trong 3 năm trước khi người đó bị thu hồi đất…

“Phải chuyển khẩu hiệu “nơi tái định cư tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ” thành “cuộc sống sau thu hồi đất tốt hơn hoặc chí ít là bằng nơi ở cũ” - ông Võ khuyến cáo.

P.Thảo