1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đi tìm ông tổ đích thực của nghề "thần đèn" ở Việt Nam

Từ một tay thợ đóng ghe lành nghề, lão mộc Năm Dương (Chợ Mới, An Giang) tự sáng tạo ra cách dời ngôi nhà hàng chục tấn để phục vụ giải phóng mặt bằng làm đường công cộng.

Sau thành công bất ngờ đó đã tạo nên một cơn sốt dời nhà nguyên trạng thực thụ ở An Giang và sau đó phát triển thành một nghề để kiếm tiền. Nếu như nói ai là ông tổ nghê dời nhà thì rất khó, nhưng nói người khai sáng nghề “thần đèn” thì giới dời nhà vẫn khẳng định đó là ông “mắt kiếng” Năm Dương.

 

Lâu nay người ta vẫn coi ông Tư Lũy (Lương Thành Lũy, mất năm 2011, ngụ ấp Long Hòa 2, xã Long Điều A, huyện Chợ Mới, An Giang) là ông tổ nghề dời nhà. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng trước khi ông Tư Lũy dời căn nhà đầu tiên thì đã có người làm việc này trước đó rồi. PV đã về xứ sở nghề “thần đèn” là huyện Chợ Mới (An Giang) để tìm hiểu cội nguồn câu chuyện trên.

 
“Thần đèn” Tám Được và “Thần đèn” Ba Bé ngồi kể chuyện với phóng viên. Ảnh. T.G
“Thần đèn” Tám Được và Ba Bé ngồi kể chuyện với phóng viên. Ảnh: T.G
 

Tay thợ mộc trổ tài dời nhà

 

Đoạn đường dọc tỉnh lộ 942 cắt ấp Long Hòa 2 chưa đầy 100m, nhan nhản bảng hiệu ghi dòng chữ “KTS… chuyên di dời nhà gỗ, bê tông”. Cụm từ “KTS” là tên viết tắt của các doanh nghiệp, công ty mà chúng tôi không thể liệt kê hết tại đây.

 

Nhìn những biển quảng cáo xăm xắp cũng đủ hiểu, dịch vụ dời nhà giờ đây là một nghề mang đến cho người ta miếng cơm, đồng tiền thực thụ. Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến công ty TNHH Như Tiên, nói là công ty nhưng kỳ thực chẳng có văn phòng, đó là ngôi nhà tuyềnh toàng với nhiều công cụ xây dựng. Chủ nhân là ông Tám Được, một gạo cội của làng “thần đèn”.

 

Từ trong nhà bước ra một cách khó khăn trên đôi nạng cắp nách, ông Tám Được hồ hởi như thể tiếp đón khách đến thuê dời nhà. Nhưng khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về nghề dời nhà, rồi đề cập câu chuyện ông tổ “thần đèn” Tư Lũy, thì ông nghiêm nghị hơn.

 

Ông bảo: “Khó có thể khẳng định ai đã sáng kiến ra nghề dời nhà, nhưng chắc chắn Tư Lũy thì không phải là người đầu tiên”. Ông Tám Được năm nay 58 tuổi, làm công việc di dời nhà từ năm 1992, đây cũng là mốc thời gian “thần đèn” Tư Lũy và các “thần đèn” khác trong làng bắt đầu thành thạo nghề di dời nhà.

 

Ông không hiểu vì sao mình lại chậm nổi hơn so với Tư Lũy, bởi như ông nói thì công việc này ai ai làm cũng giống nhau cả. Còn trước đó có một người đã làm công việc này, đó là ông Năm Dương.
 
Một công trình đặc trưng cho việc di dời, gia cố nhà. Ảnh. T.G
Một công trình đặc trưng cho việc di dời, gia cố nhà. Ảnh: T.G

 

Theo như trí nhớ của ông Tám Được thì trước kia ở làng Hòa Hảo (nay thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) có một ông thợ mộc rất giỏi tên là Năm Dương. Người dân ở đây gọi là “ông mắt kiếng”, vì lúc nào ông cũng đeo chiếc kính mắt rất to. Chính Tư Lũy và một số “thần đèn” cùng lứa đã học lỏm nghề di dời nhà của ông này.

 

Dời nhà cũng không khó để học, những người từng làm thợ xây, thợ hồ, thợ mộc… thì chỉ cần nhìn qua là làm được luôn. Ví như ông Tám Được vốn làm nông từ nhỏ, nhưng bây giờ cũng được người mệnh danh là “thần đèn” trong vùng, từ ngày ông đau cột sống phải đi phẫu thuật chân thì ông tạm nghỉ cho đến nay.

 

Mân mê tách trà, ông Tám Được hướng mắt ra con lộ kể tiếp: “Chính con đường này đã sinh ra các “thần đèn” đấy. Năm 1990, có công văn từ trên tỉnh yêu cầu các hộ gia đình ven hai bên đường phải trả mỗi bên 5m để chính quyền mở rộng và nâng cấp đường. Đó là tỉnh lộ 942, một con đường huyết mạch của tỉnh An Giang, nối liền Chợ Mới với các huyện Phú Tân, An Phú, TP. Long Xuyên và một số huyện của tỉnh Đồng Tháp.

 

Vì lúc ấy nhà ai cũng khó khăn, công tác đền bù của nhà nước lại chậm trễ nên nhiều người ước, nếu di chuyển được nhà về phía sau thì đỡ tốn kém biết mấy. Vừa trả được mặt bằng cho nhà nước, vừa giữ nguyên được nhà để ở.

 

Ông Năm Dương lúc đó 48 tuổi, là tay thợ mộc nổi tiếng ở huyện Phú Tân (An Giang). Thấy người dân huyện Chợ Mới có nhu cầu di dời nhà cấp thiết ông quyết định rủ 20 người đến giúp chuyển căn nhà gỗ của một gia đình chủ hộ tên Hoán (đã mất) về phía sau 6m. Ý tưởng này khiến gia chủ ban đầu cũng không tin, nhưng vẫn đồng ý để xem Năm Dương làm cách nào.

