Loạn “thần đèn” miền Tây

(Dân trí) - Ấp Long Hòa 1 và Long Hòa 2 thuộc xã Long Điền A (huyện Chợ Mới, An Giang) được mệnh danh là “làng thần đèn”, vì đa phần dân nơi đây sống bằng nghề di dời nhà, công trình… Thấy đây là một nghề dễ “kiếm cơm”, các “tiểu thần đèn” mọc lên như nấm…

“Tiểu thần đèn” mọc lên như nấm

Chúng tôi tìm đến doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Huỳnh ở ấp Long Hòa 2 của “thần đèn” Nguyễn Văn Buốc. Ông Buốc cho biết, trước đây ông là thợ cưa, sau quyết định đi theo học nghề di dời nhà.

Khoảng năm 1990, trên tỉnh có lệnh yêu cầu các hộ gia đình ven hai bên đường phải trả mỗi bên 5m đất để chính quyền mở rộng và nâng cấp tỉnh lộ 942. Trong lúc bà con nháo nhào chưa tìm ra cách, ông Buốc cùng 20 thanh niên theo ông Ba Bé đến giúp dịch chuyển nhà cho dân mà không cần phải phá nhà. Từ đó ông Buốc học lỏm được nghề.

“Làng thần đèn” với nhiều thương hiệu như Tư Lũy, Tám Bé, Như Tiên, Ba Tuấn…
“Làng thần đèn” với nhiều thương hiệu như Tư Lũy, Tám Bé, Như Tiên, Ba Tuấn…

Theo ông Buốc, việc di dời nhà không khó, chỉ cần nhìn qua vài lần là có thể làm được (!). Tuy nhiên cần phải nắm vững những kiến thức cơ bản như giữ cân bằng công trình chính xác, tính được độ lún để chống lún, tính trọng lượng nâng….

Sau một thời gian theo học nghề, ông Buốc đã tách ra thành lập đội quân riêng. Sau 20 năm hành nghề di dời công trình, nhà ở, ông Buốc đã thu nhận hàng chục công nhân. Trong số thợ của ông cũng có nhiều người tách ra thành “tiều thần đèn”.

Nói về những khó khăn của nghề “thần đèn”, ông Buốc cười: “Khó đến đâu mình giải quyết đến đó. Cái khó nó ló cái khôn mà. Nghề này, phải tự tìm hiểu, tự mày mò mới thú vị. Tuy nhiên nhất định tay nghề phải cứng và tính toán kỹ từng li, chứ không là nguy to”.

Được biết, mỗi hợp đồng di dời, dịch chuyển công trình có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Hiện ở vùng này có nhiều cơ sở hành nghề "thần đèn", còn chất lượng "thần đèn" như thế nào thì không ai dám chắc.

Không có chứng chỉ hành nghề “thần đèn”

Năm 2013, ông Buốc thành doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Huỳnh. Theo ông Buốc, lập doanh nghiệp dễ tạo niềm tin với khách nhưng cũng khó ký hợp đồng vì doanh nghiệp phải gánh nhiều loại thuế nên mức giá bao giờ cũng cao hơn các "thần đèn" làm đơn lẻ.

“Nữ thần đèn” Võ Thị Mè chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải.
“Nữ thần đèn” Võ Thị Mè chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Cũng rơi vào tình trạng “đói” hợp đồng như ông Buốc, “nữ thần đèn” Võ Thị Mè (vợ "thần đèn" Tư Lũy) - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tư Lũy - chia sẻ: “Từ lúc ổng mất đến giờ tôi phải gồng gánh doanh nghiệp để lo công ăn, chuyện làm cho anh em công nhân nhưng càng ngày càng khó khăn. Bởi những những cơ sở tay ngang, không đăng ký kinh doanh ngành nghề xây dựng chào giá thấp hơn”.

Việc cạnh tranh không lành mạnh cũng như sự ra đời của các “tiểu thần đèn” không được quản lý tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao cho người lao động.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Phong Lưu, Trưởng ấp Long Hòa 2 cho biết: “Trên địa bàn có đến 12 đội làm nghề di dời nhà, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động, trong đó chỉ có vài doanh nghiệp, công ty có đăng ký hoạt động kinh doanh ngành nghề xây dựng”.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Hà Luân - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp (Đồng Tháp là địa phương xuất xứ nghề "thần đèn" và hiện cũng có rất nhiều "thần đèn" đang hành nghề) - cho biết, về hoạt động của các "thần đèn", đến nay pháp luật chưa có những qui định về chứng chỉ hành nghề, cấp phép... Do vậy thời gian qua, không chỉ Đồng Tháp mà nhiều tỉnh thành khác cũng khá lúng túng trong việc cấp phép, quản lý các "thần đèn".

Đa phần các "thần đèn" hoạt động dựa vào một doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh những ngành nghề liên quan đến xây dựng, một số ít khác theo kinh nghiệm rồi hoạt động theo kiểu dự do... Sắp tới đây, Sở Xây dựng Đồng Tháp sẽ có văn bản gửi Bộ Xây dựng để được hướng dẫn về cách quản lý hoạt động của các "thần đèn".

Nguyễn Hành - Nguyễn Trần