 

Ban đầu, ông cho công nhân đào móng, nống cột để giữ các cột chính trong ngôi nhà khỏi xiêu vẹo. Sau đó ông kê tấm ván ở dưới nền móng làm đường chạy con lăn. Khi lăn, người thợ chính phải làm sao giữ được thăng bằng cho ngôi nhà. Lúc di chuyển, mội người chung sức kéo và đẩy ngôi nhà xê dịch theo hướng vị trí cần chuyển, sau đó làm công tác hậu chuyển là xong.

 

Trong khi ông Năm Dương thực hiện việc chuyển nhà, mọi người ở địa phương thấy lạ nên kéo nhau đi coi như thần đèn trong thần thoại xuất hiện. Nhiều người thấy hứng thú còn xung phong vào đẩy, kéo giùm, trong số đó có Ba Bé và ông Tư Lũy.

 

Bà Võ Thị Mè, vợ “thần đèn” Tư Lũy nói: “Thấy “ông mắt kiếng” làm hay nên chồng tôi suốt ngày đêm trằn trọc. Từng là thợ mộc đóng nhà gỗ, xuồng, ghe nên chồng tôi cứ phân vân rằng, việc kéo ghe nặng hàng chục tấn ông còn làm được thì cái nhà chẳng “xi nhê” gì.

 

Từ đó, chồng tôi đã nghĩ ra cách dùng con đội để nâng cột nhà, thân gỗ cắt mỏng làm ván kê dưới rãnh để con lăn (bằng gỗ dừa) lăn đi như lúc hạ thủy một chiếc ghe, thuyền. Lần đầu tiên ông làm rất cẩn thận nên thành công đến ngoài sức tưởng tượng”.

 

Đoạn đường ngắn có vô số bảng hiệu di dời nhà ở làng “Thần đèn”. Ảnh: T.G
Đoạn đường ngắn vô số bảng hiệu di dời nhà ở làng “Thần đèn”. Ảnh: T.G

 

Đặt nền móng cho nghề “thần đèn”

 

Sau sự thành công của ông Tư Lũy, ông Ba Bé cũng bắt tay vào học di dời nhà. Đầu năm 1991, ông thực hiện di dời hai công trình nhà ở bằng gỗ thành công. Ngày 11/9/1991 (âm lịch), ông nhận di dời nhà cho ông Tám Được (lúc đó Tám Được chưa biết dời nhà) lùi sâu về phía sau 5m.

 

Ngôi nhà của Tám Được làm toàn bộ bằng gỗ, mái ngói, rộng hơn 140m2 và nặng khoảng 60 tấn, thành công mỹ mãn. Sau 12 năm dời đi, hiện ngôi nhà của ông vẫn nguyên trạng như lúc được “thần đèn” Ba Bé chuyển dịch. Cũng từ đây ông Tám được lại theo Ba Bé học nghề.

 

Nhiều “thần đèn” ở đây cho biết, ban đầu họ thành lập các nghiệp đoàn di dời nhà để chung vốn cho bớt chi phí sắm đồ nghề. Mỗi nghiệp đoàn khoảng 2-3, thậm chí lên tới 4-5 gia đình và họ thuê thêm công nhân lao động trợ giúp.

 

Khởi đầu người ta còn dùng trâu, bò, ngựa và sức người để kéo chứ chưa nghĩ ra cách dùng bá lan (một công cụ trong di chuyển nhà làm giảm sức kéo rất hiệu quả) kéo như khi hạ thủy một con tàu, thuyền. Trong quá trình làm, những người dời nhà tiếp tục nghĩ ra công cụ để tăng hiệu quả và đơn giản hơn.

 

Khi chúng tôi đến địa phương xác minh ai là ông tổ “thần đèn” miền Tây thì có nhiều ý kiến trái chiều và cho rằng, nghề này người dạy người, nghề dạy nghề. Thậm chí có nhiều ý kiến còn cho rằng trước ông Năm Dương “mắt kiếng” còn có người đã biết dời nhà nhưng không xác định được cụ thể.

 

Họ xem ông Năm Dương như một người thợ cừ khôi trong công việc đã giúp nhân dân di dời nhà cho đỡ tốn kém. Trong đó, ông Tư Lũy được kính trọng như là người đi đầu, khởi xướng nghề di dời nhà với tính chất chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt sau này cũng chính ông Tư Lũy là người đóng vai trò chính tạo ra các công thức di dời nhà trần (nhà xây gạch và bê tông), dạng nhà phổ biến hiện nay vừa nặng và rất khó dời, rồi nâng thành một nghề để người dân kinh doanh kiếm tiền thực thụ.

 

“Thần đèn” là người học lỏm tài ba

 

“Tất cả các “thần đèn” ở đây đa phần đều bắt nguồn từ những nghề truyền thống như: Đóng ghe, xuồng, làm nhà gỗ hoặc chạm khắc gỗ, làm thợ hồ, xây dựng nhà cửa. Cụ thể như ông Tư Lũy xuất phát từ một thợ đóng ghe, Ba Bé từng là thợ mộc giỏi nhất vùng Nam Vang (Campuchia), Ba Tuấn làm thợ chạm trổ đồ gỗ xuất khẩu.

 

Những “Thần đèn” xuất hiện sau này đều là những người lao công từng đi theo các “thần đèn” gạo cội hàng năm trời mới học lỏm mà thành nghề”, bà Võ Thị Mè, vợ “thần đèn” Tư Lũy cho hay.

 

Theo Đăng Văn

GĐ&XH

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm